Huấn luyện ong mật dò tìm bom mìn ở Croatia

29-09-2014 16:18 | Quốc tế

SKĐS - Các nhà nghiên cứu Croatia đang huấn luyện những con ong mật nhằm phục vụ cho sứ mạng dò tìm những quả mìn chưa nổ đang nằm rải rác đâu đó trên khắp đất nước Croatia và phần còn lại của khu vực Balkan

Trong suốt cuộc chiến kéo dài 4 năm ở Croatia, khoảng 90.000 quả mìn đã được rải trên khắp đất nước này, hầu hết là ngẫu nhiên mà không hề có bất kỳ kế hoạch hay bản đồ nào còn tồn tại. Bà Dijana Plestina, người đứng đầu văn phòng rà phá bom mìn của chính phủ Croatia, xót xa nhìn nhận: “Croatia không thể nào là một đất nước hoà bình một khi thực trạng này không được xử lý rốt ráo”. Hiện tại, các nhà nghiên cứu Croatia đang huấn luyện những con ong mật nhằm phục vụ cho sứ mạng dò tìm những quả mìn chưa nổ đang nằm rải rác đâu đó trên khắp đất nước Croatia và phần còn lại của khu vực Balkan.

Thực phẩm trộn thuốc nổ TNT để huấn luyện ong dò chất nổ

Mirjana Filipovic vẫn còn nguyên cảm giác ám ảnh về vụ nổ mìn đã sát hại người bạn trai của bà, nó cũng thổi bay chân trái của Mirjana trong khi hai người đang đi câu cá cách đây gần một thập niên. Vụ việc xảy ra trên một cánh đồng đang trong thời kỳ rà phá bom mìn. Hiện tại, những tấn bi kịch cho con người từ bom mìn chắc chắn sẽ không xảy ra nữa nhờ thành tích của một người hùng đặc biệt: những chú ong mật. Theo đó, các nhà nghiên cứu Croatia đang huấn luyện những con ong mật nhằm phục vụ cho sứ mạng dò tìm những quả mìn chưa nổ đang nằm rải rác đâu đó trên khắp đất nước Croatia và phần còn lại của khu vực Balkan.

Dò tìm bom mìn bằng ong mật

Dò tìm bom mìn bằng ong

Khi Croatia gia nhập Liên minh Châu Âu (EU) vào ngày 1/7/2012, ngoài những khung cảnh biển cả Adriatic nước xanh mơn man màu ngọc, những hồ núi xanh sẫm và những cánh rừng nguyên sinh bạt ngàn tít tắp thì nước này cũng đang tồn tại nhiều bãi mìn chưa được dọn sạch. Khoảng 750 km2 (466 dặm vuông) diện tích hiện đang bị hoài nghi là còn sót lại nhiều bom mìn từ các cuộc chiến ở khu vực Balkan trong thập niên 1990. Vào một ngày gần đây, ông Nikola Kezic, một chuyên gia về hành vi của loài ong mật, đang ngồi yên lặng cùng với một tốp các nhà nghiên cứu trẻ trong một chiếc lều lớn chứa đầy loài côn trùng đang vo ve trên một sân cỏ mọc đầy cây Keo. Giáo sư (GS) Nikola Kezic từ Đại học Zagreb đang nêu ra những ý tưởng cho một thử nghiệm: loài ong có khả năng ngửi mùi cực nhậy và do đó chúng có thể phát hiện nhanh chóng mùi của các loại chất nổ. Chúng được huấn luyện bằng cách nhận biết thực phẩm với mùi của thuốc nổ TNT.

GS Nikola Kezic, người đang dẫn đầu một chương trình lớn nhiều triệu USD gọi là “Tiramisu” được EU tài trợ nhằm phát hiện bom mìn trên toàn bộ khu vực Balkan, hân hoan cho biết: “Chúng tôi kết luận cơ bản rằng những con ong mật có thể phát hiện chính xác những mục tiêu này, đó là điều làm chúng tôi rất hài lòng”. Một vài “điểm ăn” đã được dựng quanh lều nhưng chỉ có vài điểm là chứa các hạt thuốc nổ TNT trong đó. Phương pháp huấn luyện những con ong bằng chứng thực mùi của chất nổ cùng với thức ăn đã diễn ra như sau: lũ ong mật sẽ tập trung tại những điểm đặc biệt này bao gồm một dung dịch đường hoà lẫn với các hạt TNT, và nếu “điểm ăn” không có các hạt TNT thì nó sẽ có mùi khác. GS Nikola Kezic cho hay rằng “các điểm ăn” bao gồm các dấu vết TNT đã cung cấp “một dung dịch đường làm phần thưởng cho ong mật, vì vậy chúng có thể tìm thấy thức ăn ở giữa”. Ông Kezic cũng cảnh báo: “Không thành vấn đề khi cho một con ong học cách nhận biết mùi của chất nổ, nó có thể tự tìm kiếm mùi. Nhưng nếu bạn huấn luyện cho cả tổ ong với hàng ngàn con ông thì vấn đề đã trở nên nan giải”.

