
Tác hại của hộp xốp và túi nilon
Ngày 10/7, HĐND TP.Hà Nội thông qua Nghị quyết quy định biện pháp giảm phát thải nhựa trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ và sinh hoạt trên địa bàn thành phố.
Nghị quyết đưa ra lộ trình dừng sản xuất, nhập khẩu, sử dụng sản phẩm nhựa sử dụng một lần (trừ sản phẩm được chứng nhận nhãn sinh thái Việt Nam), bao bì nhựa khó phân hủy sinh học (gồm túi ni lông khó phân hủy sinh học, hộp nhựa xốp đóng gói, chứa đựng thực phẩm) và sản phẩm, hàng hóa chứa vi nhựa.
PGS.TS Vũ Thành Ca, giảng viên cao cấp Đại học Tài nguyên và Môi trường cho biết, nhựa và sản phẩm nhựa, kể cả sản phẩm nhựa dùng 1 lần, là một thành tựu của nhân loại, giúp cho cuộc sống của loài người tốt đẹp hơn.

Túi nilon gây ra gánh nặng nghiêm trọng cho môi trường.
Chất phụ gia trong nhựa được sử dụng để cải thiện các đặc tính của nhựa, giúp chúng dễ sản xuất và sản phẩm cuối cùng đáp ứng được các yêu cầu về độ bền, tính dẻo, khả năng chịu nhiệt, chống cháy, màu sắc...
Một số chất phụ gia, như các chất thuộc nhóm hóa chất PFAS, đặc biệt nguy hại cho sức khỏe con người. Chất phụ gia độc hại tráng trên mặt sản phẩm nhựa để chống nước, dùng đựng thức ăn, nước uống có khả năng gây hại cho sức khỏe.
Chất phụ gia độc hại có thể thoát ra từ nhựa cũ hoặc bị vỡ, rách và gây hại cho sức khỏe. Các loại nhựa, đặc biệt là nhựa dùng một lần, khi bị thải bỏ sẽ trở thành rác thải. Rác thải nhựa có thể mất hàng trăm năm để phân hủy và có khả năng gây những tác động rất xấu tới kinh tế - xã hội và môi trường, các hệ sinh thái.
Đối với đại dương, rác thải nhựa đặc biệt nguy hại cho các sinh vật biển do bị nhầm là thức ăn, dẫn tới nuốt nhầm, bị hóc hoặc đầy dạ dày, không ăn được thức ăn và chết đói.
Lưới đánh cá, dây câu bị vứt bỏ sẽ tạo ra hiện tượng "đánh cá ma", làm chết rất nhiều sinh vật biển Rác thải nhựa gây tác hại rất lớn tới các rạn san hô, thảm cỏ biển Rác thải nhựa có thể làm thay đổi giới tính của rùa mới nở, tạo ra sự mất cân bằng sinh thái và ảnh hưởng tới sự tồn vong của loài rùa biển. Rác thải vi nhựa nguy hại cho sức khỏe con người và sinh vật.
Đặc biệt, theo PGS.TS Vũ Thành Ca, hộp xốp (EPS) hoặc XPS là một trong những loại sản phẩm nhựa nguy hại. EPS và XPS chứa styrene hóa học, là chất độc hại.
Thức ăn, nước uống đựng trong hộp xốp, đặc biệt khi có nhiệt độ cao hơn 70 độ C, thực phẩm chua, có chất béo, có thể bị ô nhiễm bởi các chất độc hại, có khả năng gây ung thư hoặc các tác động xấu tới sức khỏe như mất khả năng nhìn, trí nhớ và mức độ tập trung kém hoặc hệ thần kinh bị suy yếu.
Các chất độc hại trong hộp xốp có thể thoát ra khỏi nhựa và làm ô nhiễm không khí. Các hộp xốp dễ vỡ, nhẹ nên bị gió thổi, bị dòng chảy và sóng phát tán đi khắp nơi, rất khó thu gom. Các mảnh hộp xốp có tác động rất xấu tới các sinh vật biển. Hộp xốp hầu như không được tái chế do chi phí tái chế đắt đỏ.
Cần cấm triệt để các loại rác thải tạo gánh nặng cho môi trường
PGS.TS Vũ Thành Ca cho rằng, cần cấm một số chất phụ gia với một số loại sản phẩm nhựa, như cấm sử dụng PFAS để sản xuất các loại hộp, cốc nhựa đựng đồ ăn, nước uống.
Cần loại trừ hoàn toàn việc sử dụng hộp xốp để đựng thức ăn, nước uống và thay thế bằng sản phẩm kim loại hoặc các chất liệu thân thiện khác, sản phẩm nhựa an toàn dùng nhiều lần hoặc thay thế sản phẩm hộp xốp đựng thức ăn, nước uống bằng một số sản phẩm hữu cơ có khả năng phân hủy nhanh.
Hộp giấy có tráng lớp bảo vệ, chống nước, có khả năng phân hủy sinh học và không có chất độc hại với con người. Hộp bằng bã mía là giải pháp tốt nhất, tận dụng lượng bã mía bỏ đi. Rất thân thiện với môi trường, bền chắc và giá thành phù hợp. Sử dụng một số vật liệu tự nhiên khác có giá trị kinh tế và khả thi về thương mại.
Cần giảm sản xuất và sử dụng một số sản phẩm nhựa khác, đặc biệt là túi nilon dùng 1 lần, ống hút... Giải pháp hiệu quả nhất là giải pháp tài chính: đánh thuế để tăng giá sản phẩmkết hợp với giải pháp hành chính: kiểm tra và xử phạt.
Trong báo cáo Khuyến nghị chính sách nghiên cứu, đề xuất các giải pháp thay thế cho sản phẩm nhựa dùng một lần và túi nilon khó phân hủy (thuộc Dự án "Giảm thiểu rác thải nhựa đại dương tại Việt Nam" do Cục Biển và Hải đảo Việt Nam và Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn thiên nhiên tại Việt Nam (WWF-Việt Nam) thực hiện), các chuyên gia của Viện Chiến lược, Chính sách nông nghiệp và môi trường đề xuất, cần ban hành các tiêu chuẩn, hướng dẫn kỹ thuật cụ thể về yêu cầu nguyên liệu đầu vào cho sản xuất sản phẩm thay thế.
Nhà nước cũng cần ban hành các quy định hoặc hướng dẫn về tiêu chuẩn, quy chuẩn, chứng nhận đối với các sản phẩm thay thế sản phẩm nhựa dùng một lần, túi nilon khó phân hủy để tạo điều kiện cho các sản phẩm này được hưởng các ưu đãi về bảo vệ môi trường cũng như hỗ trợ cho việc truyền thông tiếp thị với các sản phẩm này.
Bên cạnh đó, cần nghiên cứu có cơ chế cho phép công nhận đối với các sản phẩm thay thế của Việt Nam đã được chứng nhận phù hợp từ các tổ chức tiêu chuẩn, quy chuẩn, đánh giá có uy tín trên thế giới, nhất là trong bối cảnh Việt Nam chưa xây dựng được hệ thống chứng nhận sản phẩm thay thế thân thiện với môi trường của riêng mình. Việc công nhận các chứng chỉ, chứng nhận quốc tế cũng sẽ tạo điều kiện cho việc sản xuất, nhập khẩu, xuất khẩu, lưu thông các sản phẩm thay thế trên thị trường.