Hà Nội

Hợp tác quốc tế, thu hút trình độ nhân lực cao

19-12-2017 16:26 | Tin nóng y tế
google news

SKĐS - Báo SK&ĐS đã phỏng vấn TS.BS. Đinh Đạo, Giám đốc Bệnh viện đa khoa trung ương Quảng Nam về vai trò của hợp tác quốc tế trong hỗ trợ hoạt động của bệnh viện.

Bệnh viện đa khoa Trung ương Quảng Nam là bệnh viện hạng II, trực thuộc Bộ Y tế, phụ trách các tỉnh khu vực Trung Trung bộ và Tây Nguyên. Bệnh viện được thành lập trên cơ sở Dự án Đầu tư xây dựng bằng nguồn vốn viện trợ không hoàn lại của Chính phủ Hàn Quốc thông qua tổ chức KOCIA vào năm 2007 với tổng kinh phí 45 triệu USD (trong đó có 10 triệu USD là vốn đối ứng của Việt Nam). Với sự nỗ lực của tập thể lãnh đạo bệnh viện và các thế hệ thầy thuốc, Bệnh viện đa khoa trung ương Quảng Nam đã vươn tầm xứng đáng là đơn vị trực thuộc Bộ Y tế đứng chân khu vực còn nhiều khó khăn.

Báo SK&ĐS đã phỏng vấn TS.BS. Đinh Đạo, Giám đốc Bệnh viện đa khoa trung ương Quảng Nam về vai trò của hợp tác quốc tế trong hỗ trợ hoạt động của bệnh viện.

PV: Thưa bác sĩ, là bệnh viện được xây dựng đồng bộ, hiện đại với sự hợp tác chặt chẽ từ các chuyên gia Hàn Quốc, điều mà các thầy thuốc Việt Nam học được ở nước bạn là gì?

TS Đinh Đạo: Về chất lượng công trình, Bộ Y tế, Bệnh viện đa khoa Trung ương Quảng Nam đã phối hợp tốt với KOICA và các bên liên quan trong công tác giám sát tiến độ và chất lượng xây dựng, triển khai các hạng mục mà Dự án đầu tư.

Về đào tạo nguồn nhân lực, 45 công chức, viên chức bệnh viện ngay từ những ngày khởi công xây dựng bệnh viện đã được KOICA mời tham dự khóa đào tạo tại Trung tâm Y khoa Đại học Hallym (Hàn Quốc) cũng như đón 7 lượt, với 40 chuyên gia sang bệnh viện trực tiếp hỗ trợ về chuyên môn kỹ thuật, quản lý bệnh viện, giúp nâng cao tầm hiểu biết, kỹ năng hoạt động cũng như cơ hội tiếp cận phong cách làm việc khoa học, chuyên nghiệp, hiệu quả.

TS Đinh Đạo, Giám đốc Bệnh viện đa khoa trung ương Quảng Nam.


Bệnh viện với quy mô 500 giường bệnh, cơ sở hạ tầng và trang thiết bị hiện đại, đồng bộ, đã mở ra nhiều cơ hội thuận lợi để phát triển. Chúng tôi rất biết ơn các bạn đồng nghiệp từ phía Hàn Quốc cũng như lãnh đạo Bộ Y tế đã tạo điều kiện thuận lợi ký kết văn bản ghi nhớ tài trợ Dự án Q-Health 5 triệu USD cho giai đoạn 2012-2017, nhằm hỗ trợ đào tạo và chuyển giao kỹ thuật với Bệnh viện Đại học Chung-Ang (Hàn Quốc).

Bên cạnh đó, KOICA tài trợ Dự án 1 triệu USD đầu tư hệ thống PACS chuyển hình ảnh được chẩn đoán tự động, tích hợp tốt với phần mềm quản lý tổng thể Hsoft Bệnh viện, giúp công tác quản lý và hoạt động chuyên môn rất thuận lợi, hiệu quả.

