Hợp pháp hóa hoạt động cá cược có vội vã?

01-09-2013 00:00 | Xã hội

Trong chương trình làm việc ngày 14/8/2013 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Bộ Tài chính đã trình các nội dung mà Chính phủ dự kiến đưa vào Nghị định về kinh doanh đặt cược đua ngựa, đua chó, bóng đá quốc tế và hoạt động kinh doanh casino ở Việt Nam.

Trong chương trình làm việc ngày 14/8/2013 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Bộ Tài chính đã trình các nội dung mà Chính phủ dự kiến đưa vào Nghị định về kinh doanh đặt cược đua ngựa, đua chó, bóng đá quốc tế và hoạt động kinh doanh casino ở Việt Nam. Hợp thức hóa các hoạt động này trong khuôn khổ luật pháp.

au khi đã thống nhất về chủ trương, theo dự kiến, Nghị định này sẽ được ban hành và có hiệu lực từ ngày 1/1/2014.Vấn đề này được đưa ra công luận, đã có nhiều ý kiến không thật sự đồng thuận. Nên hay không nên. Cần thiết hay chưa cần thiết. Hợp thức hóa bằng nghị định hay luật?

Và điều mà nhiều người quan tâm nhất là vấn đề ảnh hưởng của nó đến đời sống xã hội, mặt trái của việc cá cược, nôm na là một trò đánh bạc. Một trong những "chuẩn" của đạo đức truyền thống mang tính văn hóa Việt Nam là không chấp nhận hành vi này, xem như đó là tệ nạn xã hội.

Khi cá cược là tội phạm hình sự

Trong Bộ luật Hình sự có bổ sung và sửa đổi năm 2009, Điều 248, 249 đã có những quy định cụ thể về hành vi đánh bạc, cá cược, gá bạc... với hình phạt từ nhẹ là phạt tiền, tịch thu tang vật đến phạt tù tùy theo mức độ vi phạm.

Dĩ nhiên, để ban hành quy định này, các nhà làm luật đã phải căn cứ trên những cơ sở khoa học pháp lý chặt chẽ, những thực tế chứng minh về các tác động xã hội có tính chất lịch sử, đạo đức, văn hóa, an ninh... Cá cược là một hình thức đánh bạc, hiện tại vẫn được nhìn nhận là một loại tội phạm đi liền với những tệ nạn xã hội, gây mất trật tự an ninh xã hội, ảnh hưởng trực tiếp đến bình yên cuộc sống gia đình, thậm chí nhiều kẻ vì cá cược khi thành "bác thằng bần" và thường nhanh chóng trở thành những tội phạm nguy hiểm, từ tham nhũng của công, trộm cướp, buôn bán ma túy đến giết người.

Hợp pháp hóa hoạt động cá cược có vội vã? 1
 Hiện còn nhiều ý kiến trái chiều về việc hợp pháp hóa hoạt động cá cược. Ảnh: H.L

Cho đến hiện tại, cá cược không chỉ với bóng đá, đua ngựa, đua chó, mà còn biến tướng ở nhiều hình thức khác, như "lô, đề" qua xổ số kiến thiết..., tất cả các hành vi này đều nằm trong sự điều chỉnh của Luật Hình sự Việt Nam cùng những quy phạm pháp luật dưới luật và đều bị xem là hành vi phạm luật bị cấm hoạt động.

Hợp thức hóa hành vi tội phạm, điều gì xảy ra?

Hiện tại có 135 quốc gia và vùng lãnh thổ đã cho phép tổ chức hoạt động kinh doanh đặt cược. Nhưng với Việt Nam thì đây là một phạm trù mới mẻ và nó gần như gây kinh ngạc, lo ngại cho những người lương thiện, vui mừng cho những người có máu "đỏ - đen". Những người có máu "đỏ - đen" cờ bạc xem như đã được ra khỏi bóng tối, đã không bị xem là "tệ nạn", có thể đường hoàng công khai mà không sợ bắt bớ, trốn chui trốn nhủi.

