Hà Nội

Hỏng tai vẫn trở thành nghệ sĩ dương cầm

21-01-2017 08:00 | Văn hóa – Giải trí
google news

SKĐS -Thí sinh trình diễn nhạc phẩm Beethoven (1770- 1827) hay hơn bản thân Beethoven thời đỉnh cao! Các thành viên Ban Giám khảo Festival Âm nhạc quốc tế Những người bị rối loạn thính giác, nhất trí nhận xét sau phần trình diễn của thí sinh khiếm thính 27 tuổi Grzegorz Plonka.

Sự kiện lần đầu được tổ chức tháng 7/2015 tại Warszawa, Ba Lan. 14 thí sinh từ khắp các lục địa thế giới lọt vào vòng chung kết. Grzegorz trình diễn bản Sonat Ánh trăng. Gần 500 khán giả có mặt trong phòng hòa nhạc mang tên Lutoslawski đồng loạt vỗ tay vang dội.

- Tất cả đều rơi nước mắt - GS.BS. Henryk Skarzynski, Giám đốc Viện Sinh lý học và Bệnh học Thính giác Ba Lan thuật lại.

Bi kịch tiếp nối bi kịch

Bé Grzegorz chào đời thiếu 2 tháng vì lý do bong nhau thai. Các bác sĩ cho bé 2 điểm theo chỉ số Apgar (trẻ sơ sinh hoàn toàn khỏe mạnh được 10 điểm) và buộc phải nằm trong lồng kính nhiều tuần. Grzegorz bị thiếu ôxy trầm trọng, nhiều khuyết tật bẩm sinh, thị lực và thính lực kém.

Xuất viện, bé Grzegorz về nhà, tròn 12 tháng tuổi, bé vẫn trong tình trạng mắt chỉ nhìn thấy lờ mờ mọi vật, gần như không biết nói và khiếm thính, cho dù bé có phản ứng với những âm thanh trầm và nguyên âm. Bác sĩ trấn an gia đình, cháu nghe được, chỉ có điều vì hội chứng tự kỷ, cháu không phản ứng với âm thanh, bởi trẻ tự kỷ sống trong thế giới riêng.

- Năm Grzegorz 18 tháng tuổi, mẹ cháu đột ngột qua đời - bà Malgorzata, mẹ kế của nạn nhân kể - Ngày định mệnh cả gia đình đáp xe hơi lên Warszawa. Giữa đường bất ngờ họ bị chiếc xe tải đi ngược chiều đâm vào. Nếu trong tích tắc, người bố lái xe không kịp nhận ra sự cố và chớp nhoáng túm tay con, bé Grzegorz chắc chắn đã bay qua kính xe mặt tiền. Mẹ cháu tử vong tại chỗ.Grzegorz Plonka

Grzegorz Plonka - “Người không chấp nhận rào cản 2016” say mê với phím đàn dương cầm.

Kế thừa tài năng

Bà Joanna, mẹ Grzegorz là nghệ sĩ dương cầm tài hoa. Bà đã tốt nghiệp Học viện Âm nhạc Krakow. Âm nhạc là sở thích và tình yêu của bà. Trước năm tốt nghiệp Học viện, Joanna sinh con gái Agatka. Đó là ca vượt cạn cơ cực. Con gái bị xuất huyết não và mù một mắt. Quyết quên mình vì con gái xấu số, mẹ trẻ từ bỏ giấc mơ sự nghiệp âm nhạc và sở thích lớn nhất của mình. Tuy nhiên, bà vẫn theo học hết năm cuối đại học và trở thành giáo viên dạy nhạc tại một trường trung học ở Zakopanem, thị trấn miền núi, quê hương chồng. Sau đó người phụ nữ lận đận sinh thêm 2 con trai, Mikolai và Grzegorz.

Trong tất cả kỷ vật của mẹ còn lại sau ngày mẹ qua đời, quan trọng nhất là chiếc đàn dương cầm. Cho dù kỷ vật tưởng nhớ sở thích không được thỏa mãn của mẹ, song nó đã trở thành vật kết nối giữa Grzegorz và mẹ. Tựa như mẹ đã để lại cây đàn, để nó truyền cho con trai tình yêu dành cho âm nhạc của mẹ. Nếu như không có cây đàn, Grzegorz dường như sẽ không đắm đuối với âm nhạc. Nếu như không có tình yêu âm nhạc của mẹ, Grzegorz sẽ không là nhân vật như hôm nay.

Ngày bé Grzegorz bắt đầu chập chững đặt những ngón tay lên phím đàn dương cầm, cậu lặng người lắng nghe từng âm thanh từ bụng đàn vang ra. Thời gian ngắn sau đó, chàng trai say nhạc đặt máy ghi âm tất cả và sau đó bật máy, nghe lại. Đó là những giờ học đầu tiên của học trò yêu nhạc.

- Mỗi khi ngồi vào ghế và bắt đầu gõ phím đàn, tôi cảm nhận tình bạn thân thiết với âm thanh - Grzegorz kể lại - Dường như âm thanh cũng thích tôi, đó là tình bạn với âm thanh. Hình như đối với cây đàn, tôi là nhân vật cần thiết và nó thích, khi tôi chơi đàn.

7 năm thất học vì bị chẩn đoán nhầm tự kỷ

Năm bé Grzegorz 7 tuổi, cậu được Phòng khám tâm lý trị liệu giới thiệu đến Trung tâm Giáo dưỡng trẻ khuyết tật ở Zakopanem. Bác sĩ tâm lý trị liệu thăm khám bệnh nhân nhỏ tuổi khẳng định, Grzegorz mắc hội chứng tự kỷ. Bé trai mê đàn được xếp vào nhóm trẻ thiểu năng trí tuệ nặng và sinh hoạt với các bạn đến năm 14 tuổi.

