Hợp tác làm phim: Nhiều tác phẩm còn “sạn”

14-11-2018 14:08 | Văn hóa – Giải trí
google news

SKĐS - Hợp tác làm phim với nước ngoài là xu hướng chung trên thế giới và của nhiều nhà sản xuất ở nước ta thời gian gần đây, đem lại không ít lợi ích đối với giới làm nghề cũng như khán giả. Tuy nhiên, nhiều phim ở ta hợp tác với nước ngoài dính “sạn”, nội dung nhạt nhẽo khiến công chúng không khỏi thất vọng.

Trong bối cảnh phim “made in Việt Nam” còn phập phồng về chất lượng, hướng tới yếu tố giải trí gây cảm giác nhàm chán thì việc hợp tác với nước ngoài được kỳ vọng sẽ tạo ra sự tươi mới, giúp khán giả có cơ hội được thưởng thức các bộ phim chất lượng cao. Theo đạo diễn - NSƯT Đỗ Thanh Hải, việc hợp tác với các đối tác là những quốc gia có công nghệ sản xuất phim truyền hình hàng đầu khu vực và thế giới buộc các nhà làm phim trong nước phải thích ứng và tiếp cận với cách thức sản xuất phim chuyên nghiệp, có cường độ làm việc rất cao. Hợp tác sản xuất phim giữa các quốc gia hay vùng lãnh thổ không chỉ mang lại cho mỗi bên lợi ích về kinh tế, mà còn có thể là “cú hích” tạo cơ hội việc làm, thu hút đầu tư cho du lịch, dịch vụ văn hóa, đồng thời đội ngũ làm phim sở tại được học hỏi, rèn luyện và đào tạo miễn phí.

Những cô gái và găng tơ - phim hợp tác chiếu rạp ở Việt Nam, khán giả đánh giá còn dính nhiều “sạn”.

Những cô gái và găng tơ - phim hợp tác chiếu rạp ở Việt Nam, khán giả đánh giá còn dính nhiều “sạn”.

Trên thực tế, một số bộ phim Việt hợp tác với nước ngoài từng được khán giả nước nhà yêu mến. Trong đó phải kể đến phim Mùa len trâu của đạo diễn Nguyễn Võ Nghiêm Minh hợp tác với hãng phim 3B Productions (Pháp) và Novak Prod (Bỉ) với các thành phần chủ đạo do phía Việt Nam đảm nhiệm như kịch bản, đạo diễn, diễn viên và kinh phí. Mùa len trâu từng giành nhiều giải thưởng danh giá tại các liên hoan phim uy tín của Mỹ, Pháp, Thụy Sĩ, Brazil. Gần đây có các phim truyền hình Người cộng sự, Khúc hát mặt trời, Tuổi thanh xuân (hai phần) được thực hiện giữa VFC và các đối tác Nhật Bản, Hàn Quốc; phim điện ảnh Fan cuồng, Truy sát, Trường học bá vương (Việt Nam - Hàn Quốc), Mỹ nhân thần sách (Việt Nam - Thái Lan)... Các bộ phim này được người xem đánh giá có hàm lượng nghệ thuật cao, đạt chuẩn kỹ thuật (chất lượng hình ảnh, âm thanh...) và cho thấy nhịp cầu giao lưu văn hóa giữa Việt Nam với các đối tác.

Tuy nhiên, bên cạnh các tác phẩm sáng giá kể trên, nhiều phim Việt hợp tác với nước ngoài dính “sạn” khiến khán giả ngao ngán. Năm 2018 chứng kiến phim hợp tác với nước ngoài đổ bộ các rạp chiếu ở nước ta. Lala: Hãy để em yêu anh (phim hợp tác Việt - Hàn) là một trong số đó. Tác phẩm điện ảnh này ra rạp đã khiến người xem thất vọng, ngoài dàn diễn viên trai xinh gái đẹp thì Lala: Hãy để em yêu anh đều yếu về mọi mặt. Nội dung phim này khá ngắn và rõ ràng, tuy nhiên cách xử lý của êkip lại khiến câu chuyện trở nên rối rắm. Sự xuất hiện đan xen giữa quá khứ và hiện tại đáng lẽ ra phải là điểm mấu chốt giải quyết mọi mâu thuẫn trong Lala: Hãy để em yêu anh nhưng cách xử lý không đủ khéo khiến khán giả bị mơ hồ giữa hai khoảng thời gian. Một số chi tiết, cảnh quay lặp đi lặp lại nhiều lần với mục đích liên kết nhưng lại... rời rạc, cảnh phim nghèo nàn khiến chúng trở nên thừa thãi, còn khán giả rơi vào sự lưng chừng. Công chúng cảm thấy tiếc nuối khi phải bỏ tiền xem một bộ phim được quảng cáo rầm rộ, dài cả trăm phút nhưng “món ăn” dính quá nhiều sạn.

Dự án phim Yêu em từ khi nào được sản xuất giữa một hãng phim trong nước với một đối tác tại Hong Kong gần đây cũng bị khán giả chê tơi tả. Yêu em từ khi nào được đánh giá có nhiều cảnh quay thừa khiến khán giả hoang mang. Bên cạnh đó, phim lại thiếu rất nhiều cảnh quay để người xem tập trung vào câu chuyện chủ chốt là sự phát triển tình cảm của cặp đôi nam - nữ chính. Kết thúc bộ phim nhưng cảm giác về chuyện đôi nam nữ chính đã đến với nhau chỉ giống như một trò đùa, tất cả đều hời hợt và mông lung, phi thực tế. Tương tự, phim chiếu rạp Những cô gái và găng tơ (Việt Nam - Hong Kong) quy tụ nhiều diễn viên nổi tiếng trong và ngoài nước, đặc biệt là võ sĩ quyền anh Mike Tyson nhưng cũng không tránh khỏi sự thất bại. Những cô gái và găng tơ bị đa số khán giả nhận xét có cách làm ngây ngô, kịch bản thiếu chặt chẽ, xây dựng hình tượng nhân vật đến mức phi lý. Đặc biệt, công chúng lên án gay gắt Những cô gái và găng tơ sử dụng ngôn ngữ “nửa nạc nửa mỡ”, lúc thì Hong Kong lúc thì Việt, thậm chí cả tiếng Hàn. Ngay cả khi các nhân vật người Việt bàn chuyện cũng dùng tiếng Hong Kong trước mặt các vị khách nước ngoài. Khâu lồng tiếng khuôn miệng một đằng, tiếng một nẻo cũng gây ra sự khó chịu với người xem.

Không thể phủ nhận sự hữu ích của việc hợp tác sản xuất phim với nước ngoài đối với điện ảnh Việt. Nhưng với việc còn nhiều “sạn” trong các tác phẩm hợp tác kể trên, nhiều người cho rằng đội ngũ làm phim trong nước cần nâng cao tính chuyên nghiệp và chuyên môn giỏi. Nói một cách khác, chúng ta hợp tác để tạo ra những sản phẩm, tác phẩm đậm bản sắc, văn hóa Việt chứ không hòa nhập để hòa tan. Khi chúng ta tạo ra những bộ phim hợp tác đỉnh cao sẽ góp phần giúp điện ảnh Việt phát triển theo hướng chuyên nghiệp, đặc biệt mở ra cơ hội xuất khẩu phim và thu hẹp khoảng cách với các cường quốc điện ảnh trên thế giới.


Quỳnh Phạm
Ý kiến của bạn