Theo như cách giải trình của việc đưa dự thảo nghị định cho phép hoạt động kinh doanh cá cược... là "nhằm đáp ứng nhu cầu giải trí của một bộ phận dân cư có thu nhập chính đáng và thu hút khách du lịch, góp phần thu hẹp việc tham gia các hoạt động cờ bạc, cá độ bất hợp pháp và hạn chế các tác động tiêu cực phát sinh và tạo thêm nguồn thu để đầu tư các chương trình về phúc lợi xã hội"- Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng.

Hợp pháp hóa cá cược, cho nó thành một nghề kinh doanh đặc thù, nhạy cảm, nhưng việc giám sát nó liệu có khả thi? Hay cũng như ở rất nhiều ngành nghề khác, việc giám sát thả nổi và khi đó hoạt động này sẽ trở thành một ngành nghề "kinh doanh tội ác"? Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Ksor Phước cũng đặc biệt lo ngại về tác động tiêu cực, nhất là hoạt động rửa tiền. Ông Phước đặt câu hỏi: Phải chăng nền kinh tế thế giới có gì thì ta cứ hợp pháp hóa trên lãnh thổ Việt Nam? Nguyên Phó Giám đốc Sở TM Hà Nội, chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú thẳng thắn: "Hợp pháp cá cược khiến nhiều người rơi vào tâm lý ăn thua, ảnh hưởng tới tình cảm, đạo đức xã hội, nghĩa vợ chồng... Cá cược cũng như hành động giáo dục thế hệ trẻ, thế hệ tương lai chơi cờ bạc".

Tác động tích cực của việc hợp thức hóa cá cược chưa thấy và cũng chưa hình dung nó sẽ lợi đến đâu, những tác động tiêu cực của hoạt động kinh doanh cá cược với xã hội thì có thể thấy trước mắt và thật khó có thể đo đếm cụ thể những thiệt hại cả vật chất lẫn tinh thần, chưa kể còn trở thành một thứ ung nhọt làm tan luôn những bình yên xã hội hiện đang rất khó khăn gìn giữ và luôn trong tình trạng sẽ bị phá vỡ bất kỳ lúc nào.

Có phải là một sự vội vã?

Một số quốc gia đã có "văn hóa" cá cược từ hàng mấy thế kỷ, họ hợp thức hóa "văn hóa" này bằng luật với những quy tắc nghiêm, chế tài cũng rất nghiêm và gần như ai cũng tuân thủ theo một cách tự nguyện, có ý thức rõ ràng quyền lợi của mình. Còn ở Việt Nam, phải nói một cách thẳng thắn, việc chấp hành luật pháp của ta không phải lúc nào cũng tự giác, nghiêm minh. Ý thức của công dân không phải lúc nào cũng tuân thủ luật. Việc cá cược nếu được hợp thức hóa, ai bảo đảm nó sẽ đi đúng "đường", chơi một cách yên bình, lành mạnh?

Còn rất nhiều văn bản luật, dưới luật vẫn chưa thực thi nghiêm minh, nay thêm việc hợp thức hóa cá cược này, có phải sự vội vã chạy theo những gì ngưởi ta có, mình không có thì nghĩ là lạc hậu? Khi chưa có được một mặt bằng để bảo đảm cho sự "an toàn" của hành vi cá cược, thiết nghĩ Bộ Tài chính nên dừng lại việc tiến hành nghị định hợp thức hóa cá cược và nên có sự trưng cầu dân ý.

Ngoài ra, đây là một hành vi nhạy cảm liên quan đến vấn đề đạo đức xã hội, văn hóa truyền thống, không chỉ là kinh doanh tiền bạc, thiết nghĩ cũng nên phải có sự tham gia ý kiến của các nhà xã hội học, các nhà văn hóa, các nhà giáo dục, kể cả những chuyên gia về các vấn đề trong giới thanh thiếu nhi...

Và khi hội đủ những điều kiện để có thể đưa ra một Nghị định hay luật về cá cược, cờ bạc có thể khả thi và kiểm soát được thì hãy thực hiện. Chứ thời hạn 1/1/2014 là quá vội vã!

Minh Châu


Ý kiến của bạn