Hormone tăng trưởng trong thức ăn

14-05-2011 07:35 | Thời sự
google news

Vấn đề trộn thêm các hormone tăng trưởng vào thức ăn gia súc như bò, lợn, gà là một việc làm của những nhà chăn nuôi ở các quốc gia phương Tây trong vòng 20 năm trở lại đây. Tuy nhiên, qua những nghiên cứu khoa học gần đây,

Vấn đề trộn thêm các hormone tăng trưởng vào thức ăn gia súc như bò, lợn, gà là một việc làm của những nhà chăn nuôi ở các quốc gia phương Tây trong vòng 20 năm trở lại đây. Tuy nhiên, qua những nghiên cứu khoa học gần đây, ảnh hưởng của các hormone tăng trưởng trên có thể gây phương hại lên sức khoẻ của con người. Do đó, những nhà hoá học “xanh” thường cổ suý cho việc tiêu dùng thực phẩm “xanh” hay organic, trong đó hạn chế tối đa việc áp dụng phân bón, thuốc trừ sâu, nấm mốc, diệt cỏ dại, và hormone tăng trưởng trong việc chăn nuôi và trồng trọt.

Việc thực phẩm gia súc có pha trộn hoá chất hiện đang được tranh cãi qua công cuộc xuất nhập khẩu thực phẩm giữa các quốc gia. Hoa Kỳ đang đối mặt với những vụ kiện tụng về sự hiện diện của hormone trong thịt bò xuất cảng qua Liên hiệp châu Âu, Nhật Bản và Hàn Quốc. Việc cho thêm hormone hay hoá chất vào thức ăn chăn nuôi là điều cấm kỵ.

Trung Quốc từ năm 2007 đã bị khám phá là có hoá chất độc hại melamine trong thức ăn chó, mèo xuất cảng qua Hoa Kỳ và làm chết một số súc vật được yêu chuộng của người Mỹ. Và tiếp theo đó, hàng loạt tai nạn bùng nổ ra trên khắp thế giới qua đủ mọi hình thức pha trộn melamine trong thực phẩm, sữa, bánh kẹo… từ Trung Quốc, sang Hoa Kỳ, Canada, Đài Loan, châu Âu... Dĩ nhiên Việt Nam không phải là nước ngoại lệ.

Ở nước ta, sự pha trộn hoá chất này thể hiện khắp nơi, trên hầu hết các mặt hàng sản xuất từ thực phẩm tiêu dùng tươi, cho đến thực phẩm khô, cũng như các thành phẩm chế biến trong ngành thực phẩm. Và, mức độ trầm trọng đã được khám phá qua sự kiện đã xảy ra ngày 2/2/2006 tại Phan Thiết. Thanh tra Sở Y tế tỉnh Bình Thuận đã xử phạt hành chính một cơ sở mầm non của tỉnh này vì nơi đây đã làm một sai phạm nghiêm trọng là trộn hormone thuộc nhóm corticoid vào thức ăn cho học sinh mẫu giáo và nhà trẻ.

 Đã từng có nhiều vụ nhiễm độc vì sữa có melamin

Hormone trong thực phẩm ở Việt Nam

Vào năm 2006, sự việc xảy ra trên đây làm cho các cháu học ở đây đều có dấu hiệu tăng cân nhanh một cách bất thường. Do đó phụ huynh đã báo cáo lên Sở Y tế Phan Thiết. Sau đó, Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh mới đến kiểm tra trường và lấy mẫu thức ăn trưa của các cháu để xét nghiệm. Kết quả cho thấy trong 5 mẫu thức ăn, có đến 4 mẫu chứa hàm lượng đáng kể hoá chất dexamethasone. Số lượng được tìm thấy là 0,12 mg/kg trong canh; 0,19 trong thịt sốt cà; 0,15 trong tôm sốt me; và 0,27 trong canh hầm xương.

Dexamethasone là một loại hormone kích thích có chứa nguyên tố Fluor. Chúng có thể được dùng trong dược phẩm vì có tính chống viêm. Tuy nhiên chất này rất hiếm được bác sĩ kê toa vì những tác dụng phụ rất đa dạng có thể làm xáo trộn nhiệm vụ của một số bộ phận trong cơ thể. Về phương diện hoá học, chỉ cần 1mg/kg của hóa chất này cũng có thể gây tử vong cho chuột. Khi bị tiếp nhiễm dài hạn, con người có thể bị loét dạ dày, xuất huyết đường ruột, loãng xương, tăng huyết áp…

Mức tác hại của vấn đề quá lớn và cần phải được theo dõi trong một thời gian dài. Hậu quả trước mắt của việc dùng kích thích tố này là làm giảm thiểu mức tăng trưởng chiều cao của trẻ em. Tùy theo liều lượng và thời gian sử dụng, dexamethasone sẽ làm mất chất vôi trong xương, làm loãng xương, ngoài ra còn có nhiều phản ứng phụ như trẻ em bị tăng huyết áp, rối loạn tinh thần, bị giảm sức đề kháng, do đó khả năng bị nhiễm trùng rất cao. Đây là một trường hợp pha trộn trực tiếp hóa chất vào thức ăn. Ngoài xã hội, vẫn còn có vô số trường hợp ảnh hưởng gián tiếp qua thực phẩm chứa hóa chất độc hại trong chăn nuôi và trồng trọt mà chưa bị phát hiện.