Mãi đến khi mẹ kế đưa con đến Viện Sinh lý học và Bệnh học Thính giác ở Warszawa kiểm tra sức khỏe, Grzegorz mới may mắn được “giải phóng” khỏi Trung tâm Giáo dưỡng trẻ khuyết tật. Mọi người bàng hoàng, vì các chuyên gia ở đây kết luận, 7 năm trước người ta đã chẩn đoán sai. Grzegorz không bị tự kỷ. Cậu chỉ mắc chứng xúc giác mẫn cảm thái quá và thiểu năng trí tuệ cấp độ nhẹ. Đó là thời điểm bước ngoặt trong cuộc đời Grzegorz.

Nếu như các bác sĩ chẩn đoán chính xác vào thời gian thích hợp, Grzegorz có thể học tập trong trường học bình thường. Mãi đến 14 tuổi, cậu bé mới được nhận máy trợ thính (5 năm sau cấy 1 implant ốc tai) và bắt đầu học nói. Khi ấy mọi người mới vỡ lẽ, cho dù thính giác bị khuyết tật, Grzegorz có tai nghe nhạc hoàn hảo.

- Việc cấy implant ốc tai mang lại hiệu ứng tuyệt vời ngoài sức tưởng tượng, tôi nghe thấy tiếng chim hót. Và liên tục thèm nghe - Grzegorz nhớ lại - Tất cả thay đổi sau khi lắp đặt implant, tất cả đều mới mẻ. Tôi bắt đầu nghe, chơi đùa với âm thanh và đơn giản, tôi “đắm đuối yêu âm nhạc”. Nhờ implant ốc tai, ngày nay tôi có thể nghe thấu cả dàn nhạc giao hưởng, tiếng sáo, những âm thanh cao...

“Beethoven với implant ốc tai”

Bố mẹ tìm trường, nơi con trai của họ có thể học tập, để cùng với thời gian sống tự lập. Nhưng họ chỉ gặp sự hiểu lầm những nhu cầu cá biệt của cậu bé và quyền được dạy theo giáo án riêng của học sinh cá biệt. Grzegorz cũng khao khát phát triển năng khiếu âm nhạc và bắt đầu học có hệ thống kỹ thuật chơi dương cầm. Ở đây chàng trai hiếu học lại vấp rào cản mới, bởi các trường âm nhạc không muốn nhận học trò khuyết tật thính giác và tiếng nói cùng những lỗ hổng trong kiến thức đại cương. Grzegorz thất học buộc phải tự học biểu diễn nhạc phẩm khó: Chương I bản Sonat Ánh trăng của Beethoven.

- Tôi mầy mò tự học bản Sonat Ánh trăng, bởi khi đã bắt đầu nghe, tôi đã nghiện và không thể dứt bỏ - Grzegorz nhớ lại - Tôi rất thích giai điệu mượt mà của nhạc phẩm và tự hạ quyết tâm, phải học bằng được. Tôi đã chứng minh, mình có thể làm được. Tôi quay lại các trường, nơi các thầy đã từ chối và xin phép biểu diễn.

Kỹ năng Grzegorz mày mò tự học đã trở thành “tấm vé vào cửa”, giúp cậu được nhận vào trường nhạc và thực hiện những chương trình biểu diễn đầu tiên trước công chúng. Nhờ bản Sonat Ánh trăng của Beethoven, Grzegorz đã đoạt giải Nhất Festival Âm nhạc quốc tế Những người bị rối loạn thính giác (tháng 7/2015). Và đông đảo người yêu nhạc cổ điển ngưỡng mộ đặt cho Grzegorz biệt danh “Beethoven với implant ốc tai”.

Bất chấp rào cản

28 tuổi, năm qua Grzegorz đã tốt nghiệp trường trung cấp âm nhạc với điểm số xuất sắc. Ước mơ cháy bóng của nghệ sĩ trẻ là: học tiếp. Hàng ngày Grzegorz tập luyện say sưa trên phím đàn, tích cực khám phá lịch sử và lý thuyết âm nhạc. Mở rộng nội dung các chương trình biểu diễn, sáng tác những nhạc phẩm của chính mình và quay phim. Chủ động tham gia nhiều chương trình hòa nhạc. Gần đây, Grzegorz cũng bắt đầu triển khai công việc liên quan đến đĩa nhạc đầu tiên của mình. Anh mong muốn, những sản phẩm bán được sẽ đóng vai trò những viên gạch hỗ trợ nhu cầu đồng loại khuyết tật cùng cảnh ngộ.

Grzegorz Plonka cũng tự học kỹ năng chỉnh đàn dương cầm. Khi xuất hiện thế lực âm mưu đóng cửa trường nhạc dành cho trẻ khuyết tật ở thành phố Krakow, Grzegorz đã quyết liệt đứng ra bảo vệ. Chàng trai vẫn nhấn mạnh, không bao giờ được phép đầu hàng trong cuộc chiến vì sự phát triển của bản thân, quyền tiếp cận giáo dục và mơ ước.

“Người hỏng tai vẫn trở thành nghệ sĩ dương cầm” đã vinh dự được Hiệp hội Những người bạn hòa nhập Ba Lan trân trọng trao phần thưởng cho danh hiệu “Người không chấp nhận rào cản 2016” sau khi anh đăng quang chiến thắng trong cuộc bình chọn trên quy mô toàn quốc.


Vinh Thu
Ý kiến của bạn