“Sôi động về kinh tế” là nhận định của giới phân tích khi đánh giá kết quả chuyến thăm của Thủ tướng Nhật bản Shinzo Abe tới Trung Quốc 3 ngày cuối tuần qua. Với khoảng 1.000 đại diện doanh nghiệp Nhật Bản tháp tùng ông Abe đến Bắc Kinh, Nhật Bản thể hiện rõ thông điệp tăng cường hợp tác kinh tế trên nhiều lĩnh vực.
Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe thăm chính thức Trung Quốc kể từ năm 2011.
Việc ký kết 500 thỏa thuận kinh tế với tổng trị giá khoảng 18 tỷ USD trong khuôn khôt chuyến thăm; việc Nhật Bản chủ động phối hợp với Trung Quốc để thực hiện các dự án trong khuôn khổ sáng kiến “Vành đai và con đường”; việc Bắc Kinh và Tokyo đạt được nhiều nhất trí quan trọng trong lĩnh vực ngân hàng và chứng khoánđã cho thấy những bước tiến lớn về kinh tế. Cụ thể, lãnh đạo Nhật bản-Trung Quốc đồng ý nối lại thỏa thuận hoán đổi tiền tệ có giá trị khoảng 3,4 nghìn tỷ yên (28,8 tỷ USD) nhằm nới lỏng các thương vụ giao dịch thương mại và hỗ trợ các thị trường tài chính trong trường hợp xảy ra khủng hoảng và các trường hợp đặc biệt khác. Về chứng khoán, Nhật bản- Trung Quốc đã ký bản ghi nhớ tăng cường hợp tác giữa các thị trường chứng khoán, hướng tới cho phép niêm yết các quỹ đầu tư tín thác (ETF) tại các sàn chứng khoán của nhau. Trung Quốc thậm chí còn cân nhắc việc nới lỏng hạn chế nhập khẩu thực phẩm từ Nhật Bản, được Bắc Kinh áp dụng sau khi xảy ra sự cố nhà máy điện hạt nhân Fukushima năm 2011.
Rõ ràng, thu hẹp khoảng cách, chuyển từ cạnh tranh sang hợp tác là mục tiêu chính của cả Bắc Kinh và Tokyo trong chuyến thăm Trung Quốc của Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe. Với những kết quả được công bố sau các cuộc hội đàm cấp cao giữa Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, Thủ tướng Lý Khắc Cường với Thủ tướng Shinzo Abe, Bắc Kinh và Tokyo có thể nói đã đạt được mục tiêu này, trước hết là trong lĩnh vực hợp tác kinh tế.
Đáng chú ý, từ kinh tế, người ta đã thấy những tín hiệu tích cực mới trong quan hệ Trung Quốc-Nhật Bản. Bởi từ trạng thái đối đầu, nay Nhật Bản và Trung Quốc đang bắt tay nhau xóa dần khoảng cách. Quan trọng hơn, trong bối cảnh chủ nghĩa bảo hộ thương mại đang trỗi dậy. Thủ tướng Lý Khắc Cường đánh giá với tư cách là hai nền kinh tế lớn nhất khu vực, việc Trung Quốc và Nhật Bản ủng hộ thúc đẩy hội nhập kinh tế khu vực tại châu Á – Thái Bình Dương sẽ đem lại lợi ích cho thương mại tự do toàn cầu. Quan điểm này hoàn toàn trùng hợp với chủ trương của Nhật Bản, quốc gia đã tích cực hồi sinh Hiệp định Đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP) thành Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) sau khi Mỹ rút khỏi TPP.
Thực tế cho thấy cả Trung Quốc và Nhật Bản đều đang nằm trong tầm ngắm của Tổng thống Mỹ Donald Trump về việc áp thuế trừng phạt vì đây là hai quốc gia mà ông Trump cho là khiến Mỹ thâm hụt thương mại nặng nề. Hiện tại sự chú ý của Mỹ đang hướng nhiều hơn về Bắc Kinh và các biện pháp trừng phạt của Washington đã bắt đầu tác động tiêu cực đến kinh tế Trung Quốc. Tình hình này khiến Trung Quốc nỗ lực tìm kiếm các thị trường lớn khác, trong bối cảnh xuất khẩu sang thị trường Mỹ đang bị thu hẹp.
Trong khi đó, Nhật Bản, mặc dù đang thương lượng với Mỹ để tránh nguy cơ bị áp thuế nhập khẩu ô tô, cũng nhận thấy sự cần thiết phải cải thiện quan hệ với Trung Quốc, đối tác thương mại lớn nhất và là một cường quốc tại khu vực. Tuy nhiên, hợp tác chính trị lại có xu hướng trầm lắng hơn do khả năng hiện thực hóa những cam kết khá thấp. Trung Quốc và Nhật Bản đã sử dụng lợi ích kinh tế để cải thiện quan hệ chính trị, như thỏa thuận tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động tìm kiếm và cứu nạn trong trường hợp xảy ra tai nạn tại vùng biển ngoài khơi; bày tỏ mong muốn biến Hoa Đông thành vùng biển của hòa bình, hợp tác và hữu nghị; nhất trí sớm nối lại một dự án phát triển mỏ khí đốt tại khu vực này. Đây được cho là những thỏa thuận nhằm tăng cường lòng tin trong lĩnh vực an ninh.
Tuy nhiên, có không ít nghi ngờ về triển vọng hợp tác của các thỏa thuận kinh tế liên quan đến an ninh nói trên. Bởi trong vấn đề biển Hoa Đông, hai nước được cho là có lập trường thống nhất. Giới phân tích cho rằng bất đồng về chủ quyền quần đảo Nhật Bản gọi là Senkaku còn Trung Quốc gọi là Điếu Ngư là chủ đề khá gai góc trong quan hệ song phương. Chính bất đồng này đã đẩy quan hệ Nhật – Trung rơi vào căng thẳng, khiến lãnh đạo cấp cao hai nước ngừng các chuyến thăm trao đổi trong vòng 7 năm cho đến khi Thủ tướng Lý Khắc Cường thăm Nhật Bản hồi tháng 5/2018.
Dù vậy, với việc quan hệ hai nước đang chuyển động theo xu hướng trở lại quỹ đạo tích cực, quan hệ Trung-Nhật được dự báo sẽ có nhiều bước tiến trong thời gian tới./.