(SKDS) - Trong những năm qua, hợp tác quốc tế trong lĩnh vực y tế đã mang lại nhiều thành tựu cho ngành y tế Việt Nam, góp phần nâng cao năng lực, chất lượng khám chữa bệnh. Để có được kết quả này là hành trình dài của ngành y tế Việt Nam trong việc nâng tầm hợp tác, mở rộng đối tác, kêu gọi sự hỗ trợ của các tổ chức phi chính phủ, các tổ chức quốc tế và các đối tác nước ngoài với một mục tiêu chung chăm sóc tốt sức khỏe của người dân Việt Nam.
Hợp tác quốc tế mang lại nhiều cơ hội cho y tế Việt Nam
Nhà máy sản xuất vắc-xin sởi do Nhật Bản tài trợ. |
Đánh giá về những hỗ trợ của các đối tác quốc tế trong một cuộc hội thảo, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Xuyên khẳng định: "Trong quá trình đổi mới và phát triển ngành y tế, sự hỗ trợ của các đối tác phát triển đã đóng một vai trò quan trọng".
Hiệu quả từ nguồn hỗ trợ
Từ các nguồn hỗ trợ tích cực của các đối tác y tế, các cơ sở y tế ở các vùng khó khăn, vùng sâu, vùng xa đã nâng cao năng lực, cải thiện điều kiện chăm sóc sức khỏe nhân dân, góp phần đảm bảo công bằng trong tiếp cận và sử dụng các dịch vụ y tế. Nhờ sự hỗ trợ của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), UNAIDS và các tổ chức phi chính phủ Mỹ, Chương trình phòng chống HIV/AIDS đã đem lại hiệu quả, nhiều bệnh nhân được cung cấp thuốc kháng virut, công tác chăm sóc cho người nhiễm HIV cũng ngày càng được cải thiện.
Năm 1992, với sự hỗ trợ của các chuyên gia nước ngoài, các bác sĩ Việt Nam đã thực hiện thành công ca ghép tạng trên người đầu tiên tại Học viện Quân y. Năm 2004, với sự giúp đỡ của GS. Makuchi (Nhật Bản), ca ghép gan đầu tiên (ở trẻ em) cũng được thực hiện tại Bệnh viện 103. Năm 2012, một đoàn bác sĩ phẫu thuật tim bẩm sinh của Nhật Bản do giáo sư hàng đầu thế giới về mổ tim Shunji Sano, Trường ĐH Okanajama dẫn đầu đã tới Hà Nội thực hiện một loạt ca mổ tim nhân đạo cho trẻ em Việt Nam. Đây là hoạt động trong khuôn khổ Dự án hỗ trợ kỹ thuật y tế của JICA nhằm nâng cao khả năng chẩn đoán, điều trị nội khoa và phẫu thuật cho bệnh nhân mắc bệnh tim bẩm sinh tại Việt Nam…
Một số nguồn tài trợ cho y tế Việt Nam trong các năm tới - Ngân sách hỗ trợ của WHO cho Việt Nam thông qua Chương trình hợp tác giữa Việt Nam và WHO giai 2012-2013 là 22,4 triệu USD, trong đó 3,9 triệu USD thuộc quỹ thường xuyên, 2 triệu USD kết dư từ tài khóa trước và 16,5 triệu USD thuộc quỹ vận động. - Trong năm 2012-2013, EU cam kết viện trợ 39,25 triệu euro cho lĩnh vực y tế tập trung vào vấn đề quản lý và đào tạo nguồn nhân lực y tế trong lĩnh vực y tế công. - Chính phủ Hoa Kỳ đã cam kết tài trợ hơn 10 triệu USD để đào tạo và hỗ trợ các cán bộ y tế Việt Nam trong cuộc chiến chống lại dịch HIV và tăng cường năng lực hệ thống y tế. |
Hải Yến