Thông tin cho biết, Việt Nam cũng như nhiều nước trên thế giới đang phải gánh chịu áp lực từ sự gia tăng số người mắc bệnh đái tháo đường, trong cộng đồng. Việt Nam có tới 3,53 triệu người đang chung sống với bệnh đái tháo đường, tương đương với 6% tổng dân số (năm 2017). Trong đó, 63% người mắc bệnh chưa được chẩn đoán và 70% bệnh nhân đã được chẩn đoán mắc bệnh đái tháo đường typ 2 chưa đạt mục tiêu điều trị.
Đây là căn bệnh gây tử vong đứng thứ ba trong số các bệnh không lây nhiễm tại Việt Nam với khoảng 29.000 ca tử vong hằng năm do các biến chứng liên quan. Nguyên nhân chủ yếu của sự bùng nổ bệnh đái tháo đường là do chế độ ăn uống, vận động không hợp lý của lối sống xã hội hiện đại bên cạnh các yếu tố về di truyền.
Phát biểu tại buổi lễ ký kết, GS.TS Thái Hồng Quang, Chủ tịch Hội Nội tiết & Đái tháo đường Việt Nam cho biết, cùng với tiến bộ y học, việc phòng ngừa và điều trị bệnh đái tháo đường trên thế giới đã tương đối phát triển. Tuy nhiên với những chuyển biến phức tạp của căn bệnh mạn tính này, việc cập nhật kiến thức, phương thức điều trị để tối ưu hóa phác đồ điều trị đái tháo đường cho các chuyên gia y tế Việt Nam là cần thiết. Theo đó, trong lộ trình 2019-2020, Chương trình đào tạo sẽ được thực hiện theo 3 giai đoạn: Trong giai đoạn 1, sẽ đưa chuyên gia trong nước sang Hoa Kỳ tập huấn. Sau đó các khóa tập huấn nâng cao về tối ưu hóa kiểm soát bệnh đái tháo đường và điều trị bằng insulin sẽ được triển khai tại 5 trung tâm đào tạo cho 200 bác sĩ nội tiết từ các bệnh viện tuyến cơ sở ở giai đoạn 2.
Trong giai đoạn 3, chương trình đào tạo trực tuyến về quản lý và điều trị đái tháo đường dành cho hơn 2.000 bác sĩ đa khoa toàn quốc có nhu cầu nâng cao kiến thức tổng quát về điều trị đái tháo đường sẽ được triển khai, cùng với việc tổ chức các khóa huấn luyện thực tế tại các bệnh viện tỉnh với sự hỗ trợ của 5 trung tâm đào tạo cho 1.000 bác sĩ đa khoa.