Hợp tác giữa BV công- BV tư: Đặt lợi ích người bệnh lên hàng đầu

21-11-2014 09:21 | Thời sự
google news

SKĐS - Để bệnh viện (BV) tư nhân thực sự trở thành cánh tay nối dài của BV công, góp phần giảm quá tải BV, theo các chuyên gia trước tiên cần phải xóa bỏ tư tưởng phân biệt đối xử giữa BV công và BV tư

BV tư "chia lửa" với BV công

Theo Bộ Y tế, hiện, cả nước có 424 cơ sở y tế tư nhân khám chữa bệnh bằng bảo hiểm y tế, trong đó có 131 BV, 180 phòng khám đa khoa tư nhân, 113 phòng khám công ty doanh nghiệp. Hàng năm, hệ thống y tế tư nhân đã cấp cứu, chữa bệnh cho khoảng 2 triệu người, phẫu thuật thủ thuật khoảng 50.000 người bệnh/năm, điều trị miễn phí cho hàng nghìn người bệnh, ước tính 5 tỷ đồng/năm. Theo thống kê của Cục Quản lý khám chữa bệnh- Bộ Y tế, hiện nay, mặc dù nhiều BV tư có cơ sở vật chất khang trang, máy móc thiết bị hiện đại, nhưng tỉ lệ bệnh nhân đến khám chữa bệnh tại các BV tư nhân rất thấp, chỉ chiếm 6-7% tổng số bệnh nhân đến điều trị nội, ngoại trú hàng năm của cả nước… Công suất sử dụng tại các BV tư còn rất thấp (56,9% BV có công suất dưới 60% và chỉ 21,6% BV có công suất đạt 60 - 80%). Trong khi các BV tư, công suất sử dụng còn thấp thì công suất sử dụng của BV công luôn quá tải trầm trọng, đặc biệt là các BV tuyến cuối, hàng ngày có tới 3.000 - 5.000 lượt khám chữa bệnh, nhiều BV công lập, người bệnh phải nằm ghép 2-3 người/giường…

Trong một hội thảo về công tác xã hội hóa y tế do Ban Kinh tế TW tổ chức, Thứ trưởng Bộ Y tế Phạm Lê Tuấn nhận định, BV tư nhân ở nước ta hiện nay tuy phát triển nhanh về số lượng, nhưng lại chậm phát triển về quy mô. Điển hình là số giường bệnh của khối BV này chỉ chiếm 4,2% tổng số giường bệnh trên toàn quốc, tương đương khoảng 1 giường bệnh/vạn dân, chưa đạt mục tiêu 2 giường bệnh/vạn dân vào năm 2010.

Bên cạnh đó, đa số các BV tư nhân phân bố chủ yếu ở đô thị (khoảng 50% tỉnh chưa có BV tư nhân), nhất là khu vực gần các BV công và thường tập trung vào các dịch vụ có khả năng sinh lời, nhằm vào đối tượng có khả năng chi trả. Thực tế này đã dẫn đến tình trạng trên một địa bàn có khi có tới 6-8 BV tư và một số cơ sở khám chữa bệnh cùng hoạt động, trong khi số lượng bệnh nhân có khả năng chi trả cho các dịch vụ tại BV tư không nhiều. Từ đó, một số BV đã rơi vào cảnh thu không đủ bù chi nên đành phải ngừng hoạt động.

Hệ thống y tế tư nhân góp phần giảm tải cho các Bv công trong công tác khám chữa bệnh                Ảnh: Lê Nguyễn

Hệ thống y tế tư nhân góp phần giảm tải cho các Bv công trong công tác khám chữa bệnh             Ảnh: Lê Nguyễn

Theo Thứ trưởng Phạm Lê Tuấn, mặc dù còn những hạn chế, song không thể phủ nhận những mặt tích cực mà hệ thống y tế tư nhân đã đem lại, như bước đầu đã tác động đến các cơ sở công, tạo sự cạnh tranh lành mạnh về chất lượng BV, thái độ chăm sóc và phục vụ người bệnh, nhất là hiện nay nhiều cơ sở y tế tư nhân cũng đã khám chữa bệnh bằng BHYT.

Cần xóa bỏ tư tưởng phân biệt BV công- BV tư

Theo ông Nguyễn Văn Đệ, Chủ tịch Hiệp hội BV tư nhân Việt Nam, nhiều người trước khi đầu tư BV chưa lường hết được những khó khăn, thách thức sau đầu tư và tính đặc thù của loại hình hoạt động này, nên đầu tư dàn trải, thiếu trọng tâm, trong khi kinh phí duy trì hoạt động và tái đầu tư còn khó khăn. Đặc biệt, số lượng, chất lượng đội ngũ bác sĩ ở một số BV tư nhân còn thiếu và yếu, nên chất lượng khám chữa bệnh còn hạn chế. Tuy nhiên, bên cạnh những nguyên nhân chủ quan từ phía các BV, ông Đệ cũng chỉ ra những nguyên nhân khách quan từ phía các cơ quan quản lý khiến hệ thống BV tư hiện nay hoạt động không hiệu quả. Đó là công tác quy hoạch và cho phép đầu tư cơ sở y tế tư nhân chưa hợp lý; nhiều chính sách quy định cho khối công lập nhưng lại áp dụng với khối tư nhân.

Ông Nguyễn Văn Tiên, Phó Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội cho rằng, một trong những nguyên nhân y tế tư nhân chưa thu hút được nhiều người bệnh là do quy định chặt chẽ với khối BV này. Trong đó có một số chính sách còn phân biệt, đối xử không bình đẳng giữa công lập và tư nhân.

Điều này có thể thấy khá rõ là khối BV công được Nhà nước đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị, khoa học kỹ thuật, đào tạo và chi trả chế độ… nhưng khối BV tư nhân phải vay vốn đầu tư, trả lãi suất, tiền bồi thường giải phóng mặt bằng, mua tài sản, trang thiết bị không được khấu trừ thuế đầu vào… Trong khi hai loại hình công và tư cùng phục vụ một đối tượng và cùng chi trả giá dịch vụ như nhau. Như vậy, khối BV tư không thể cạnh tranh với khối BV công lập.

Để BV tư nhân thực sự trở thành cánh tay nối dài của BV công, góp phần giảm tải BV, theo Thứ trưởng Phạm Lê Tuấn trước tiên cần phải xóa bỏ tư tưởng phân biệt đối xử giữa BV công và BV tư. Tức là phải coi các cơ sở tư (các đơn vị ngoài công lập) là bạn đồng hành với y tế Nhà nước, trong đó vấn đề nhân lực rất quan trọng. Theo Thứ trưởng Tuấn, cần mau chóng xây dựng quy chế thu nhận người theo Luật Lao động, với những biện pháp thu hút, biện pháp chế tài, tránh tình trạng giành giật cán bộ giữa các cơ sở công và tư. Đồng thời, hệ thống y tế Nhà nước có thể thiết lập hệ thống chuyển tuyến với y tế tư nhân; ban hành tiêu chuẩn kỹ thuật, thực hiện kiểm định chất lượng để có cơ sở tư đạt chuẩn; hỗ trợ kinh phí đối với các hoạt động, dịch vụ cho tư nhân thực hiện; mở rộng kết hợp công-tư trong một số chương trình, dự án, lĩnh vực y tế…

 

Liên quan đến vấn đề này, tại một hội nghị trước đó do Bộ Y tế tổ chức, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết, hiện nay Bộ Y tế đang thực hiện nhiều đề án giảm tải ở các bệnh viện trung ương và tuyến cuối như bệnh viện vệ tinh, mô hình bác sỹ gia đình, luân phiên các cán bộ y tế về cơ sở, tiến tới thực hiện bảo hiểm y tế toàn dân...Việc phối hợp giữa các bệnh viện công lập và tư nhân là rất cần thiết nhằm nâng cao chất lượng khám chữa bệnh và góp phần giảm tải ở các bệnh viện công. Tuy nhiên, Bộ trưởng cũng thừa nhận, hiện nay việc hợp tác giữa hai hệ thống công - tư còn những vướng mắc về cơ chế tài chính, giờ giấc, việc hợp tác đầu tư...

Theo Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến, sự phối hợp này cần được nghiên cứu và thực hiện theo một cơ chế mà lợi ích người bệnh phải được đặt lên hàng đầu. Bộ trưởng cũng gợi ý các bệnh viện công - tư cần chọn ra những chuyên khoa để hợp tác, như những chuyên khoa mà bệnh viện công luôn quá tải hiện nay như: ung bướu, tim mạch, sản, nhi, chấn thương chỉnh hình…

 

Thái Bình
 

 

 

 

ung bướu, tim mạch, sản, nhi, chấn thương chỉnh hình…


Ý kiến của bạn