Hồng hoa và những bài thuốc quý của Đông y

23-06-2015 18:00 | Y học cổ truyền
google news

Hồng hoa có vị cay, tính ấm, quy kinh Tâm và Can, có công dụng: thông kinh ứ trệ, trị bế kinh, sản dịch sau khi sinh không xuống được...

Hồng hoa có tên khoa học là Carthamus tinctorius L, họ Cúc (Asteraceae). Cây thảo cao hơn 1m, thân nhẵn, đứng thẳng, có vạch dọc, trên có phần cành. Lá mọc so le gần như không có cuống, bẹ; đầu chót nhọn như gai, mép có răng cưa nhọn không đều, mặt lá trơn màu xanh sẫm, gân chính giữa lồi cao. Cụm hoa gồm nhiều hoa nhỏ, màu đỏ cam, đẹp, họp lại thành gù hình đầu, ở ngọn và chót cành, lá bắc có gai. Hoa có ống dài hình tên, trên có 5 cánh đỏ như tua sợi, hoa cái giữa có nhụy vàng, kết quả vào dưới ống. Quả bế hình trứng có 4 cạnh lồi. Mùa hoa tháng 6 - 8, mùa quả tháng 8 - 9. Thường được trồng vào mùa xuân ở Hà Giang. Thu hái đầu mùa hè, khi hoa đang nở, cánh hoa đang chuyển từ vàng sang đỏ thì bắt đầu thu hái. Khi sơ chế thì thường để nơi thoáng gió và nơi có ánh nắng cho khô, hoặc phơi trong dâm cho khô là được. Không nên phơi trực tiếp ngoài nắng để khỏi biến màu.

Trong hoa của hồng hoa thường có carthamin, palmitic acid, oleic acid, linoleic acid.

Một số bài thuốc thường dùng:

Trị bệnh phụ khoa: rối loạn kinh nguyệt, kinh bế, sau khi sinh nhau không xuống, dùng bài:

- Hồng hoa tửu: hồng hoa 10g sắc với rượu, ngày uống 3 lần, trị đau bụng kinh.

- Hồng hoa 3g, ích mẫu thảo 15g, sơn tra 10g sắc uống trị sau khi sinh nhau máu xấu không ra hết.

Hồng hoa là hoa phơi hay sấy khô của cây hồng hoa

Hồng hoa là hoa phơi hay sấy khô của cây hồng hoa

Trị đau sưng do chấn thương ngoại khoa:

- Hồng hoa, đào nhân, sài hồ, đương quy đều 10g, đại hoàng 8g sắc uống.

Trị loét hành tá tràng:

- Hồng hoa 60g, đại táo 12 quả sắc với 300ml nước sạch còn 150ml, hòa với 60g mật ong. Mỗi ngày uống 1 lần.

Trị loét thành tá tràng:

- Dùng hồng hoa 60g, đại táo 12 quả cho nước 300ml, sắc còn 150ml lọc cho mật ong 60g trộn đều mỗi ngày uống nóng 1 lần, ăn táo uống liền 20 thang. Trị 12 ca đều khỏi (1985,4: 4,20).

Trị viêm da thần kinh:

Dung dịch hồng hoa phong bế trị 70 ca; khỏi 25 ca, tốt 35 ca, không kết quả 10 ca. Tỉ lệ kết quả 85,7% (Tân y học 1974).

Trong y học cổ truyền, hồng hoa và đào nhân có tác dụng giống nhau nhưng cách dùng có chỗ phân biệt như sau:

Hồng hoa và đào nhân đều khứ ứ, thông kinh, tiêu thũng, chỉ thống.

Nhưng hồng hoa là chất nhẹ thăng lên, chạy ra ngoài đưa tới đỉnh cao, thông kinh, đạt lạc; nên là thuốc khí dược trong huyết. Nếu huyết ứ tại kinh và ở bên trên thì nên dùng ngay. Nó còn kiêm dưỡng huyết. Tang hồng hoa so với hồng hoa thì lực mạnh hơn, lực dưỡng huyết càng tốt hơn, còn có tính giải độc.

Đào nhân là chất trọng trầm xuống, thiên vào bên trong chạy xuống hạ tiêu, sở trường phá huyết ứ phù tạng, kiêm nhuận trong thông tiện.

BS. NGUYỄN DUY TÀI


Ý kiến của bạn