Những vụ tai nạn máy bay liên tiếp trong những ngày qua gây bất an cho toàn thế giới bởi đây là phương tiện di chuyển thông dụng và tiện lợi nhất hiện nay. Trong bối cảnh đó, Tổ chức Hàng không Dân dụng Quốc tế (ICAO) tổ chức họp về phối hợp liên kết phản ứng của giới hàng không nhằm giảm thiểu tai họa.
Cuộc họp giữa ICAO với Hiệp hội Vận tải hàng không Quốc tế (IATA), Tổ chức Các nhà cung cấp Dịch vụ không lưu (CANSO) và Hội đồng Các sân bay Quốc tế (ACI) sẽ diễn ra tại Montreal, Canada vào tuần tới. Các bên sẽ thảo luận về vai trò của từng tổ chức đối với vùng không phận ở khu vực xung đột. “Ý tưởng cuộc họp là để các đối tác cùng tìm giải pháp. Từ sau thảm kịch của phi cơ MH17, nhiều ý kiến trong ngành thúc giục ICAO phải đảm nhận vai trò lớn hơn và ban hành cảnh báo rủi ro với các vùng không phận nếu cần. Tuy nhiên, các chuyên gia dự đoán thay đổi sẽ không diễn ra nhanh chóng, vì những quốc gia thành viên ICAO có quyền kiểm soát cao nhất đối với bầu trời của họ và không muốn giao quyền này cho ICAO. Việc mở rộng vai trò của ICAO buộc cơ quan này phải thu thập thông tin nhạy cảm về vấn đề chính trị và quân sự của từng nước thành viên.

Mới đây, chính quyền Mỹ đã thể hiện rõ quan điểm “Mỹ không muốn các chính sách của ICAO thay đổi” sau những sự việc như phi cơ MH17 rơi tại Ukraine và chuyến bay MH370 mất tích bí ẩn. Tim Clark, Tổng Giám đốc Hãng hàng không Emirates Airlines, cuối tuần qua đề nghị tổ chức một hội nghị quốc tế giữa các hãng hàng không để bàn bạc về những tai nạn trong ngành. Hãng hàng không Lufthansa (Đức) ủng hộ kêu gọi của Emirates Airlines. Theo ông Clark, ngành hàng không cần nghiên cứu tình hình rủi ro gia tăng vì những xung đột khu vực; cũng như khả năng các hãng, đặc biệt là hãng của các nước nhỏ, có thể nhận mức độ chia sẻ thông tin tình báo giống nhau về các mối đe dọa hay không.
Trên các mạng xã hội như Facebook, Twitter, cư dân mạng bắt đầu hoang mang hỏi nhau về độ an toàn của các chuyến bay, thậm chí nhiều người hoảng sợ khi sắp phải lên máy bay để di du lịch hay phục vụ công việc. Một khảo sát trực tuyến do tờ Mirror của Anh thực hiện ngay sau khi có thông tin máy bay của hãng Air Algerie gặp nạn cho thấy gần 60% người được hỏi khẳng định họ sẽ không dám đi lại bằng máy bay trong thời gian tới. Chỉ 40% số người tham gia khảo sát nói rằng họ vẫn lựa chọn máy bay làm phương tiện đi lại nhưng với sự cân nhắc thận trọng hơn nhiều.
Tuy nhiên, hãy bình tĩnh lại và nhìn nhận một cách công bằng, các số liệu thống kê cho thấy di chuyển bằng máy bay vẫn là phương thức an toàn nhất hiện nay. Số người chết vì tai nạn hàng không trong thời gian gần đây, mỗi năm dừng lại ở mức vài trăm người, thì theo Tổ chức Y tế Thế giới, có tới 1,2 triệu người chết mỗi năm vì tai nạn đường bộ. Theo dữ liệu của Ngân hàng Thế giới, ngày càng nhiều người trên thế giới lựa chọn đi lại bằng máy bay, với hơn 20 tỷ lượt khách vào năm 2013. Nguy cơ tử vong vì tai nạn máy bay là 1/5 triệu trong khi con số này với ôtô là 1/85.
(Theo AP, Reuters, CNN)
Quỳnh Diệp
Ngày 11/2: Một máy bay vận tải quân sự C130 của Không quân Algeria bị rơi tại tỉnh miền núi Oum El Bouaghi, Đông Bắc Algeria làm 77 người chết.
Ngày 16/2: Máy bay Twin Otter số hiệu 183 của Nepal rơi ở vùng núi Arghakhanchi, cách thủ đô Kathmandu 200km, làm 18 người chết.
Ngày 21/2: Máy bay vận tải quân sự AN-26 của Libya rơi tại Tunisia làm toàn bộ 11 người trên máy bay thiệt mạng.
Ngày 8/3: Máy bay Boeing 777-200ER của Malaysia Airlines mang số hiệu MH370 mất tích trên đường từ Kuala Lumpur tới Bắc Kinh (Trung Quốc) cùng 239 hành khách và phi hành đoàn.
Ngày 17/5: Máy bay quân sự AN-74 của Lào rơi gần tỉnh Xiangkhouang, cách Viêng Chăn 470km về phía Đông Nam làm 17 quan chức Chính phủ và quân đội thiệt mạng.
Ngày 14/6: Máy bay vận tải Il-76 của Ukraine bị bắn hạ khi đang đáp xuống sân bay miền Đông Lugansk, 49 người thiệt mạng.
Ngày 7/7: Trực thăng Mi-171 của Không quân Nhân dân Việt Nam đã rơi trong khi bay huấn luyện tại Hà Nội, 19 chiến sĩ đã hy sinh, 2 chiến sĩ bị thương nặng.
Ngày 14/7: Một trực thăng quân sự Campuchia rơi cách Thủ đô Phnom Penh 10km về phía Nam làm 5 người trên máy bay thiệt mạng, 1 người bị thương nặng.
Ngày 17/7: Máy bay cứu hộ rơi xuống gần khu dân cư thành phố miền Nam Gwangju, Hàn Quốc, khiến toàn bộ 5 người trên máy bay thiệt mạng.
Ngày 17/7: Máy bay Boeing 777 trên chuyến bay mang số hiệu bay MH17 của Malaysia từ Amsterdam (Hà Lan) về Kuala Lumpur (Malaysia) đã bị rơi ở gần Torez, Donetsk, miền Đông Ukraine làm 298 người thiệt mạng.
Ngày 23/7: Máy bay ATR 72 của TransAsia Airways (Đài Loan, Trung Quốc) bị rơi trên đảo Bành Hồ làm 48 người chết.
Ngày 24/7: Máy bay MD-83 của Air Algerie bị rơi ở Mali làm 116 hành khách và phi hành đoàn thiệt mạng.
Ngày 25/7: Trực thăng ALH của quân đội Ấn Độ rơi làm 7 quân nhân thiệt mạng.