Từ lễ ký kết đó, bệnh viện đã cử 21 đợt đi tu nghiệp gồm 65 cán bộ, trong đó có 18 bác sĩ, 18 điều dưỡng/KTV, cán bộ quản lý sang Bệnh viện Đại học Chung-Ang học tập về chuyên môn và 29 cán bộ quản lý hành chính.

Đồng thời, Bệnh viện Đại học Chung-Ang đã cử 31 đoàn (168 giáo sư và chuyên gia) sang hỗ trợ chuyển giao kỹ thuật, tư vấn Hội thảo và ổn định hóa trong vận hành và thiết lập chiến lược phát triển cho bệnh viện.

Tháng 11 vừa qua, đoàn chuyên gia Hàn Quốc đã sang đánh giá cao kết quả đạt được và đề xuất tiếp tục kéo dài Dự án Q-Health giai đoạn hai (2017-2020), tập trung nâng cao chất lượng hỗ trợ đào tạo, chuyển giao kỹ thuật, cấp học bổng trong nước và học tập tại Bệnh viện Đại học Chung Ang, tạo động lực cho Bệnh viện trong hội nhập và phát triển chuyên môn hơn nữa trong 3 năm đến.

Điều chúng tôi đúc kết được là tinh thần hữu nghị, hợp tác trên cơ sở bình đẳng. Và hơn hết, các cán bộ của bệnh viện đã được học tập, nâng cao trình độ chuyên môn, quản lý bệnh viện ở trình độ cao từ đó rất thuận lợi cho công tác khám chữa bệnh và quản lý vận hành bệnh viện.

PV: Bác sĩ vừa nói, về hợp tác đào tạo nguồn nhân lực giữa bệnh viện với Bệnh viện Đại học Chung Ang (Hàn Quốc), ông có thể nói kỹ hơn về điều này?

TS Đinh Đạo: Đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao là điều kiện cần và đủ để vận hành bệnh viện 500 giường hiện đại như Bệnh viện đa khoa Trung ương Quảng Nam,vì lẽ đó, Bộ Y tế đã cùng với KOICA mở ra nhiều chương trình đào tạo nhân lực cho chúng tôi. Không chỉ mở các  học bổng đào tạo cho các bác sĩ của bệnh viện sang học tập và đào tạo tại Hàn Quốc, dự án cũng đã phái cử nhiều lượt tình nguyện viên, trong đó có bác sĩ, điều dưỡng sang hỗ trợ tư vấn chuyên môn các lĩnh vực: ICU, Y học cổ truyền, cũng như hỗ trợ thiết bị tối thiết phục vụ người bệnh tại các khoa đến làm việc.

Hợp tác còn được mở rộng sang các đoàn công tác xã hội từ thiện đến từ các Bệnh viện, các Trường Đại học của Hàn Quốc cũng phối hợp với bệnh viện trong việc khám, chữa bệnh miễn phí cho nhân dân trong vùng. Công đoàn Y tế Hàn Quốc cũng đã đến thăm và chia xẻ kinh nghiệm hoạt động công đoàn với Công đoàn bệnh viện.

PV: Hợp tác quốc tế, tranh thủ nguồn viện trợ từ bên ngoài để xây dựng nội lực bệnh viện không ngừng lớn mạnh là đòi hỏi và nỗ lực của lãnh đạo các bệnh viện. Đánh giá về hoạt động hợp tác quốc tế trong thời gian qua, ông có thể khái quát điều gì?

TS Đinh Đạo: Bên cạnh hợp tác đối ngoại với KOICA là chủ yếu, bệnh viện chúng tôi cũng được JICA quan tâm, hỗ trợ các khóa đào tạo về Quản lý Chất lượng bệnh viện tại Nhật Bản thông qua Vụ Hợp tác quốc tế, Bộ Y tế và nhiều khóa tập huấn trong nước đã góp phần tích cực nâng cao năng lực hoạt động cải tiến chất lượng các khoa phòng trong toàn viện.

