Hà Nội

Hợp tác toàn diện là ưu tiên trong quan hệ LB Nga-Việt Nam

15-03-2015 06:43 | Quốc tế
google news

SKĐS - Kỷ niệm 65 năm quan hệ ngoại giao LB Nga-Việt Nam trong năm nay, hai nước đặt mục tiêu kim ngạch thương mại 10 tỷ USD đến năm 2020

Năm nay, Liên bang NgaViệt Nam kỷ niệm 65 năm quan hệ ngoại giao. Trong năm nay, hai nước mở rộng quan hệ đối tác chiến lược toàn diện, trong đó có việc ký kết Hiệp định Thương mại Tự do giữa Liên minh kinh tế Á-Âu và Việt Nam, mục tiêu đạt kim ngạch thương mại song phương 10 tỷ USD giữa LB Nga và Việt Nam tới năm 2020.

Năm nay, sẽ diễn ra chuyến thăm Nga của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng và chuyến thăm của Thủ tướng Medvedev tới Việt Nam.

Tại buổi họp báo nhân dịp nhận nhiệm kỳ tại Việt Nam của Đại sứ Đặc mệnh Toàn quyền LB Nga Vnukov Konstantin Vasilievich, ngài Đại sứ đã thông báo những điểm chính trong quan hệ hai nước Nga-Việt cũng như trả lời các câu hỏi của các phóng viên báo chí.

Đại sứ đánh giá thế nào về quan hệ đối tác toàn diện Việt Nam-LB Nga, nhất là năm nay kỷ niệm 65 năm quan hệ ngoại giao hai nước?

Năm nay kỷ niệm 65 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Nga và Việt Nam. Đối với tôi, đây là một niềm vinh dự và trách nhiệm lớn lao được làm việc tại một đất nước là một đối tác lâu đời và tin cậy nhất tại Đông Nam Á của chúng tôi. Việc tăng cường hợp tác toàn diện với Việt Nam là hướng đi ưu tiên trong chính sách đối ngoại của LB Nga tại châu Á – Thái Bình Dương. Đồng thời, Việt Nam cũng dành một ý nghĩa to lớn cho sự phát triển phối hợp hành động với Nga do mối quan hệ giữa hai nước chúng ta có tính chất đối tác chiến lược toàn diện.

 Đại sứ Đặc mệnh Toàn quyền LB Nga Vnukov Konstantin Vasilievich

Đại sứ Đặc mệnh Toàn quyền LB Nga Vnukov Konstantin Vasilievich

Sắp tới đây, Thủ tướng Nga D.A. Medvedev sẽ thực hiện chuyến thăm đến Việt Nam, và ngày 9/5, chúng tôi chờ đón Chủ tịch nước Trương Tấn Sang tại Mát-x-cơ-va để tham gia các hoạt động trọng thể chào mừng 70 năm Chiến thắng Chiến tranh Vệ quốc vĩ đại.

Quan hệ Nga-Việt là trường hợp hiếm có, khi giữa hai quốc gia không có bất kỳ vấn đề nào do lịch sử để lại. Tuy nhiên, mức kim ngạch thương mại song phương chưa phù hợp với tiềm năng của chúng ta. Năm 2014, kim ngạch đó là 3,75 tỷ đô la Mỹ. Trên cơ sở các thỏa thuận ở cấp cao nhất thì đến năm 2020, tiêu chí đó phải đạt được 10 tỷ USD.

Khó mà đánh giá hết ý nghĩa của sự phối hợp hành động của chúng ta trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo nhân lực. Hiện nay Nga có gần 5000 công dân Việt Nam đang học tập. Chính phủ Nga thường xuyên gia tăng số lượng học bổng cho sinh viên Việt Nam: từ 200 suất năm 2007 đến 800 suất khóa này và 1000 suất vào năm 2018. Tháng 11 năm ngoái đã ký Hiệp định liên chính phủ về quan hệ đối tác chiến lược trong lĩnh vực giáo dục, khoa học và công nghệ. Đến năm 2020, gia tăng số lượng công dân Việt Nam được nhận vào học tại các trường đại học của Nga hàng năm theo các chương trình đại học bằng kinh phí từ ngân sách liên bang.

