Hà Nội

Họp báo vụ 6.700 cây xanh: 21 câu hỏi không được trả lời

20-03-2015 16:28 | Thời sự
google news

Cuộc họp báo kết thúc, phóng viên đứng hết lên yêu cầu ông Hùng trả lời 21 câu hỏi, tuy nhiên ông đã nhanh chân đi ra cửa phòng họp. Các phóng viên ngơ ngác” vì quá bất ngờ trước diễn biến cuộc họp.

Cuộc họp báo kết thúc, phóng viên đứng hết lên yêu cầu ông Hùng trả lời 21 câu hỏi, tuy nhiên ông đã nhanh chân đi ra cửa phòng họp. Các phóng viên ngơ ngác” vì quá bất ngờ trước diễn biến cuộc họp.

Trước luồng dư luận quá nóng, chiều nay (20.3), UBND thành phố Hà Nội đã tổ chức cuộc họp báo về việc cải tạo, thay thế 6.700 cây xanh đô thị trên địa bàn thành phố.

Diễn biến cuộc họp:

15h00, trước khi kết thúc phần phát biểu của mình, ông Hùng đề nghị các cơ quan chức năng của Thành phố trả lời câu hỏi của phóng viên, cụ thể là 21 câu hỏi trong buổi họp báo này. Ông Hùng nhấn mạnh, nếu cơ quan nào không trả lời hết trách nhiệm, phải chịu trách nhiệm trước UBND Thành phố.

Sau câu nói trên của ông Phó Chủ tịch Thành phố, cuộc họp báo kết thúc. Hiện tại các phóng viên đứng hết lên yêu cầu ông Hùng trả lời 21 câu hỏi, tuy nhiên ông đã nhanh chân đi ra cửa phòng họp.

Các phóng viên vẫn tiếp tục nán lại hội trường “ngơ ngác” vì quá bất ngờ trước diễn biến cuộc họp.

Nhà báo Nguyễn Việt Chiến trao đổi với phóng viên sau buổi họp báo

Kết thúc cuộc họp báo, rất nhiều nhà báo vẫn chưa ra về vì còn "ngỡ ngàng". Trả lời phỏng vấn báo chí sau cuộc họp, Nhà báo Nguyễn Việt Chiến (trước là phóng viên báo Thanh Niên - nay đã về hưu) - người từng theo dõi thông tin hoạt động Hà nội nhiều năm cho rằng, cuộc họp báo rất đáng chú ý bởi tại đây ông Phó Chủ tịch Thành phố đã nhận thiếu sót.

"Hôm nay, ông Phó Chủ tịch Nguyễn Quốc Hùng nhận được 21 câu hỏi của phóng viên. Trong đó, có câu hỏi ông Hùng cần phải nghiên cứu thêm tài liệu nhưng cũng có nhiều câu với "tầm" của mình ông dư sức trả lời. "Dù ông Hùng có giao cho các cơ quan chức năng trả lời nhưng xét về tính thời sự tại cuộc họp báo thì ông Hùng đã không trả lời câu hỏi nào. Điều này, làm cho các nhà báo có mặt tại cuộc họp chưa cảm thấy hài lòng", ông Chiến bày tỏ.

14h30, bắt đầu phần hỏi đáp, Hội trường họp báo "nóng lên" bởi rất nhiều cánh tay của phóng viên đưa lên. Phóng viên Dân Việt đặt câu hỏi: "Đến thời điểm này, Thành phố đã chặt hạ bao nhiêu cây? Số cây chặt được đã bán đấu giá chưa? Nếu bán rồi thì được bao nhiêu tiền, chưa bán thì số cây tập kết ở đâu"? Tiếp theo, một số phóng viên hỏi "Phó Chủ tịch Thành phố Hà Nội Nguyễn Quốc Hùng có cảm nghĩ gì khi đi qua các con đường vừa chặt hạ cây và thay thế bằng cây mới?".

Phần hỏi đáp "nóng" với nhiều câu hỏi của phóng viên gửi đến Phó Chủ tịch Thành phố Hà Nội

Buổi họp thu hút rất đông đảo giới truyền thông

Các phóng viên cũng đề nghị Thành phố cho biết, ai phải chịu trách nhiệm trước việc chặt hạ cây vừa qua? Vì sao Hà Nội lại chọn đường Nguyễn Chí Thanh – từng được mệnh danh là đường đẹp nhất Việt Nam để chặt hạ cây.

