Hợp tác công - tư: Giải pháp để nâng cao chất lượng và năng lực y tế

20-05-2022 09:34 | Y tế

SKĐS - Việt Nam đang trở thành điểm đến hấp dẫn của các doanh nghiệp trong lĩnh vực y tế và dược phẩm. Việc hợp tác công tư (PPP) trong lĩnh vực y tế được coi là giải pháp để nâng cao chất lượng và năng lực y tế.

Thông tin trên được đưa ra tại hội thảo "Tăng cường hợp tác công - tư thúc đẩy phát triển bền vững ngành y tế" được Báo Đầu tư vừa tổ chức với sự tham dự của các chuyên gia từ Bộ Y tế, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Tổ chức Y tế thế giới tại Việt Nam, chuyên gia cao cấp về y tế của Ngân hàng Thế giới (WB), Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) và đại diện các doanh nghiệp y tế, dược phẩm nước ngoài.

Tại hội thảo này, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Duy Đông cho rằng ở Việt Nam hiện nay, những thay đổi về nhân khẩu học, dịch tễ học và xã hội đang đặt ra những thách thức lớn đối với hệ thống y tế. Bên cạnh đó, với tốc độ dân số già hóa nhanh, gánh nặng bệnh tật do bệnh không lây nhiễm ở Việt Nam cũng tăng mạnh. Nhu cầu về nguồn lực để điều trị các bệnh ung thư, tim mạch hay các bệnh có nguy cơ như huyết áp, tiểu đường cũng tăng lên.

Hợp tác công - tư: Giải pháp để nâng cao chất lượng và năng lực y tế - Ảnh 1.

Thông tin tại hội thảo "Tăng cường hợp tác công - tư thúc đẩy phát triển bền vững ngành y tế" cho biết: Việt Nam đang trở thành điểm đến hấp dẫn của các doanh nghiệp trong lĩnh vực y tế và dược phẩm. Việc hợp tác công - tư (PPP) trong lĩnh vực y tế được coi là giải pháp để nâng cao chất lượng và năng lực y tế.

Tầng lớp trung lưu ở Việt Nam đang tăng lên và có nhu cầu cao hơn về chất lượng và ứng dụng công nghệ trong các dịch vụ chăm sóc sức khỏe.

Theo Thứ trưởng Trần Duy Đông, những thay đổi trên đòi hỏi nước ta phải mở rộng và tăng cường mạng lưới chăm sóc sức khỏe. Chất lượng chăm sóc và mức độ hài lòng người bệnh đã được cải thiện trong những năm gần đây, nhưng để nâng cao chất lượng trong lĩnh vực y tế, đáp ứng nhu cầu về nguồn lực y tế của người dân, việc huy động các nguồn lực tài chính cho đầu tư mới vào cơ sở hạ tầng và thiết bị là yêu cầu rất quan trọng.

Ở nhiều nước trên thế giới, việc áp dụng hình thức PPP để xây dựng công trình trong lĩnh vực y tế đã có đóng góp rất nhiều trong quá trình giải quyết vấn đề về thiếu hụt nguồn lực vốn nêu trên.

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, đầu tư theo phương thức đối tác công - tư (PPP) là phương thức đầu tư được thực hiện trên cơ sở hợp tác có thời hạn giữa Nhà nước và nhà đầu tư tư nhân thông qua việc ký kết và thực hiện hợp đồng dự án PPP nhằm thu hút nhà đầu tư tư nhân.

Lĩnh vực y tế và quy mô đầu tư trong lĩnh vực y tế đã được quy định cụ thể trong luật PPP và Nghị định 35/2021/NĐ-CP.

Trên thực tế công tác triển khai luật PPP còn gặp nhiều hạn chế. Thống kê của Ngân hàng Thế giới, đến năm 2019 có 58 dự án thuộc danh sách dự án PPP trong lĩnh vực y tế được đề xuất. Tuy nhiên, trong những án này, chỉ có 13 dự án thực hiện đến bước báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, 6 dự án đến giai đoạn báo cáo nghiên cứu khả thi, 5 dự án đến giai đoạn đấu thầu, lựa chọn nhà đầu tư, và có 2 dự án đến giai đoạn ký kết hợp đồng.

Các dự án PPP trong lĩnh vực y tế hầu hết tập trung ở một số tỉnh: TP Hà Nội (1 dự án), TP HCM (6 dự án), Hải Phòng (1 dự án), Đà Nẵng (1 dự án), Quảng Ninh (2 dự án), Quảng Nam (1 dự án), Cà Mau (1 dự án), Bến Tre (1 dự án).

Từ năm 2019 đến nay, trong lĩnh vực y tế chưa có thêm dự án đầu tư theo hình thức PPP.

Tại hội thảo, một số ý kiến cho rằng cho biết Việt Nam có tiềm năng phát triển hình thức đối tác công - tư đầy hứa hẹn, với nguồn nhân lực năng động, tầng lớp thu nhập trung bình ngày càng tăng, nhu cầu về các sản phẩm và dịch vụ chất lượng cao cũng đang tăng.

Hình thức đối tác công - tư trong lĩnh vực dịch vụ có thể mở ra những đóng góp hơn nữa từ khu vực tư nhân nhằm hướng tới một hệ thống chăm sóc sức khỏe toàn diện, tiên tiến và bền vững...

Tại Việt Nam, Đảng ta cũng nhấn mạnh việc đẩy mạnh phương thức đầu tư PPP đối với các lĩnh vực dịch vụ công, đặc biệt là dịch vụ y tế như nêu tại Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Ban chấp hành Trung ương Khóa XII, cụ thể: "Tiếp tục thực hiện cơ chế kết hợp công - tư về nhân lực và thương hiệu trong lĩnh vực y tế; xây dựng cơ chế hợp tác đầu tư giữa bệnh viện công và bệnh viện tư, giữa các bệnh viện công...".

Sáng 20/5: Gần 9,4 triệu F0 ở nước ta đã khỏi; Những dấu hiệu sau mắc COVID-19 cần hỗ trợ y tế khẩn cấp Sáng 20/5: Gần 9,4 triệu F0 ở nước ta đã khỏi; Những dấu hiệu sau mắc COVID-19 cần hỗ trợ y tế khẩn cấp

SKĐS - Bộ Y tế cho biết số mắc COVID-19 mới trung bình trong 7 ngày qua chỉ còn gần 1.800 ca/ngày; thấp nhất trong nhiều tháng gần đây; gần 9,4 triệu F0 ở nước ta đã khỏi bệnh; Những dấu hiệu sau mắc COVID-19 cần hỗ trợ y tế khẩn cấp.

Thái Bình
Ý kiến của bạn