Hà Nội

Hộp đen QZ8501 được phân tích dữ liệu như thế nào

14-01-2015 19:20 | Quốc tế
google news

Indonesia đang phân tích dữ liệu từ hộp đen của chiếc máy bay AirAsia rơi tại biển Java cùng với sự trợ giúp của nhiều chuyên gia quốc tế, hứa hẹn sẽ làm sáng tỏ nguyên nhân xảy ra tai nạn.

Trong một phòng thí nghiệm nhỏ hai buồng gần một cụm văn phòng chính phủ tại Jakarta, Ủy ban An toàn Giao thông Quốc gia Indonesia đang chuẩn bị kết nối các dữ liệu thu thập được để tìm hiểu khoảnh khắc cuối cùng của máy bay QZ8501 thuộc hãng AirAsia.

Các nhà điều tra từ Ủy ban hôm 13/1 cho biết họ đã tải dữ liệu từ hộp đen đầu tiên được thu hồi từ chiếc Airbus A320, thiết bị ghi dữ liệu chuyến bay. Hộp thứ hai, thiết bị ghi âm buồng lái, hôm 13/1 được trục vớt từ đáy biển và gửi đến Jakarta.

Các nhà điều tra hôm nay tiến hành đọc dữ liệu từ hộp đen thứ nhất, một quá trình có thể sẽ làm sáng tỏ chuyện gì đã xảy ra trong khoảnh khắc cuối cùng của máy bay.

BN-GK236-0113in-M-201501130355-1356-7875
Các quan chức công bố thiết bị ghi dữ liệu chuyến bay QZ8501 được trục vớt từ biển Java. Ảnh: Reuters

"Kết quả điều tra phụ thuộc vào dữ liệu", Santoso Sayogo, điều tra viên của Ủy ban An toàn Giao thông Quốc gia Indonesia cho biết. "Trong khoảng một hoặc hai tuần, chúng ta có thể có được bức tranh toàn cảnh về vụ tai nạn", ông nói.

Giống như những cuộc điều tra trước đây, phòng thí nghiệm ở Jakarta sẽ là điểm khởi đầu cho việc phân tích hộp đen. Phòng thí nghiệm có đủ không gian để 5 người làm việc thoải mái.

Các chuyên gia làm sạch và làm khô thiết bị ghi dữ liệu chuyến bay trước khi tải các thông tin được lưu trữ theo định dạng nhị phân. Để chuyển đổi và đọc các dữ liệu đó, các nhà điều tra đã tham khảo ý kiến của Airbus và lựa chọn từ hàng trăm giá trị ghi lại các chỉ số như độ cao, nhiệt độ động cơ và tốc độ bay, một vài trong số đó đưa ra nhiều chỉ báo trong một giây. Để thu hẹp các thông số, họ tập trung vào các chỉ số họ cho rằng sẽ cung cấp những thông tin ban đầu tốt nhất về vụ tai nạn. Các nhà điều tra chưa tiết lộ tiêu chí tìm kiếm của họ, và cũng không công bố trọng tâm phân tích nằm ở đâu.

Các quan chức và chuyên gia an toàn hàng không cho biết các nhà điều tra có khả năng đi sâu vào hoạt động của cảm biến tốc độ không khí và các thiết bị điều khiển bay quan trọng khác từng trục trặc trên một số mẫu máy bay Airbus trong thập kỷ qua. Trục trặc cảm biến, tuy chỉ xảy ra trong thời gian ngắn do băng tích tụ trong cơn bão, nếu không được xử lý đúng cách cũng có thể gây nhầm lẫn cho phi công về tốc độ bay hoặc độ cao mũi máy bay đang trỏ, và có khả năng dẫn đến hiện tượng máy bay chết đứng trên không.

Sự cố này từng xảy ra vào năm 2009, khi một máy bay Air France rơi xuống Đại Tây Dương vì các phi công đã không hiểu hoặc không tuân thủ các thủ tục thích hợp để đối phó với những chỉ số tốc độ bay không đáng tin cậy. Các quan chức Airbus đã từ chối bình luận về bất kỳ khía cạnh nào của cuộc điều tra.

