Tôi chợt nhớ lại một kỷ niệm bâng khuâng về cái ngày rất xa ấy, cách đây hơn 20 năm, nghe Nhung hát bài Nhớ về Hà Nội (của Hoàng Hiệp) và Người cha (nhạc Pháp) trong đêm thi “Giọng hát hay Hà Nội” lần đầu tiên năm 1987. Cái răng khểnh duyên ngầm của tuổi 17 đã làm rạng rỡ đêm diễn và Nhung đã đoạt giải nhất với số điểm toàn 10 của Ban giám khảo.
Thế rồi chỉ ngay năm sau, cái băng mà tôi đang cầm trong tay đây đã được phát hành. Mặc dù liên tiếp nó được tái bản hoặc sang đĩa nhưng tôi vẫn lưu giữ nó bởi những kỷ niệm về những nỗi niềm da diết, tuôn trào nước mắt của cô ca sĩ nhỏ bé ngày ấy. Và cũng bởi lẽ chỉ ba năm sau, Nhung lại ra đi như một lời chia tay của gió vậy. Mãi gần đây, khi có người nhắc đến ca khúc Lời của gió (của Duy Thái), Nhung bồi hồi: “Những tình cảm với Lời của gió sẽ luôn luôn là kỷ niệm đẹp không chỉ với người hát mà còn với những người đã yêu bài hát ấy”.
Nhung đã đem nỗi Nhớ về Hà Nội vào TP Hồ Chí Minh như một gánh nặng cùng hành trang nghệ thuật cùng với nỗi nhớ người mẹ thân yêu của mình trong cuộc chia ly chẳng thể lý giải nổi. Có nhiều dịp hát lại ca khúc Nhớ về Hà Nội trong những CD khác song thật khó so sánh được nỗi nhớ của tuổi 17 mà Nhung đã để lại dấu ấn sâu đậm trong lòng người nghe. Thế mà mãi tới khi chớm tuổi 24, Nhung mới khẳng định được tài năng thực sự và có chỗ đứng chắc chắn trong đời sống âm nhạc TP. Hồ Chí Minh qua album Chợt nghe em hát (của Lã Văn Cường và Trần Quang Lộc). Trong CD này, Nhung lại thêm một lần thăng hoa với ca khúc Có phải em mùa thu Hà Nội (nhạc Trần Quang Lộc, lời thơ Tô Như Châu) vì cái nỗi nhớ về Hà Nội ngập tràn trong cảm xúc.
Ca sĩ Hồng Nhung. |
Sự nghiệp ca hát của Nhung như diều gặp gió sau những ngày hợp tác với nhạc Trịnh nhưng thực tình những bài hát thực sự thành công vẫn chỉ là những bài về Hà Nội như: Mùa thu Hà Nội, Đoản khúc thu Hà Nội. Những bài hát này nhiều người thấy ấn tượng hơn cả những bài của Trịnh viết tặng riêng Nhung như: Bống Bồng ơi, Bống không là Bống và Thuở Bống là người. Ngay khi hát Đóa hoa vô thường mà Nhung rất tâm đắc cũng vẫn bị khô vì quá nắn nót. Càng về sau, Nhung mới ngộ ra hát nhạc Trịnh luôn luôn phải giản dị, tính triết lý phải toát ra từ trong tâm khảm và sâu lắng hơn. Nhưng mọi điều vẫn ở thì tương lai. Hiện tại thì đúng là Nhung chỉ hát những ca khúc về Hà Nội, hay tác phẩm có màu sắc Hà Nội mới lay động lòng người. Bởi lẽ nỗi Nhớ về Hà Nội thường đau đáu và day dứt trong tâm hồn nghệ sĩ đầy đam mê của Nhung.
Những năm gần đây, nhiều người nói Nhung sính làm đẹp và lấy cái điệu đà, tài hoa nhằm giao lưu và gây ấn tượng để lấn át đi những nhược điểm trong giọng hát “về già” của mình. Ngẫm có phần chưa hẳn đúng vì Nhung hát nghiêng về phần mộc, dịu dàng và lấy cảm xúc trào dâng trong tâm hồn làm cốt cách thanh nhạc của mình. Song còn tùy bài, tùy tâm trạng đêm diễn, bởi không phải lúc nào Nhung hát cũng hay, nhất là khi cái điệu đà bỗng dưng vượt trội lấn át cảm xúc. Ngoài đời cũng vậy, có người nói Nhung khôn khéo, nhưng thật khó ngờ chính Nhung cũng tự bạch: “Hồng Nhung nghĩ mình là người phụ nữ khôn khéo và thông minh. Nhưng thế nào là thông minh? Thông minh là không bao giờ nghĩ mình là duy nhất...”.
Giờ đây Nhung đã lập Công ty “Bống Production” của mình và bỏ đi cái răng khểnh làm nên duyên. Nhung sẽ giã từ cuộc chơi? Không! Sẽ chẳng xảy ra điều đó. Sự nghiệp của Nhung còn dài ở phía trước, nhưng tất cả vẫn chỉ còn lại những ca khúc về Hà Nội đọng lại trong lòng người nghe. Tất nhiên sau sản phẩm Vì ta cần nhau, chắc Nhung sẽ còn thiết kế nhiều dự án âm nhạc mới lạ khác. Song nhiều người nghe vẫn muốn Nhung trở về “Khu vườn yên tĩnh” của mình. Người viết bài này cũng vậy, rất hy vọng nỗi Nhớ về Hà Nội luôn luôn dâng đầy trong tất cả những show xuyên Việt của Nhung sắp tới. Bởi tôi vẫn nhớ tới cô bé 15 tuổi ngày nào đứng trong tốp ca Họa Mi, có cái tên Hồng Nhung, cất lời ca trong trẻo vút bay trong bài hát Diều ơi bay lên của Nguyễn Cường. Và, đó cũng chính là giai điệu tình yêu Hà Nội tha thiết trong tâm hồn tôi, qua giọng hát Hồng Nhung cùng vang lên suốt hơn 20 năm qua.
|