Nước Nga tươi đẹp trong lòng các du học sinh Nga. Nguồn ảnh: Fanpage Nước Nga một thời để nhớ và yêu.

Nước Nga tươi đẹp trong lòng các du học sinh Việt Nam tại Nga. Nguồn ảnh: Fanpage Nước Nga một thời để nhớ và yêu.

Trong năm nay, hai nước chúng ta sẽ kỷ niệm hàng loạt các ngày lễ lớn: 40 năm giải phóng miền Nam, 70 năm Chiến thắng chiến tranh Vệ quốc vĩ đại, và 70 năm Tuyên ngôn Độc lập của Việt Nam. Để kỷ niệm 65 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Nga và Việt Nam, đã có nhiều bài báo trên các phương tiện truyền thông đại chúng, trong đó có các bài báo của những người đứng đầu cơ quan đối ngoại của Nga và Việt Nam. Các cuộc triển lãm ảnh lưu trữ và tài liệu lưu trữ khác về lịch sử và sự phát triển mối quan hệ Nga-Việt tại Hà Nội, Đà Nẵng, và thành phố Hồ Chí Minh. Những ngày Văn hóa Nga tại Việt Nam, một hoạt động truyền thống nổi tiếng sẽ được tổ chức, song hành cùng các buổi biểu diễn nghệ thuật Việt Nam tại LB Nga.

tượng đài Hò Chí Minh tại Matxcova Nga

Bức phù điêu Chủ tịch Hồ Chí Minh giữa lòng đất nước Nga (Mát-x-cơ-va)

Phía trước chúng ta là những nhiệm vụ mới, phức tạp hơn, nhưng chúng ta tin tưởng rằng bằng những nỗ lực chung và nhờ kinh nghiệm phong phú và truyền thống tốt đẹp trong tình hữu nghị và tương trợ lẫn nhau, những nhiệm vụ đó sẽ được thực hiện.

Ưu tiên của ngài tại Việt Nam trong nhiệm kỳ Đại sứ?

Có rất nhiều ưu tiên phát triển quan hệ song phương trong thời gian tới. Tuy nhiên, có một ưu tiên quan trọng là phát triển toàn diện quan hệ để nhân dân hai nước Việt Nam và Nga cảm nhận được sự phát triển quan hệ đó. Tôi mong đợi nhiều hơn hàng hóa Việt Nam trên các kệ hàng tại Nga vì hàng hóa Việt Nam rất nổi tiếng tại Nga. Tôi cũng mong muốn hàng hóa Nga được người dân Việt Nam biết đến nhiều hơn. Năm ngoái, số lượng người Nga tới thưởng ngoạn vẻ đẹp của đất nước Việt Nam đã tăng lên 400 nghìn người. Họ tới để khám phá, du lịch và nghỉ ngơi ở Việt Nam. Quốc phòng cũng là ưu tiên trong quan hệ hai nước trong thời gian tới, vốn là mối quan hệ truyền thống của hai nước chúng ta.

Nước Nga yên bình và thơ mộng. Nguồn: Fanpage Nước Nga-Một thời để nhớ và yêu

Nước Nga yên bình và thơ mộng. Nguồn: Fanpage Nước Nga-Một thời để nhớ và yêu

Thưa Đại sứ, mức độ ảnh hưởng do cấm vận của phương Tây lên nền kinh tế Nga như thế nào? Nước Nga đã có các biện pháp gì để phục hồi nền kinh tế?

Nền kinh tế Nga có gặp khó khăn, một phần liên quan đến lệnh trừng phạt. Phần lớn thu nhập của Nga từ dầu khí, do đó có thể cảm nhận rõ ràng từ giá dầu giảm trên thế giới. Tuy nhiên, chuyên gia kinh tế đã đưa ra dự báo, nửa cuối của năm nay, giá dầu sẽ ổn định trở lại ở mức độ chấp nhận được đối với nước Nga. Lệnh trừng phạt ảnh hưởng tới nước Nga đầu tiên trên lĩnh vực ngân hàng. Sự áp đặt của phương Tây đưa ra không khách quan và mang tính chính trị hóa nhiều. Nguồn dự phòng an toàn lớn trong nền kinh tế Nga cho phép ổn định nguồn nội tệ nhiều để không chịu tác động từ bên ngoài. Biện pháp trừng phạt cũng là con dao hai lưỡi, tạo ra cơ hội tốt cho nước Nga thay thế nhập khẩu.