Chúng tôi muốn nói đến sự nhiễm độc qua đường thực phẩm, nghĩa là các loại hoá chất kích thích tăng trưởng hay tăng trọng trong rau quả và gia súc đã được các nhà trồng trọt, chăn nuôi trộn lẫn vào thức ăn cho gia súc hay nước tưới tiêu cho cây trồng. Do đó con người bị tiếp nhiễm gián tiếp qua thực phẩm chứa các hóa chất độc hại trên. Đối với rau quả, hóa chất độc hại thường được sử dụng là 2,4-D và 2,4,5-T là hai thuốc diệt cỏ trong chất da cam và các hóa chất dioxin-tương đương khác như DDT, và các loại thuốc diệt trùng, trừ sâu rầy, trừ nấm mốc... Đối với gia súc như heo, gà, vịt, hóa chất kích thích tăng trưởng ngoài dexamethasone, người chăn nuôi thường sử dụng là clenbuterol. Clenbuterol ảnh hưởng lên sức khỏe người tiêu dùng rất nặng vì đây là yếu tố nguy cơ gây bệnh ung thư cho con người.

Hiện tại, chất clenbuterol được ưa dùng hơn dexamethasone vì trước khi xuất chuồng 3 tuần, lợn được ăn thức ăn có chứa clenbuterol theo tỷ lệ 1 kg/tấn thức ăn thì sẽ tăng trọng lượng rất nhanh. Lợn 3 tháng tuổi có thể cân nặng 1 tạ thay vì cần phải 5 tháng nếu nuôi theo phương pháp thông thường. Đặc biệt hơn nữa, khi dùng hóa chất này, thịt heo sẽ ít mỡ rất bắt mắt khách hàng. Tại Việt Nam, từ năm 2002 Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã ra quyết định cấm sử dụng clenbuterol trong chăn nuôi gia súc, nhưng chất này vẫn còn được một số nhà chăn nuôi lén lút sử dụng.

Giải pháp nào cho vấn đề chống trộn hóa chất trong thực phẩm?

Trước những tin tức dồn dập về nhiễm độc thực phẩm, đặc biệt ở trường mầm non và những quán ăn tập thể cho công nhân, vấn đề được đặt ra là cần phải giải quyết tận gốc. Việc kiểm dịch ở các lò mổ hay ở các chợ chỉ có thể phát hiện và xử lý kịp thời đối với các sản phẩm động vật bị dịch. Còn đối với các loại kích thích tăng trọng cần phải lấy mẫu xét nghiệm. Và khi có kết quả dương tính thì số lượng thực phẩm đó đã được tiêu thụ hết rồi, và dĩ nhiên số người đã bị nhiễm cũng không nhỏ.

Vì vậy việc giải quyết tận gốc là cốt lõi của vấn đề. Vì Việt Nam chưa chế tạo được các hoá chất kích thích trên, cho nên phải nhập cảng. Kiểm soát hay chấm dứt việc nhập cảng các hóa chất là một phương thức ngăn chặn được một phần nào mức lạm dụng của gian thương.

Dĩ nhiên là công việc không dễ dàng. Nhưng nếu có quyết tâm, Việt Nam có thể làm được việc trên qua con đường giao thương chính thức với nước ngoài.

Nhưng một tệ trạng khác nữa là nạn buôn lậu qua đường biên giới, đặc biệt là biên giới phía Bắc. Cho đến hôm nay, người Việt ở trong nước đều biết rành rọt là ai cũng có thể mua được đủ loại kích thích tố tăng trưởng cho động vật và thực vật với giá rẻ dưới các nhãn hiệu có tên rất dễ thương như: Bạch Nhật Đại, Khai vị, Tăng gia Phúc đại... Các hoá chất trên theo quảng cáo có công dụng thúc đẩy sự tăng trưởng, tăng cường và nâng cao phẩm chất của thịt, tăng cường khả năng sinh sản của động vật. Tuy nhiên, không có loại nào có ghi thành phần hóa chất trong sản phẩm trên bao bì, một quy định bắt buộc áp dụng cho tất cả hóa chất bày bán trên thị trường.

Thẩm định lại tất cả những nguyên nhân đưa đến sự hiện diện của hóa chất kích thích trong thực phẩm cho người và gia súc ở Việt Nam, câu hỏi đặt ra cho mỗi người trong chúng ta là làm thế nào kiểm soát và chấm dứt tình trạng trên?

Người tiêu dùng phải có thái độ như thế nào?

Mỗi năm, cứ mỗi lần Tết đến, hiện tượng thức ăn gian dối, pha trộn hóa chất độc hại, biến chế không theo tiêu chuẩn an toàn thực phẩm lại xảy ra với cường độ ngày càng trầm trọng hơn, tinh vi hơn. Bánh mứt không theo phương thức “lương thiện”, quy trình sản xuất “chính quy”, mà  chỉ mong đạt số lượng thành phẩm cao hơn nguyên liệu, do đó phải pha thêm phụ gia, hóa chất… để làm giảm giá thành và tăng thêm lợi nhuận.

Đối với người tiêu dùng, rất nhiều người đã biết cảnh giác và đã biết chọn những mặt hàng có nhãn hiệu và được bày bán trong các siêu thị hoặc các cửa hàng có uy tín. Tuy nhiên, họ cần thông thái hơn và phải cảnh giác trước việc thay đổi hoặc làm nhãn hiệu giả. Hãy thận trọng với các loại rau quả “nhập khẩu” không rõ nguồn gốc.
TS. Mai Thanh Tuyết

Ý kiến của bạn
Tags: