Trước xu hướng này, nhiều chuyên gia cho rằng, việc hợp tác biểu diễn của các nhà hát, đơn vị nghệ thuật trong nước với quốc tế sẽ giúp nghệ thuật sân khấu Việt được lan tỏa, phát triển rộng rãi và tìm lại được vị thế vốn có trong bối cảnh nghệ thuật giải trí bùng nổ như hiện nay.
Vừa qua, các khán giả tại Việt Nam và Hàn Quốc đã được thưởng thức vở kịch nói nổi tiếng Bến bờ xa lắc (kịch bản Lê Thu Hạnh; đạo diễn NSND Xuân Huyền). Theo đó, vở Bến bờ xa lắc do Nhà hát Tuổi trẻ phối hợp với Đoàn kịch Jigeum - Hàn Quốc dựng 2 phiên bản tiếng Việt và tiếng Hàn, được trình diễn tại Lễ hội Giao lưu Văn hóa Hàn Quốc - Việt Nam 2017 tại thành phố Incheon tháng 9/2017. Sau đó, đầu tháng 11/2017, Bến bờ xa lắc đã được các nghệ sĩ hai nước biểu diễn tại Hà Nội phục vụ khán giả.
Ở phiên bản tiếng Việt, Bến bờ xa lắc với chủ đề hạnh phúc gia đình, là câu chuyện xoay quanh các nhân vật: đôi vợ chồng Tùng - Thúy, Trung (bạn cũ, người tình của Thúy), Quang (con trai), Phương (con dâu tương lai). Cuộc sống gia đình Tùng - Thúy đã gặp sóng gió khi Trung chiếm được tình yêu của Thúy và Thúy muốn nghe theo lời trái tim. Vở kịch qua sự tham gia của các nghệ sĩ gạo cội và tài năng trẻ như NSND Lê Khanh, NSƯT Đức Khuê, Bá Anh, Nguyệt Hằng, Thanh Sơn, Thu Quỳnh, Sĩ Tiến, Thanh Lê, Hoa Thúy... đã khắc họa tâm trạng của người phụ nữ vốn chỉ biết sống vì gia đình, nay muốn tìm lại chính mình và muốn được yêu thương.
Bến bờ xa lắc (phiên bản tiếng Việt và tiếng Hàn Quốc) vừa đến với khán giả yêu nghệ thuật sân khấu tại Hà Nội.
Trong khi đó, ở phiên bản tiếng Hàn, Bến bờ xa lắc đã có những màu sắc mới lạ nhưng vẫn bám sát cốt truyện kịch bản gốc. Thúy (Lee Eun Son) đôn hậu, khao khát được yêu nhưng sau những bão dông, cô đã chấp nhận thực tế để tiếp tục sống... Bên cạnh lời dẫn chuyện bằng những bài hát đầy cảm xúc được soạn riêng cho guitar của ca sĩ Shin Yong Nam, hay người chồng của Thúy là Tùng (nghệ sĩ Son In Chan) không quá ích kỷ, tẻ nhạt, lạnh lùng. Chia sẻ về vở diễn, đạo diễn Lee Eun Son cho rằng câu chuyện trong Bến bờ xa lắc không chỉ là câu chuyện của gia đình Việt, mà cũng là câu chuyện gia đình Hàn.
Thực tế, đây không phải lần đầu tiên các nhà hát trong nước hợp tác với nước ngoài tạo được tiếng vang. Vừa qua, Nhà hát Kịch Việt Nam cho biết đã phối hợp với Quỹ Văn hóa quốc tế Singapore khởi công dàn dựng vở diễn Hồng lâu mộng dựa theo tác phẩm văn học cổ điển danh tiếng của tác giả Tào Tuyết Cần (Trung Quốc). Theo đó, vở diễn này do TS. Chua Soo Pong (Singapore) viết kịch bản và đạo diễn, họa sĩ - NSƯT Lê Sơn thiết kế mỹ thuật, nhạc sĩ Tiến Minh phụ trách âm nhạc. Tác phẩm sân khấu này sẽ xoay quanh câu chuyện tình duyên trắc trở giữa hai anh em con cô con cậu: Giả Bảo Ngọc và Lâm Đại Ngọc, từ đó mô tả cuộc sống nhiều mặt của một đại gia đình quý tộc đời mạt Thanh từ lúc cực thịnh cho đến lúc suy vi trong vòng tám năm.
Hoặc tháng 6/2017, Nhà hát Tuổi trẻ đã phối hợp với Phái đoàn Wallonie-Bruxelles (Cộng đồng người Bỉ nói tiếng Pháp) dàn dựng và biểu diễn vở kịch Con chim xanh của tác giả Maurice Maeterlinck, đạo diễn Xavier Lukowski (người Bỉ). Vở kịch này do các nghệ sĩ Nhà hát Tuổi trẻ biểu diễn và đã tạo ra nhiều dấu ấn với các khán giả trẻ, đặc biệt là các em thiếu nhi. Trước hết, Con chim xanh là vở kịch nổi tiếng, đã được nhiều nhà hát trên thế giới dàn dựng và biểu diễn. Đặc biệt, đây là vở kịch thần thoại viết về cuộc hành trình của hai em bé, con một gia đình người thợ rừng nghèo khổ, đi tìm kiếm con chim xanh - sứ giả của hạnh phúc để mang về chữa bệnh cho một em bé gái đang phát ốm lên vì chưa được biết hạnh phúc là gì. Cuộc hành trình của hai em diễn ra trong một giấc mơ kỳ diệu, nhưng cảnh kết thúc vở kịch lại diễn ra trong cuộc đời thực với việc em bé lấy ngay con chim cu gáy mình đang nuôi ở trong lồng đem cho bạn, khiến bạn mừng vui, sung sướng mà khỏi bệnh… Thông qua tài năng của đạo diễn Xavier Lukowski và sự nhập vai của các nghệ sĩ Nhà hát Tuổi trẻ, vở kịch Con chim xanh đã truyền tải những thông điệp tốt đẹp đến với các em nhỏ nước ta, đánh thức sự nhân văn và tình người đối với mỗi khán giả.
Một điều đáng mừng mà người trong nghề thấy được từ các vở diễn hợp tác kể trên, đó là các suất diễn đều kín khán giả và được người xem yêu thích, đón nhận. Chính điều này đã tiếp thêm động lực, tình yêu nghề, cống hiến hết mình của người nghệ sĩ cho nghệ thuật. Ngoài ra, việc mở rộng hợp tác quốc tế sẽ giúp nghệ sĩ sống được bằng nghề, mở ra cơ hội học hỏi, giao lưu và nâng cao trình độ chuyên môn khi tiếp cận với tác giả hoặc tác phẩm nước ngoài. Khi mô hình xã hội hóa sân khấu đang có dấu hiệu chững lại và thiếu hiệu quả, nhiều người đánh giá hợp tác quốc tế trong lĩnh vực sân khấu là lựa chọn, hướng đi đúng đắn để các nhà hát tồn tại, phát triển hơn.