Ở nơi còn sót lại bom mìn đồng nghĩa hoà bình đang bị đe doạ

Các quan chức Croatia ước tính rằng kể từ khi bắt đầu những cuộc chiến Balkan vào năm 1991, đã có khoảng 2.500 người chết vì nổ bom mìn. Trong suốt cuộc chiến kéo dài 4 năm, khoảng 90.000 quả mìn đã được rải trên khắp đất nước Croatia, hầu hết là ngẫu nhiên mà không hề có bất kỳ kế hoạch hay bản đồ nào còn tồn tại. Bà Dijana Plestina, người đứng đầu văn phòng rà phá bom mìn của chính phủ Croatia, cho hay rằng những thiết bị bom mìn đã làm gia tăng sự trở ngại lớn cho dân cư và ngành công nghiệp của đất nước này bao gồm cả hoạt động nông nghiệp và ngành du lịch. Trong gần 2 thập kỷ, kể từ khi chiến tranh kết thúc, những vụ nổ mìn đã cướp đi sinh mạng của 316 người bao gồm 66 thợ rà phá mìn. Bà Dijana Plestina xót xa nhìn nhận: “Người dân nơm nớp lo sợ cho sự an toàn sinh mạng của mình, những quả mìn vô hình trung như kẻ khủng bố đang chực chờ ra tay với họ. Và lẽ dĩ nhiên là điều này không thể nào chấp nhận được. Croatia không thể nào là một đất nước hoà bình một khi thực trạng này không được xử lý rốt ráo”.

Vào năm 2004, Mirjana Filipovic và bạn trai trong lúc đang đi câu cá tại một dòng sông nằm giữa ranh giới hai nước Croatia và Bosnia. Người phụ nữ 41 tuổi ứa nước mắt nhớ lại: “Sau khi thu được một mớ chiến lợi phẩm, trong lúc hai chúng tôi tay chúng tay bên nhau thì anh ấy vô tình giẫm phải mìn. Cảm giác thật khủng khiếp, một vụ nổ rợn tóc gáy… hàng ngàn mảnh vỏ mìn bay tứ tung khắp nơi, hàng trăm mảnh văng tung toé lên người tôi. Cách đó vài mét, bạn trai tôi đã chết tức tưởi, trong khi tôi đang nằm trên vũng máu dưới mặt đất”. Khi đã điều trị xong, Mirjana Filipovic phát đơn kiện lên chính phủ Croatia, bà khẳng định vùng đất ở đó không hề được rà phá bom mìn để đến nổi bi kịch đã xảy ra với người thân yêu của bà. Mirjana nhớ lại: “Lúc đầu tôi ngỡ mình đang ngủ. Rồi thì tôi nghe thấy giọng nói của cha. Tôi mở mắt và chẳng thấy gì, lúc đó tôi đinh ninh mắt mình đã bị mù”. Mặc dù chính phủ Croatia đã thừa nhận lỗi nhưng phía toà án vẫn chưa xác định việc bồi thường thiệt hại sẽ như thế nào.

Trở lại chuyện huấn luyện ong mật dò mìn. GS Nikola Kezic nói: “Đầu tiên, những con ong sẽ được tiến hành việc kiểm soát những bài thử nghiệm của chúng, chúng sẽ làm việc trên các loại mìn thực sự và đã được đánh dấu. Ông Kezic cũng nói rằng các nhà nghiên cứu người Mỹ trong quá khứ cũng đã tiến hành huấn luyện ong mật dò tìm mìn, nhưng chất nổ TNT – chất nổ thông dụng nhất dùng trong cuộc chiến ở Balkan – lại không nằm trong thử nghiệm của họ vì mùi của nó bốc hơi rất nhanh, và chỉ có một lượng nhỏ dấu vết còn sót lại sau đó. Chuột và chó cũng được dùng để phát hiện chất nổ trên khắp thế giới nhưng không giống như ong, chúng có thể bị nổ tung bởi chính trọng lượng cơ thể của mình một khi giẫm lên mìn. Thậm chí ngay cả khi các công nhân rà phá bom mìn đã hoàn thành phận sự tại khu vực đó, thì một số quả mìn cũng có thể bị bỏ sót và nằm đâu đó trong lòng đất, và chúng là nguyên nhân gây ra những vụ nổ chết người sau đó. Thử nghiệm với ong mật đã chứng minh được độ tin cậy, hiệu quả và chúng sẽ được sử dụng tại những khu vực đã thật sự trải qua rà phá mìn trước đó, chuyển động của các con ong sẽ được các máy ảnh ghi nhiệt cập nhật kịp thời. GS Nikola Kezic kết luận: “Chúng tôi không nói rằng sẽ khám phá hết mìn trên một bãi mìn, nhưng thực tế là vẫn nên kiểm tra sát sạt nếu cái bãi mìn đó đã được rà phá trước đó. Khoa học chứng minh là chưa bao giờ có cái bãi mìn nào là sạch nhẵn mìn do đó nhiệm vụ của con ong là tiếp cận và lùng soát cho kỳ hết”.

Nguyễn Thanh Hải (Theo TIME )

 


Ý kiến của bạn