Bệnh viện đã tổ chức nhiều Hội thảo khoa học, tập huấn chuyên đề, mời các chuyên gia trong và ngoài nước đến đến Pháp, Mỹ, Singapore, Hàn Quốc đến chia xẻ thông tin, trao đổi kinh nghiệm; báo cáo khoa học về y học chứng cứ trên nhiều lĩnh vực như tim mạch, tiêu hóa, ung bướu, dược lâm sàng,…

Đơn vị cũng tạo điều kiện cho công chức, viên chức tham gia học tập, trao đổi kinh nghiệm thông qua các chương trình Hội thảo, Hội nghị tại nước ngoài như Nhật Bản, Mỹ, Hàn Quốc, Thái Lan, Phillipine, Pháp, Hồng Kông, Trung Quốc và đăng các công trình nghiên cứu trên các tạp chí uy tín của nước ngoài. Từ sự hợp tác chặt chẽ với các bên, nhiều bác sĩ của bệnh viện được mời làm báo cáo viên tại các hội thảo ở nước ngoài. Hiện tại, có 2 bác sĩ đã nhận được học bổng nghiên cứu sinh trực tiếp từ các Giáo sư đầu ngành trong các lĩnh vực bệnh nhiệt đới mới nổi và bệnh tim mạch tại Pháp và Hàn Quốc.

Thông qua việc hợp tác với các chuyên gia Hàn Quốc nói riêng, các nước khác nói chung cùng với sự nỗ lực không ngừng của toàn thể công chức, viên chức, bệnh viện đã có một bước tiến lớn về việc tiếp cận và làm chủ nhiều loại phẫu thuật, thủ thuật của các bệnh viện hạng đặc biệt và hạng I; làm chủ hàng loạt kỹ thuật cao như: can thiệp mạch vành, hẹp động mạch cảnh, động mạch thận, mạch chi; nong bóng điều trị hẹp van động mạch chủ, hẹp van 2 lá; bít lỗ thông liên thất, thông liên nhĩ; đốt điện bằng sóng cao tần điều trị rối loạn nhịp tim; thay khớp háng, khớp gối toàn phần; phẫu thuật sọ não, cột sống; phẫu thuật nội soi tất cả chuyên khoa,...

Các Dự án hợp tác quốc tế cũng là một trong các yếu tố tích cực góp phần hỗ trợ thu hút bác sĩ về công tác và gắn bó với Bệnh viện. Từ tháng 10/2012, có 66 bác sĩ thì hiện tại là 112 bác sĩ, với 6 Tiến sĩ/BS CKII, 48 Thạc sĩ/ BS CKI; quy mô 600 giường bệnh kế hoạch, 780 giường thực kê; với 38 khoa, phòng, 720 cán bộ, nhân viên.

Không những tập trung đào tạo nước ngoài, đào tạo trong nước cũng được chú trọng phát triển hàng đầu. Hiện tại, có 250 lượt người đang tham gia đào tạo (riêng năm 2017 cử 128 người), bao gồm: 3 NCS; 1 BSCKII; 17 Ths; 13 BSCKI; 9 định hướng chuyên khoa; 61 đại học; 99 cao đẳng; 47 học theo ê kíp. Năm 2017, đơn vị được Bộ Y tế phê duyệt Dự án Bệnh viện vệ tinh 44 tỷ đồng, giai đoạn 2017-2020, nhằm triển khai đào tạo và chuyển giao các gói kỹ thuật theo ê kíp các chuyên ngành mũi nhọn của 04 bệnh viện hạt nhân từ năm 2017: Bệnh viện Tim Hà Nội, Bệnh viện K Trung ương, Bệnh viện Phụ sản Trung ương và Bệnh viện Đại học Y Hà Nội.


Hồng Sơn (thực hiện)
Ý kiến của bạn