Trả lời các câu hỏi của phóng viên, ông Nguyễn Quốc Hùng bày tỏ cảm ơn các ý kiến đóng góp. Sau này nếu có các ý kiến, Hà Nội tiếp tục lắng nghe, cầu thị.

Theo ông, Hà Nội được thừa hưởng hệ thống cây xanh và kiến trúc cho cha ông để lại. Do vậy, tất cả mọi người đều có trách nhiệm bảo tồn, phát triển để thế hệ sau tiếp tục thừa hưởng. Cây xanh đặc biệt quan trọng với người dân Thủ đô, đi vào thơ ca, trang sách, tình cảm người dân.

Ông Hùng tiếp tục nói về tầm quan trọng của cây xanh: “Cây xanh là lá phổi của Thủ đô nên phải gìn giữ, chăm sóc”.

Ông cho rằng thay thế cây xanh là chủ trương đúng, cần thiết. Tuy nhiên, ông Hùng lý giải sự thiếu đồng thuận của nhân dân đối với việc chặt hạ cây xanh vừa qua là do người thực hiện chưa cung cấp đầy đủ thông tin đến người dân và sự “nôn nóng của nhà tài trợ”.

Theo ông Hùng, nhiều ý kiến băn khoăn có gì tiêu cực không? Có lợi ích nhóm không? “Tôi khẳng định không có lợi ích nhóm, không có mờ ám ở đây”.

Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội cho rằng, quyết định chưa nhận được sự ủng hộ của người dân là quyết định chưa đúng đắn. Nếu được dân ủng hộ nghĩa là quyết định đúng đắn. Qua sự việc, ông nhận sự thiếu sót về mình và xin “nghiêm túc kiểm điểm”.

Ông Hùng cho biết thêm, việc thu hồi gỗ, đánh chuyển đều theo quy định của pháp luật. Phó Chủ tịch mời các cơ quan báo đài đến những nơi đánh chuyển cây, vườn ươm… để kiểm chứng. Thành phố sẽ tiếp tục xin ý kiến của đông đảo của nhân dân Thủ đô, các nhà khoa học… về những vấn đề quan trọng của Thủ đô.

14h20, thông tin về Kết luận của Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội tại cuộc họp về thực hiện đề án cải tạo thay thế cây xanh đô thị trên địa bàn, ông Nguyễn Thịnh Thành – Người phát ngôn của thành phố cho biết, Chủ tịch Hà Nội yêu cầu dừng chặt hạ, thay thế cây xanh trên một số tuyến phố và quản lý chặt chẽ cây xanh đô thị theo đúng quy định.

Ông Nguyễn Quốc Hùng- Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội chủ trì cuộc họp

Những cây đã hạ chuyển thì trồng ngay cây thay thế theo quy hoạch và chăm sóc, quản lý theo phân cấp và quy định; hoàn thiện hè đường, đảm bảo an toàn giao thông, vệ sinh môi trường và cảnh quan đô thị. Chỉ thay thế những cây có nguy cơ đổ gãy ảnh hưởng đến giao thông, an toàn tính mạng và tài sản của nhân dân.

Đối với những cây cong nghiêng, ảnh hưởng đến mỹ quan đô thị và những cây không đúng chủng loại cây đô thị thực hiện chỉnh trang thay thế từng bước; chỉ thay thế những cây không thể chỉnh trang và duy trì được.

Việc chỉnh trang, trồng bổ sung thay thế cây xanh đô thị phải thực hiện theo đúng quy trình quy định; đồng thời thông tin kịp thời, đầy đủ, công khai minh bạch và tiếp thu ý kiến đóng góp của các chuyên gia, các nhà khoa học, nhân dân, tạo sự đồng thuận trước khi thực hiện.

Việc bảo tồn, cải tạo chỉnh trang, bổ sung và thay thế cây xanh đô thị trên địa bàn Thủ đô là một chủ trương đúng đắn, việc làm cần thiết và hệ trọng, không chỉ trong công tác quản lý, phát triển đô thị mà còn thể hiện mong muốn, tâm tư, nguyện vọng của nhân dân. Sở xây dựng và các đơn vị liên quan phải kiểm điểm nghiêm túc, rút kinh nghiệm trong việc tổ chức thực hiện thời gian vừa qua.