Chuyến bay QZ8501 dường như không có vấn đề bảo trì lớn nào. Hãng AirAsia đã tuân thủ tất cả 4 chỉ thị về điều kiện bay do các nhà điều hành đưa ra. Các quan chức và các chuyên gia an toàn hàng không đang tập trung vào khả năng máy bay bị khựng lại hoặc lộn ngược khi đang ở trên cao là nguyên nhân dẫn đến vụ tai nạn.

hopden3-9311-1421229454.jpg
Cấu tạo hộp đen máy bay. Đồ họa: WSJ

Tại Jakarta, các nhà điều tra sẽ đồng bộ thông tin từ thiết bị ghi dữ liệu bay và ghi âm buồng lái để xem phi công đã phản ứng với các điều kiện, dấu hiệu cảnh báo và các chỉ số khác như thế nào. Nhiều micro đã ghi lại các cuộc hội thoại trong buồng lái, các thông báo và các âm thanh khác.

Kể từ khi được thành lập vào năm 2009, phòng phân tích hộp đen của Indonesia đã đọc thông tin từ 57 thiết bị ghi dữ liệu chuyến bay và 69 máy ghi âm buồng lái. Trong đó có các thiết bị từ các vụ tai nạn lớn nhất của Indonesia trong những năm gần đây, như vụ máy bay Sukhoi Superjet đâm vào một ngọn núi ngoại ô Jakarta năm 2012, khiến 42 người thiệt mạng, và một chiếc Lion Air Boeing 737 rơi xuống đại dương ngay gần một đường băng ở Bali năm 2013 .

Ông Sayogo đang điều tra các vụ tai nạn dưới theo chỉ dẫn của Mardjono Siswosuwarno, người giảng dạy tại khoa kỹ thuật cơ khí hàng không vũ trụ ở Viện Công nghệ Bandung, một trong những trường hàng đầu nước này. Ông Siswosuwarno là nhà điều tra chính trong vụ tai nạn Sukhoi và đã tham gia vào nhiều vụ khác, trong đó có vụ máy bay Adam Air Boeing 737 rơi xuống đại dương năm 2007.

Tham gia cùng với họ là các chuyên gia từ cơ quan điều tra tai nạn máy bay của Pháp và các cố vấn từ Airbus, những người hỗ trợ ngay sau khi tai nạn xảy ra. Ông Mardjono cho biết các nhà điều tra của Ban An toàn Giao thông Quốc gia Mỹ sẽ nhập cuộc "vào thời gian sau", do Mỹ có liên quan đến việc sản xuất động cơ máy bay A320.

Nghi vấn từ mảnh võ

Khi chưa có kết quả phân tích dữ liệu hộp đen, các nhà quan sát cho rằng vị trí các phần khác nhau của xác máy bay cho thấy máy bay vỡ ra khi nó chạm mặt nước, chứ không phải vỡ ở trên không.

Supriyadi, quan chức tìm kiếm Indonesia, hôm 12/1 nói rằng các mảnh vỡ ngờ rằng máy bay đã "nổ" do va chạm. Tuy nhiên, các điều tra viên giao thông vận tải của nước này cho biết còn quá sớm để nói điều gì đã xảy ra. Một chuyên gia nghi ngờ về cách dùng từ của quan chức nói trên.

"Tôi nghĩ từ "nổ" có thể đã bị dịch nhầm", David Soucie, cựu thanh tra an toàn của Cục Quản trị Hàng không Liên bang cho biết. "Tôi nghĩ rằng ý ông ấy là máy bay vỡ ra do va chạm.

"Khi bất kỳ một vật rỗng nào va chạm rất mạnh vào một vật khác, sự khác biệt áp suất giữa bên ngoài và bên trong sẽ rất lớn. Nó thực sự sẽ "xé toạc máy bay", Soucie nói. "Đó có thể là điều ông ấy nói đến".

Theo VnExpress

 


Ý kiến của bạn