Trong lịch sử, có những thời kỳ nước Nga đã từng chịu suy thoái nặng nề hơn. Do vậy khó khăn của nền kinh tế Nga không phải chỉ do lệnh trừng phạt mà là hệ luỵ của quá trình suy thoái từ năm 2011. Lệnh trừng phạt chỉ làm cho nó sâu sắc thêm mà thôi. Tổng thống Putin đã đề ra kế hoạch cơ cấu nền kinh tế, để nền kinh tế trong nước gia tăng, không phụ thuộc vào yếu tố bên ngoài. Do vậy, nền kinh tế sẽ có dấu hiệu khả quan trong thời gian tới.

Đoàn nghệ thuật Việt Nam biểu diễn tại LB Nga

Đoàn nghệ thuật Việt Nam biểu diễn tại LB Nga. Nguồn ảnh: VnExpress

Để đạt được mục tiêu kim ngạch 10 tỷ USD tới năm 2020, thì Việt Nam và Nga đã có biện pháp cụ thể nào?

Chúng tôi đặt niềm hy vọng lớn lao vào Hiệp định thương mại tự do giữa các nước thành viên Liên minh kinh tế Á-Âu và Việt Nam. Năm nay, Việt Nam và Nga đã thống nhất 17 dự án chung với số vốn hơn 20 triệu USD trong các lĩnh vực chế tạo máy, điện năng, khai thác khoáng sản, công nghiệp nhẹ. Năm ngoái, số lượng các dự án đầu tư của Nga tại Việt Nam là trên 100 dự án với số vốn gần 2 tỷ USD. Hai lĩnh vực đầu tư nổi bật của Nga là dầu khí và nhà máy điện hạt nhân tại Ninh Thuận.

Chuyến thăm của Tổng thống Nga Putin, nhân vật quyền lực nhất thế giới tới Việt Nam năm 2013

Chuyến thăm của Tổng thống Nga Putin, nhân vật quyền lực nhất thế giới tới Việt Nam năm 2013

Lệnh trừng phạt của phương Tây lại là cơ hội để mở ra hợp tác giữa nước Nga với các nước châu Á-Thái Bình Dương trong đó có Việt Nam. Bản thân thị trường Nga rất rộng lớn với 146 triệu dân. Sự thành lập Liên minh kinh tế Á-Âu gồm Nga, Armenia, Belarus, Kazakhstan, Kyrgyzstan và Tajikistan bao gồm 180 triệu dân mở ra cơ hội vàng cho hợp tác kinh tế.

Tôi rất mong đợi Việt Nam sẽ đầu tư vào LB Nga đặc biệt trong lĩnh vực nông nghiệp, trong đó có sản xuất và chế biến lương thực trên lãnh thổ LB Nga. Nước Nga rất rộng lớn với đất đai màu mỡ ở vùng Trung Á, Viễn Đông sẵn sàng chờ đợi các nhà đầu tư Việt Nam gieo trồng tại đây. Không ai có thể thay thế Việt Nam trong cung cấp hoa quả vào LB Nga. Xem quầy hàng hoa quả của Việt Nam ở Nga, có nhiều loại hoa quả lạ đến nỗi tôi không thể biết đó là loại hoa quả gì.

Chuyến thăm sắp tới của Thủ tướng Nga Medvedev tới Việt Nam, giới doanh nghiệp hai nước sẽ có dịp giao lưu để xúc tiến các hoạt động thương mại đầu tư. Đánh giá về môi trường đầu tư tại Việt Nam, qua phản hồi của các doanh nghiệp, môi trường kinh doanh đầu tư ở Việt Nam đã được cải thiện nhiều, họ đều rất hài lòng. Điều tuyệt vời nhất là rất nhiều bạn Việt Nam trong các doanh nghiệp giao tiếp bằng tiếng Nga.

Xin cảm ơn Ngài Đại sứ.

Những ngày văn hóa Nga tại Việt Nam. Nguồn ảnh: baonga.com

Những ngày văn hóa Nga tại Việt Nam. Nguồn ảnh: baonga.com

Bích Vân (thực hiện)

 


Ý kiến của bạn