14h10, bắt đầu cuộc họp báo chiều 20.3, Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội Nguyễn Quốc Hùng cho biết, Thành phố luôn lắng nghe ý kiến, kiến nghị của người dân, nhà khoa học... đối với Thủ đô.

Ông Hùng cho hay, vừa qua, Hà Nội cũng luôn lắng nghe, tiếp thu những ý kiến đóng góp của người dân. Sáng 20.3, Chủ tịch UBND Hà Nội ông Nguyễn Thế Thảo đã có cuộc họp và ra kết luận dừng việc chặt hạ cây xanh trên một số tuyến phố.

Hình ảnh tại buổi họp báo vụ chặt hạ 6.700 cây xanh 

 

Vừa qua, sự việc Hà Nội chặt hạ thay thế 6.700 cây xanh trên tuyến phố gây tranh cãi trong dư luận. Nhiều nhà khoa học lên tiếng trong đó có Giáo sư Ngô Bảo Châu, Giáo sư Nguyễn Lân Dũng, Giáo sư GS.TSKH. Đặng Huy Huỳnh...

Nhiều người nổi tiếng cũng chia sẻ băn khoăn trên trang mạng cá nhân của mình về việc chặt cây như nhà thơ Phan Thị Thanh Nhàn, nữ đạo diễn, nhà biên kịch Nguyễn Thị Hồng Ngát, diễn viên, Nghệ sỹ ưu tú Chiều Xuân, ca sỹ Tuấn Hưng, “Giáo sư” Cù Trọng Xoay – Đinh Tiến Dũng... Nhiều cơ quan thông tin đại chúng cũng phản ánh, đăng thư ngỏ gửi Chủ tịch UBND thành phố của ông Trần Đăng Tuấn (nguyên Phó Tổng giám đốc Đài TH Việt Nam)...

Trước băn khoăn của dư luận, ngày 18.3, đại diện Hà Nội đã có ý kiến giải thích lý do vì sao chặt hạ thay thế cây.

Theo đại diện UBND Hà Nội. hiện nay, Hà Nội có khoảng 120.000 cây xanh bóng mát. Hệ thống cây xanh đa dạng với khoảng 70 loài.

Trong đó, nhiều cây cổ thụ được trồng từ thời Pháp thuộc và sau ngày giải phóng Thủ đô đã xuất hiện dấu hiệu sâu mục ở thân, gốc, rễ bị thối, dễ đổ gãy trong mùa mưa bão, nhất là cây xà cừ. Nhiều cây cong, nghiêng, phát triển không đều như phượng, cơm nguội, quếch, bàng, xà xừ, long não… ảnh hưởng đến mỹ quan đô thị, an toàn giao thông, gây nguy hiểm đến tính mạng, tài sản của nhân dân.

Qua rà soát, Hà Nội có khoảng 6.700 cây (tỷ lệ 5,58%) già cỗi, sâu mục, cong nghiêng ảnh hưởng giao thông, cây chết và gần chết, nhiều cây không thuộc chủng loại cây xanh đô thị. Vì vậy, các cây này cần được từng bước thay thế bằng các loài cây phù hợp với quy hoạch phát triển hệ thống cây xanh đô thị đã được phê duyệt.

Trên cơ sở đó, Sở Xây dựng đã đề xuất thành phố cho thay thế 6.700 cây, thời gian thực hiện trong 3 năm (2015-2017), dự tính kinh phí xấp xỉ 60 tỷ đồng.

Ngày 20.3, Chủ tịch Hà Nội yêu cầu dừng chặt hạ, thay thế cây xanh trên một số tuyến phố và quản lý chặt chẽ cây xanh đô thị theo đúng quy định. Chủ tịch Nguyễn Thế Thảo yêu cầu Sở xây dựng và các đơn vị liên quan phải kiểm điểm nghiêm túc, rút kinh nghiệm trong việc tổ chức thực hiện thời gian vừa qua.

 

 

 


Ý kiến của bạn