Hộp chè của bố

29-05-2010 09:11 | Văn hóa – Giải trí
google news

Trước đây bố tôi ở cùng cậu em út, đứa con đã từng được ông yêu nhất, nhưng mấy năm nay lại làm ông buồn nhất. Nó nghe vợ, đối xử rất tệ với ông.

Trước đây bố tôi ở cùng cậu em út, đứa con đã từng được ông yêu nhất, nhưng mấy năm nay lại làm ông buồn nhất. Nó nghe vợ, đối xử rất tệ với ông.

Còn anh em tôi thi thoảng mới đến thăm ông.

Giữ nguyên thói quen cũ, về hưu rồi ông vẫn luôn đọc báo và đọc những cuốn sách nói về chuyên môn của ông. Ông vốn là nhà giáo. Vì thế, mỗi lần đến thăm bố, chúng tôi đều mang sách báo mới đến cho ông, rồi đem lô báo cũ về trả cho cơ quan. Rất nhiều lần, ngồi được khoảng nửa tiếng, thấy tôi cầm mấy tờ báo cũ chuẩn bị cho vào túi là ông lại nài:

- Ở đây thêm với bố một lúc. Bố pha ấm trà, hai bố con mình uống.

Rồi ông vớ lấy hộp chè, đổ chè ra tay.

- Bố cứ pha uống bố ạ, con phải đi đây. Tuần sau con đến, con có ít tiền đưa bố.

- Hai bố con uống thì bố mới pha. - Nói rồi ông đổ lại vốc chè trên tay vào hộp - Tiền thì bố không lấy đâu, bố vẫn còn. Bố chỉ thích con ngồi chơi với bố thôi.

- Bố cầm cho con vui bố ạ! Bố thích gì bố cứ mua. Hôm nay con phải dịch nốt bài báo, lần sau con sẽ ở với bố lâu hơn.

Nhưng lần sau lại có việc của lần sau. Đồng lương hàng tháng không đủ nuôi hai đứa con tôi đi học và thêm vào lương hưu của bố lúc tuổi già. Thật ít dịp tôi được ngồi lâu uống trà nói chuyện với bố.

Một hôm ông bảo muốn đến ở nhà tôi.

*****

Từ khi bố về ở cùng, tuy bố con ít ngồi với nhau, tôi vẫn thấy yên tâm hơn rất nhiều. Tiếng ở cùng nhà nhưng lâu lâu hai bố con mới ngồi uống trà nói chuyện thời sự và nhớ lại những kỷ niệm về mẹ tôi. Vì tôi luôn vướng những bản dịch gấp.

Nhiều lần đang ngồi làm việc tôi nghe có tiếng chân bố sau lưng, song tôi không thể quay lại mời bố ngồi chơi được. Rồi tiếng chân dần xa về phía phòng ngoài.

Lúc xong việc, định ra với ông, nhìn đồng hồ thì đã sang ngày mới.

Hơn ba tháng sau bố tôi đòi về.

- Con cho bố về. Bố cứ nghĩ ở với con bố có thể tranh thủ nói chuyện nhiều hơn với con. Nhưng những lúc con nghỉ giải lao, bố lại không nỡ. Con làm việc nhiều quá, bố mà lấy của con những lúc ấy thì  con còn nghỉ vào lúc nào?

- Bố ơi! Bố đừng giận con. Xong việc này con sẽ bỏ ra mấy ngày liền ngồi chơi với bố. Con cũng thèm được nói chuyện với bố lắm!

- Bố không giận con, bố chỉ thương con thôi!

  *****

Bố tôi ra đi rất đột ngột. Hàng xóm bảo chiều hôm trước, đi ăn phở về, ông còn ra ngoài hiên đọc báo cho đến khi trời tối.

Cậu em út đòi dọn chiếm ngay cái phòng của bố để làm kho. Mấy anh chị em, mỗi người lấy một thứ của bố làm kỷ niệm. Tôi chỉ xin hộp chè mà bố đang uống dở. Đã bao lần bố đổ chè từ cái hộp ấy ra tay rồi lại đổ vào? Cái hộp chè đã rất cũ, những chữ in trên hộp bị tróc nham nhở. Nhiều chỗ mòn bóng, nhìn vào tôi thấy những ngón tay gầy gầy của bố đang cầm vào đó. Tôi để cái hộp chè ấy lên bàn thờ.

Lâu lâu tôi lại lấy hộp chè xuống, xin lộc của bố và thay chè mới cho ông. Tiếng chè va vào hộp, đập vào nỗi đau của tôi.

Tôi rất ân hận vì đã không làm được điều ông muốn là ngồi lâu trò chuyện mỗi khi đến thăm ông.

Và Tết nào cũng thế, tôi mua mấy số báo Tết để lên bàn thờ cho bố. Đó là thứ không thể thiếu của ông trong những ngày đầu năm.

*****

Nhưng nếu bố tôi còn sống, không biết tôi có làm được  điều mà cả hai bố con đều mong muốn ấy không?  

Truyện ngắn của Phạm Sông Hồng


Ý kiến của bạn