Nhân chuyến thăm Pháp của Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến, Đại sứ CH Pháp tại Việt Nam Jean-Noël Poirier đã trả lời phỏng vấn của phóng viên báo Sức khỏe&Đời sống.
PV: Ông đánh giá thế nào về tầm quan trọng của hợp tác y tế trong chiều dài lịch sử quan hệ hai nước suốt 40 năm qua?
Ông Jean-Noël Poirier: Hợp tác trong lĩnh vực y tế là một thành công lớn trong hoạt động của Pháp tại Việt Nam. Cần phải nói rằng, các bác sĩ (BS) của Pháp và Việt Nam vẫn luôn có mối quan hệ gắn bó từ lâu. Nhưng phải tới thời điểm các hiệp định hợp tác liên chính phủ năm 1993, sự hợp tác này mới thực sự cất cánh. Các hiệp định này là khuôn khổ cho hoạt động của chúng ta và đã cho phép triển khai một chương trình lớn đào tạo BS nội trú. Chương trình này đã cho phép hơn 2.500 BS Việt Nam sang đào tạo tại Pháp. Đây là chương trình đào tạo BS chuyên khoa lớn nhất mà Pháp đã tiến hành trên thế giới. Tổng giá trị cộng dồn của 20 năm này tương đương với một cam kết tài chính gần 100 triệu euro.
Đại sứ Cộng hòa Pháp Jean-Noël Poirier. |
PV:Hợp tác y tế là hợp tác truyền thống, có bề dày lịch sử giữa hai nước. Nhân kỷ niệm 40 năm quan hệ ngoại giao, các hoạt động kỷ niệm y tế sẽ diễn ra như thế nào?
Ông Jean-Noël Poirier: Có hai sự kiện lớn sẽ đánh dấu việc kỷ niệm này: Trước tiên, đó là chuyến thăm Pháp của Bộ trưởng Bộ Y tế Việt Nam Nguyễn Thị Kim Tiến vào các ngày 16 - 17/5/2013. Vào tháng 10 tới, những ngày hội khoa học của Cơ quan nghiên cứu về AIDS của Pháp (ANRS) sẽ diễn ra tại Hà Nội với sự có mặt của bà Françoise Barré-Sinoussi, Giải thưởng Nobel Y học năm 2008. Các hoạt động khác được dự kiến với các Viện Pasteur, đặc biệt tại TP. Hồ Chí Minh.
PV: Ông có cảm tưởng gì về thế hệ những BS Pháp và Việt đã chung tay vun đắp cho mối quan hệ tuyệt vời này, trong đó có thể kể đến GS. Françoise Barré-Sinoussi, nhà khoa học lỗi lạc đoạt Giải Nobel Y học, người có tình cảm sâu đậm với Việt Nam, GS. Tôn Thất Tùng, GS. Nguyễn Lân Việt,... những người đi đầu trong việc đặt nền móng hợp tác y tế Pháp - Việt, cũng như Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến, người đã được trao Huân chương Bắc đẩu Bội tinh của Chính phủ Pháp?
Ông Jean-Noël Poirier: GS. Tôn Thất Tùng là người đã có thể duy trì mối liên hệ giữa hai cộng đồng y khoa của Pháp và Việt Nam, bất chấp mọi khó khăn. Đó là một nhà phẫu thuật nổi tiếng trên thế giới về công trình phẫu thuật gan. Những BS Pháp đã khởi nguồn cho hoạt động hợp tác của chúng ta đều hết sức ấn tượng về nhân cách mạnh mẽ này. Tôi cũng nghĩ tới người con trai của ông là GS. Tôn Thất Bách, người với tư cách Hiệu trưởng Trường ĐH Y Hà Nội, sau đó là Giám đốc Bệnh viện Việt Đức, đã đóng một vai trò cơ bản trong những năm 90, đầu những năm 2000. Chính thời kỳ lãnh đạo của ông đã bắt đầu cho “thời hoàng kim” của sự hợp tác của chúng ta.
GS. Nguyễn Lân Việt là một trong những chuyên gia tim mạch xuất sắc của Việt Nam và hiện đứng đầu Viện Tim mạch Quốc gia. Ông là một trong số những BS thuộc chương trình đào tạo BS nội trú đầu tiên vào cuối những năm 80 TK trước. Là Hiệu trưởng Trường đại học Y Hà Nội, ông đã có thể tiếp tục sự nghiệp của người tiền nhiệm - GS. Tôn Thất Bách. Ông là một người bạn rất gần gũi.
GS. Françoise Barré-Sinoussi là một người bạn của Việt Nam từ 25 năm nay. Bà gắn bó chung thủy với Việt Nam. Bà đã phát triển các chương trình nghiên cứu của Cơ quan nghiên cứu về AIDS của Pháp với Viện Pasteur TP. Hồ Chí Minh, khi đó dưới sự lãnh đạo của bà Nguyễn Thị Kim Tiến. Các cấp lãnh đạo cao nhất của Việt Nam đã trao tặng bà Huân chương Hữu nghị. Sự ghi nhận này là một minh chứng đẹp cho sự thủy chung.
Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến là một người bạn của Pháp từ rất lâu. Chúng tôi rất cảm động khi bà đã lựa chọn Pháp và Bordeaux là điểm đến cho chuyến công du chính thức tại nước ngoài của bà với tư cách Bộ trưởng Bộ Y tế. Chúng tôi rất vui mừng về sự nghiệp chính trị đặc biệt của bà. Chúng tôi luôn sẵn sàng làm việc với các bộ phận trực thuộc cơ quan của bà.
PV: Trải qua bề dày hơn 1 thế kỷ hợp tác y tế và dấu ấn 40 năm quan hệ hai nước, trong tương lai, hai nước sẽ nâng tầm quan hệ hợp tác này như thế nào?
Ông Jean-Noël Poirier: Trong 20 năm gần đây, Việt Nam đã có sự phát triển vượt bậc và do vậy, nhu cầu về hợp tác đã biến chuyển. Chúng tôi vẫn sẽ tham gia vào việc đào tạo BS, nhưng chúng tôi cũng hướng tới các dạng hoạt động khác nữa (tài trợ y tế, cơ sở hạ tầng bệnh viện). Để kết thúc, tôi muốn nói rằng, mối quan hệ kinh tế giữa hai nước chúng ta sẽ ngày càng phát triển. Mối quan hệ này sẽ đóng vai trò thiết yếu trong tương lai.
PV: Trân trọng cảm ơn ông!
Bích Vân (thực hiện)