Đến nay, dòng phim về đề tài chiến tranh Việt Nam rất đồ sộ với nhiều tác phẩm xuất sắc. Tuy nhiên, càng về sau, để chọn được phim về đề tài chiến tranh được số đông yêu mến rất hiếm. Sở dĩ có điều này vì phim về đề tài chiến tranh về sau ít được sản xuất vì chúng ta thiếu phương tiện, kỹ thuật, kinh phí cũng như đạo diễn, diễn viên có nghề. Đa số phim về đề tài chiến tranh về sau, các đạo diễn thường cố gắng thể hiện tốt tinh thần của bộ phim chứ chưa thể làm ra một tác phẩm hoàn chỉnh vì những khó khăn, đặc biệt về kinh phí sản xuất.
Tuy nhiên, cùng với một số bộ phim về đề tài chiến tranh ra đời vài năm trở lại đây, Đường xuyên rừng (đạo diễn Xuân Cường) chuyển thể từ tiểu thuyết Con đường xuyên rừng (Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học Nghệ thuật năm 2012) của nhà văn Lê Văn Thảo được giới làm nghề, khán giả đánh giá cao. Phim Đường xuyên rừng mô tả cuộc gặp mặt của những người tình cờ gặp nhau trong chiến tranh khốc liệt. Đây không phải cuộc vượt rừng bình thường, mà là vượt qua trận càn Junction City - trận càn quy mô nhất, huy động đông quân nhất của Mỹ vào năm 1967 tại chiến trường miền Nam nhằm tấn công vào Trung ương Cục Miền Nam Việt Nam tại Tây Ninh.
Cảnh trong phim Đường xuyên rừng.
Trong bộ phim này, những người vượt rừng không phải bạn bè, không cùng đơn vị, không cùng nhiệm vụ, thậm chí chưa biết tên nhau. Đó là Vinh - một sĩ quan sắp được cử đi học, Hà - cô văn công mới 18 tuổi, nhà văn địa phương Chín Nếp, bác sĩ quân y Ba Quang, vợ chồng ông Tư Nghệ cùng 5 người lính thông tin. Họ chỉ có một khẩu súng lục mà văn công Thu Hà nhặt được với 1 viên đạn gỉ. Nhưng rồi họ sát cánh bên nhau để tìm đường thoát khỏi vòng vây của địch. Mỗi người một tính cách. Vinh trầm tĩnh, nhìn cái chết đến như bình thản. Một nữ văn công Thu Hà mong manh. Hai vợ chồng Tư Nghệ, nhà văn địa phương Chín Nếp, bác sĩ Ba Quang hồn hậu, mộc mạc và nhóm 5 chiến sĩ thông tin tiến hành nhiệm vụ bí mật nhưng không ai hay biết. Khi ra khỏi vòng vây, những con người ấy có tổn thất, hy sinh nhưng chuyến đi của họ luôn có một niềm tin ở phía trước, niềm tin sẽ vượt được trận càn.
Bên cạnh những cảnh vượt rừng kịch tính, khốc liệt, bộ phim không thể thiếu những khoảnh khắc lãng mạn, ngọt ngào của tình yêu đôi lứa trong khói lửa chiến tranh. Đó là tình yêu nảy nở giữa Vinh và Hà. Cả hai cảm mến nhau nhưng tình cảm chỉ dừng ở mức độ giới hạn bởi cả hai đều thấu hiểu hoàn cảnh chiến tranh không cho phép họ nghĩ xa hơn. Với một cốt truyện độc đáo, được đầu tư kỹ lưỡng, Đường xuyên rừng tạo được nhiều cung bậc cảm xúc cho khán giả. Ngoài ra, các cảnh chiến tranh, cháy nổ trong phim được đầu tư khá kỹ lưỡng và phim còn được đánh giá cao ở sự chân thực. Dù là phim về một trận càn, hình ảnh bom đạn trong phim không bị lạm dụng, tạo cảm giác thật với người xem. Đặc biệt, sự xuất hiện của các chiến sĩ thông tin với nhiệm vụ dẫn dụ địch đối đầu với một sư đoàn ảo của ta mang lại cho Đường xuyên rừng yếu tố hấp dẫn của sự đấu trí giữa “một dân tộc nhỏ đấu với một đế quốc to” bằng cơ mưu.
Phim chỉ là một lát cắt của cuộc chiến tranh hiện lên qua chuyến đi xuyên rừng của những con người chỉ vừa tình cờ gặp gỡ, tuy nhiên đã tái hiện một cách dung dị và sống động sự khốc liệt của cuộc chiến mà những người nghệ sĩ - chiến sĩ đã vượt qua vòng vây bom đạn bằng tình đồng đội, tình yêu và trên tất cả là tình yêu Tổ quốc. Và trên nền bối cảnh khốc liệt ấy, hình ảnh những người đi xuyên rừng hiện lên bằng một vẻ đẹp bình dị, lặng thầm. Theo NSND Lê Hồng Chương, Đường xuyên rừng nói về đề tài chiến tranh cách mạng, vì thế mục đích là làm sao kể về câu chuyện về thắng lợi vĩ đại của dân tộc ta để truyền lại cho thế hệ sau. Việc giữ được nhiều hình ảnh đẹp, truyền lại truyền thống cách mạng cao đẹp cho lớp trẻ là một thành công lớn của bộ phim này.