Họp báo Chính phủ thường kỳ: Ổn định kinh tế vĩ mô phải tiếp tục được đặt lên hàng đầu

05-04-2017 07:48 | Thời sự
google news

SKĐS - Sau khi phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 3/2017 vừa kết thúc, Văn phòng Chính phủ đã tổ chức buổi họp báo thường kỳ tháng 3/2017 và quý I năm 2017.

Sau khi phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 3/2017 vừa kết thúc, Văn phòng Chính phủ đã tổ chức buổi họp báo thường kỳ tháng 3/2017 và quý I năm 2017. Người phát ngôn Chính phủ, Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho biết: Trong bối cảnh kinh tế thế giới tuy có những dấu hiệu khởi sắc nhưng tiềm ẩn nhiều yếu tố bất định, khó lường, kinh tế trong nước còn phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, nhưng với sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, nền kinh tế nước ta diễn biến theo chiều hướng tích cực, có nhiều điểm nổi bật đáng ghi nhận.

Duy trì được tăng trưởng và kiềm chế lạm phát

Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho biết: Kinh tế vĩ mô ổn định, CPI 3 tháng tăng 0,9% (cùng kỳ tăng 0,99%). Tăng trưởng tín dụng cao (đạt 2,81% trong khi cùng kỳ năm 2016 đạt 1,54%). Xuất khẩu tăng mạnh, ước đạt trên 43,7 tỷ USD, tăng 12,8%). Các khu vực nông nghiệp và dịch vụ có mức tăng trưởng cao hơn cùng kỳ (khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản quý I ước tăng 2,03% so với cùng kỳ năm 2016. Khách quốc tế tiếp tục tăng nhanh, đạt trên 3,2 triệu lượt, tăng 29%. Vốn FDI tăng mạnh, đăng ký đạt 7,71 tỷ USD tăng 77,6% (bao gồm cấp mới, tăng vốn và mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài), thực hiện đạt 3,62 tỷ USD tăng 3,4%. Thu ngân sách tăng mạnh, đạt 23,4% dự toán, tăng 13,5% so với cùng kỳ năm 2016. Số doanh nghiệp thành lập mới tiếp tục tăng nhanh (có trên 26,4 nghìn doanh nghiệp thành lập mới, tăng 11,4% về doanh nghiệp và 45,8% về vốn đăng ký), đặc biệt tổng vốn đăng ký tăng thêm gần 600.000 tỷ đồng.Phiên họp thường kỳ Chính phủ tháng 3 và quý I năm 2017.

Phiên họp thường kỳ Chính phủ tháng 3 và quý I năm 2017.

Tuy nhiên, các thành viên Chính phủ cũng cho rằng, tốc độ tăng trưởng GDP chỉ đạt 5,1% là thấp, khu vực nông nghiệp và dịch vụ tăng khá nhưng sản xuất công nghiệp tăng trưởng thấp hơn so với cùng kỳ. Quý I năm 2017, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp tăng 4,1% so với cùng kỳ năm trước, thấp hơn nhiều so với mức tăng của cùng kỳ các năm từ 2012. Nguyên nhân chính là công nghiệp khai khoáng như khai thác dầu sụt giảm mạnh; sản lượng dầu mỏ thô khai thác trong nước giảm 14% so với cùng kỳ; khí đốt thiên nhiên dạng khí giảm 8,9%. Cùng với đó, công nghiệp chế biến, chế tạo vì nhiều lý do khác nhau chưa đạt kế hoạch đề ra.

Xuất khẩu nếu loại trừ yếu tố giá chỉ tăng 6,7%. Giải ngân vốn đầu tư công chậm, quý I chỉ đạt 12,4% dự toán (cùng kỳ 2016 là 16%) và tổng vốn đầu tư toàn xã hội chỉ bằng 32% GDP, thấp hơn cùng kỳ năm 2016 (32,2%).

Trong thời gian tới, Chính phủ thống nhất cho rằng dù còn nhiều khó khăn, thách thức nhưng chúng ta vẫn còn dư địa tăng trưởng lớn trong nhiều lĩnh vực. Cần tiếp tục nỗ lực phấn đấu để kiểm soát lạm phát 4%, tăng trưởng 6,7% và bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế như Nghị quyết của Quốc hội. Phải duy trì được tăng trưởng và kiềm chế lạm phát mới bảo đảm được các cân đối vĩ mô, giải quyết việc làm, thu nhập, bảo đảm đời sống người dân.

Cũng tại phiên họp Chính phủ, Thủ tướng hoan nghênh Bộ Thông tin và Truyền thông đã có thông điệp mạnh mẽ với Google, Facebook và nhấn mạnh quan điểm “ta phải khẳng định chủ quyền, không để họ bỏ qua những yêu cầu của ta, làm ảnh hưởng đến an ninh chính trị, an toàn xã hội”.

