Hợp chất mới từ nọc độc bọ cạp có thể tiêu diệt vi khuẩn

17-07-2019 13:50 | Thông tin dược học
google news

SKĐS - Mới đây, các nhà nghiên cứu Mỹ và Mexico đã tổng hợp được 2 hợp chất nọc độc bọ cạp có hiệu quả chống lại một số chủng vi khuẩn có khả năng lây nhiễm cao.

Đặc biệt là các hợp chất này không gây hại cho con người.

Nọc độc chữa bệnh

Trên thế giới, động vật có hàng ngàn loài có nọc độc như nhện,  ong bắp cày, cá, rắn và ếch... Ở một số loại, nọc độc của chúng chỉ đủ mạnh để gây kích thích nhẹ. Trong khi nọc độc của các loài động vật khác (chẳng hạn như bạch tuộc vòng xanh nhỏ) có thể dễ dàng giết chết một người trưởng thành trong vài phút. Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu cho rằng nhiều nọc độc gây chết người cũng có thể hữu ích trong các nhiễm trùng và bệnh tật ở con người. Chẳng hạn như nọc độc của Tropidolaemus wagleri - một loài viper có nguồn gốc từ Đông Nam Á có thể cải thiện việc điều trị cục máu đông và thành phần chính của nọc độc mạng nhện phễu có thể giúp ngăn ngừa tổn thương não sau đột quỵ...

Giáo sư Richard Zare đang cầm một loại bọ cạp có nọc độc có khả năng chữa bệnh.

Giáo sư Richard Zare đang cầm một loại bọ cạp có nọc độc có khả năng chữa bệnh.

Phát hiện mới về hợp chất từ nọc độc bọ cạp

Mới đây, các nhà khoa học từ Đại học Stanford, California và Đại học Tự trị Quốc gia Mexico đã thực hiện một khám phá đầy hứa hẹn, tổng hợp được 2 hợp chất từ nọc độc của bọ cạp Diplrialrus melici (D.melici) có nguồn gốc từ Đông Mexico có thể chống lại vi khuẩn gây bệnh trên người mà không gây hại cho các mô khỏe mạnh. Các nhà nghiên cứu đã hợp tác trong việc xác định các hợp chất quan trọng làm cho nọc độc của bọ cạp D.melici trở thành dược phẩm.

Để lấy nọc độc của bọ cạp, các nhà nghiên cứu đã phải kích thích điện nhẹ vào đuôi của loài bọ cạp này. Sau khi tiếp xúc với không khí, nọc độc màu trong suốt đã chuyển thành màu nâu. Các nhà nghiên cứu đã tiến hành các thử nghiệm khác nhằm phân tích thêm thành phần hợp chất có trong nọc độc. Chỉ với 0,5microliter nọc độc, nhóm nghiên cứu tìm ra cấu trúc phân tử của các hợp chất và xác định rằng chúng là 2 đồng dạng mới của benzoquinone. 2 hợp chất khi được tiếp xúc với không khí, 1 chất chuyển sang màu đỏ và chất kia chuyển sang màu xanh.

Khi tìm được chất benzoquinone trong nọc độc của bọ cạp có thể tiêu diệt các chủng vi khuẩn, các nhà nghiên cứu trong phòng thí nghiệm của GS. Zare đã gửi mẫu của 2 hợp chất mới được phát hiện cho TS. Rogelio Hernández-Pando và các đồng nghiệp của ông tại Viện Khoa học và Dinh dưỡng Quốc gia Salvador Zubirán ở Mexico City để thử nghiệm thêm. Nhóm nghiên cứu ở đây đã phát hiện ra rằng, hợp chất benzoquinone có đặc tính kháng khuẩn cực mạnh, khi cho tiếp xúc với vi khuẩn tụ cầu và vi khuẩn lao trong ống nghiệm, hợp chất này đã tiêu diệt 2 loại chủng vi khuẩn trên nhanh chóng.

Tuy nhiên, nhiều câu hỏi đặt ra là “nếu các hợp chất này đã giết chết vi khuẩn thì có ảnh hưởng đến sức khỏe người bệnh không?” - Câu trả lời là không. GS. Hernández-Pando và các đồng nghiệp đã chứng minh rằng hợp chất màu xanh này giết chết vi khuẩn lao nhưng vẫn giữ nguyên màng phổi ở chuột.

Vẫn còn nhiều bí ẩn

Nhờ có GS. Zare và các đồng nghiệp tổng hợp 2 benzoquinone từ nọc độc của D. melici mà giờ đây các nhà nghiên cứu sẽ có thể tìm cách sử dụng các hợp chất này cho mục đích chữa bệnh. 2 hợp chất mới được xác định có hiệu quả cao chống lại vi khuẩn và khá an toàn sẽ trở thành ứng cử viên lý tưởng cho các loại thuốc và liệu pháp mới trong điều trị bệnh.

Tuy nhiên, nếu chỉ phụ thuộc vào bọ cạp để sản xuất thuốc, không ai có thể mua được bởi nọc độc của bọ cạp là một trong những vật liệu quý nhất trên thế giới. Nó sẽ tốn 39 triệu đô-la để có được 1 gallon nọc bọ cạp. Vì vậy, điều quan trọng là xác định thành phần quan trọng của nọc bọ cạp là gì và có thể tổng hợp chúng và sản xuất chúng.

Trong tương lai, các nhà khoa học sẽ tiếp tục cùng nghiên cứu để tìm ra cách sử dụng D. melici tốt nhất. GS. Zare và GS. Possani cho hay, các hợp chất này có thể không phải là thành phần độc hại của nọc độc. Câu hỏi tại sao 2 hóa chất này lại không có mặt trong nọc độc bọ cạp mà phải có sự tương tác với không khí mới có thể tạo ra các hợp chất có tác dụng chữa bệnh vẫn còn là bí ẩn cần tìm hiểu.


Ngọc Nguyễn
Ý kiến của bạn