Hợp tác giữa bệnh viện công – bệnh viện tư: Chìa khóa để giảm tải bệnh viện?
Ngày 14/3, Bộ Y tế tổ chức hội nghị tăng cường phối hợp giữa bệnh viện nhà nước và bệnh viện tư nhân thực hiện Đề án giảm tải bệnh viện khu vực các tỉnh phía Bắc.
57% bệnh viện tư nhân có tỷ lệ sử dụng giường bệnh dưới 60%
Theo ông Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh, hiện toàn quốc có 1.200 bệnh viện, trong đó có 170 bệnh viện tư nhân, chỉ chiếm 11%. Trong vòng 10 năm, số bệnh viện tăng gần 1,5 lần và số giường bệnh tăng gần 2 lần, từ 126.893 năm 2004 lên 215.000 giường bệnh năm 2013. Tỉ lệ giường bệnh của bệnh viện tư chiếm 4,2%. Thống kê năm 2013 cho thấy, cả nước có gần 114,5 triệu lượt khám ngoại trú, gần 11,2 triệu lượt nội trú, gần 2,4 triệu ca phẫu thuật. Trong đó, tỉ lệ khám chữa bệnh của bệnh viện tư rất thấp, chiếm 6,7% điều trị ngoại trú, 5,7% nội trú và 10,7% phẫu thuật. Bệnh viện tư phục vụ chưa tới 4% trên tổng số hơn 73,4 triệu lượt khám bảo hiểm y tế (BHYT) ngoại trú và hơn 7,8 triệu lượt nội trú. “Mặc dù nhiều bệnh viện tư có cơ sở vật chất khang trang, máy móc thiết bị hiện đại, nhưng tỉ lệ bệnh nhân đến khám chữa bệnh tại các bệnh viện tư nhân cũng rất thấp. Có tới 56,9% bệnh viện tư nhân có công suất sử dụng giường bệnh dưới 60%, gần 22% còn lại có công suất chỉ đạt từ 60 - 85%”- ông Khuê nhấn mạnh
Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết: Hiện nay, quá tải tại các bệnh viện công lập đang là vấn đề gây bức xúc nhất cho người dân, ảnh hưởng đến chất lượng dịch vụ khám chữa bệnh. Trước thực trạng này, Bộ Y tế đã trình và được Thủ tướng chính phủ phê duyệt "Đề án giảm tải bệnh viện". Để giải quyết vấn đề này, Bộ Y tế tập trung vào một số giải pháp như: tăng số lượng giường bệnh; thiết lập bệnh viện vệ tinh; xây dựng mạng lưới bác sỹ gia đình, phòng khám đa khoa; nâng cao chất lượng y tế cơ sở và chuyển giao công nghệ tiên tiến…
Bệnh nhân đang chờ đến lượt khám tại BV K Ảnh N.D
Đặt lợi ích người bệnh lên trên
Phần lớn ý kiến tại Hội nghị cho rằng, nhà nước, Bộ Y tế cần có cơ chế, quy định hành lang pháp lý rõ ràng để bệnh viện công - tư phối hợp với nhau được nhiều hơn, thuận lợi hơn; tận dụng, khai thác nguồn nhân lực có sẵn ở các bệnh viện công với cơ sở vật chất, trang thiết bị hiện đại ở bệnh viện tư trên tinh thần đem lại lợi ích cho người bệnh, giảm tải bệnh viện công. GS.TS Nguyễn Thanh Liêm- đại diện Bệnh viện Vinmec đề xuất, để có một cơ chế phát triển tốt hơn nữa cho hệ thống y tế công lập và tư nhân, Bộ Y tế cần khuyến khích phát triển hợp tác chuyên môn giữa bệnh viện công và tư để tận dụng công suất, trang thiết bị tiên tiến, hiện đại; có cơ chế, chính sách mở cho phép bác sỹ từ công lập sang bệnh viện tư khám, điều trị cho bệnh nhân khi được mời hoặc tham gia làm việc ngoài giờ tại các bệnh viện tư. Đồng thời cho phép chuyển bảo hiểm và bệnh nhân từ các bệnh viện công sang bệnh viện tư để khám, điều trị theo nhu cầu của khách hàng; cấp phép hoạt động cho các chuyên gia, bác sỹ người nước ngoài đến khám và điều trị cho người bệnh tại các bệnh viện tư...
Việc phối hợp giữa các bệnh viện công lập và tư nhân là rất cần thiết nhằm nâng cao chất lượng khám chữa bệnh và góp phần giảm tải ở các bệnh viện công. Tuy nhiên, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến cũng thừa nhận, hiện nay việc hợp tác giữa hai hệ thống công - tư còn những vướng mắc về cơ chế tài chính, giờ giấc, việc hợp tác đầu tư... Theo Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến, sự phối hợp này cần được nghiên cứu và thực hiện theo một cơ chế mà lợi ích người bệnh phải được đặt lên hàng đầu. Bộ trưởng cũng gợi ý các bệnh viện công - tư cần chọn ra những chuyên khoa để hợp tác, như những chuyên khoa mà bệnh viện công luôn quá tải hiện nay như: ung bướu, tim mạch, sản, nhi, chấn thương chỉnh hình…
Thái Bình