Thực hiện các giải pháp nhằm ổn định phát triển kinh tế

Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho biết: Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị cần tiếp tục kiên định, nhất quán mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát và thúc đẩy tăng trưởng. Yêu cầu đặt ra là phải có quyết tâm cụ thể, có sự nỗ lực vượt bậc để đạt mục tiêu tăng trưởng GDP cả năm là 6,7%. Để làm được việc này phải có phản ứng chính sách linh hoạt, nhạy bén, theo dõi sát tình hình để có giải pháp chủ động, kịp thời, cụ thể hơn. Đẩy mạnh tái cơ cấu, nâng cao năng lực của nền kinh tế. Các bộ ngành, địa phương có những giải pháp cụ thể, căn cơ trong từng ngành hàng, lĩnh vực cụ thể để thúc đẩy tăng trưởng. Đặc biệt là làm sao đẩy mạnh thu hút đầu tư xã hội, phân bổ nguồn lực theo tín hiệu thị trường đạt kết quả tốt nhất.

Trước hết, ổn định kinh tế vĩ mô phải tiếp tục được đặt lên hàng đầu. Quan điểm của Chính phủ là vẫn thực hiện tăng trưởng như Nghị quyết Quốc hội đã đề ra nhưng phải là tăng trưởng bền vững, tăng trưởng về sản xuất còn khai khoáng thì ta vừa làm, vừa phải giữ nguồn tài sản quốc gia chứ không vì để đạt tăng trưởng cao. Đẩy mạnh phát triển các mảng khác như phát triển sản xuất công nghiệp, công nghiệp phụ trợ...

Thứ hai, Chính phủ đang quyết liệt trong vấn đề xử lý nợ xấu, xử lý các ngân hàng yếu kém. Chính phủ đã báo cáo Bộ Chính trị và Bộ Chính trị đã giao cho Chính phủ lập ban tái cơ cấu hệ thống ngân hàng, trong đó vấn đề minh bạch vẫn bảo đảm quyền lợi người gửi tiền nhưng phải xử lý công bằng, minh bạch nợ xấu, lãi suất ngân hàng đang quản lý và ổn định lãi suất.

Thứ ba, trong thời điểm hiện nay, hết sức quan tâm đến việc phát triển kinh tế tư nhân vì kinh tế tư nhân là động lực. Năm 2016, những doanh nghiệp đăng ký là 11.000 và 6 tháng đầu năm 2017 dự kiến là 26.500. Đây là những dấu hiệu rất tốt.

Thứ tư, tập trung giải ngân vốn đầu tư. Quý I giải ngân được 42,4%. Đây là việc đang được tập trung chỉ đạo, tháo gỡ các thủ tục liên quan đến vấn đề đầu tư công kèm theo những giải pháp có hiệu quả cao.

Thứ năm, nhanh chóng thoát khỏi hình thức điều hành mang tính sự vụ mà cần tập trung xây dựng những chiến lược.

Theo Bộ trưởng Mai Tiến Dũng, đây là những chủ trương lớn, những giải pháp, nhiệm vụ căn cơ mang tính định hướng, chiến lược dài hơi và xây dựng các kịch bản để tập trung xây dựng các chỉ tiêu, các mặt hàng, các khu vực để tính toán làm sao chủ động trong việc điều hành, đạt mục tiêu Quốc hội đề ra.

Tại buổi họp báo, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng thông báo, Văn phòng Chính phủ đã xây dựng và chính thức đưa vào hoạt động Hệ thống tiếp nhận, trả lời phản ánh, kiến nghị của người dân tại địa chỉ http://nguoidan.chinhphu.vn. Đây là kênh thông tin tương tác mới giữa Chính phủ với người dân do Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ trực tiếp chỉ đạo. Người dân dễ dàng truy cập hệ thống từ máy vi tính, thiết bị di động được kết nối internet để gửi, theo dõi, nhận kết quả trả lời phản ánh, kiến nghị của mình về cơ chế, chính sách, thủ tục hành chính; về hành vi chậm trễ, gây phiền hà hoặc không thực hiện, thực hiện không đúng quy định của cán bộ, công chức, viên chức trong giải quyết thủ tục hành chính.

Thông qua hệ thống, cơ quan hành chính Nhà nước các cấp sẽ tiếp nhận, trả lời những phản ánh, kiến nghị của người dân theo từng lĩnh vực, từng cơ quan xử lý. Đặc biệt, thông qua hệ thống, người dân, doanh nghiệp có thể đánh giá, chấm điểm việc trả lời của các cơ quan chức năng.

Trần Lâm
Ý kiến của bạn
Tags: