Tối ngày 1/3 vừa qua, diễn viên Hồng Ánh lại giành chiến thắng với Giải thưởng Nữ diễn viên chính xuất sắc nhất trong bộ phim truyện nhựa Trăng nơi đáy giếng tại Lễ trao giải Cánh diều Vàng 2008. Một lần nữa, tên tuổi của chị tiếp tục khẳng định ở nước nhà. Trước đó, vào những ngày cuối năm ngoái, chị đã vinh dự đoạt giải Nữ diễn viên chính xuất sắc nhất tại LHP Quốc tế Dubai lần thứ 5.
Sau khi xem bộ phim Trăng nơi đáy giếng, dư luận có khá nhiều ý kiến khác nhau. Chị nghĩ sao về điều đó?
Mỗi người có sự cảm nhận theo từng góc độ khác nhau. Tôi thừa nhận bộ phim này mang nhiều màu sắc tâm linh với mong muốn gợi mở nhiều điều cho người xem hơn là những gì họ cảm nhận được từ cuộc sống. Ở vào hoàn cảnh của cô giáo Hạnh trên phim, có thể có người sẽ chọn giải pháp là kết liễu cuộc đời mình, có người chọn cuộc sống hạnh phúc nhưng ở một thế giới khác, hoặc có người quyết tâm bứt khỏi bi kịch đó để làm lại cuộc đời.
Hồng Ánh trong phim Trăng nơi đáy giếng. |
Còn với những ý kiến cho rằng câu chuyện này hơi khiên cưỡng và thực tế hiếm có những người phụ nữ như cô Hạnh thì quả thực ban đầu khi đọc kịch bản, tôi cũng có những suy nghĩ như vậy. Tôi đồng ý đây là một câu chuyện không mới nhưng không hề khiên cưỡng vì nó hoàn toàn có thật. Như câu chuyện ngoài đời của anh Hoàng Cao Đề - người đóng vai thầy giáo Phương - chồng của tôi ở trong phim, anh là người con trai duy nhất sinh trưởng trong một gia đình gốc Huế. Vợ chồng anh chỉ sinh được hai cô con gái nên gia đình bên nội sẵn sàng đồng ý nếu anh muốn có thể cưới thêm một cô vợ khác để sinh bằng được cậu cháu đích tôn. Câu chuyện này xảy ra vào năm 2007, khi tôi đang tham gia làm phim Trăng nơi đáy giếng.
Chị có biết thêm điều gì về những nguyên mẫu ngoài đời thực không?
Tôi không có điều kiện được tiếp xúc trực tiếp với những nguyên mẫu. Nhưng tôi được biết cho đến bây giờ, cô Hạnh và thầy Phương vẫn còn sống, riêng cô Thắm thì vừa mới qua đời cách đây không lâu. Mọi người kể rằng thầy Phương ở ngoài đời nhìn phong độ và đẹp hơn nhiều so với nhân vật chồng cô Hạnh trong phim. Còn cô Hạnh nguyên mẫu nhìn gầy gò, ốm yếu và nhỏ người hơn tôi nhiều. Thú thực, tôi sẽ rất tiếc nếu bị hụt vai cô Hạnh trong bộ phim này, vì tôi biết trước đó có rất nhiều diễn viên đã đến casting.
Với tư cách là một nhà phê bình khá khó tính, anh Sơn - chồng chị sau khi xem Trăng nơi đáy giếng có nhận xét gì về vai diễn của chị?
Anh ấy nhận xét rằng tôi vượt qua được giữa ranh giới của diễn xuất, diễn mà như không. Theo anh, dạng vai này rất khó diễn nhưng tôi đã làm tròn vai.
Đám cưới trắng của Hồng Ánh - Thanh Sơn ở Phan Thiết với khách mời là những "gương mặt không thể thiếu" rất thân của hai vợ chồng đã gây ấn tượng đặc biệt cho mọi người tới tham dự, khiến ai cũng có những kỷ niệm để kể lại cho người khác. Có ý kiến cho rằng anh chị muốn "chơi trội"?
Mỗi người nghĩ "chơi trội" theo cách của riêng mình. Nếu đám cưới của chúng tôi được tổ chức linh đình ở một khách sạn 5 sao nào đó với số lượng khoảng năm, sáu chục bàn cộng với số tiền lên tới hàng tỷ đồng và có một chiếc nhẫn cưới ấn tượng gắn một viên kim cương hoành tráng mới gọi là chơi trội! Tôi nghĩ nếu tổ chức một đám cưới ấn tượng để cô dâu chú rể và những người bạn thực sự vui vẻ, lại văn minh và tiết kiệm, biết đâu đây có thể sẽ là một đám cưới kiểu mẫu cho nhiều bạn trẻ sau này. Bởi trước đó một tháng, chúng tôi đã làm tròn bổn phận với gia đình bằng đám cưới chính thức ra mắt hai bên họ hàng ở chùa Hoằng Pháp. Còn chúng tôi muốn có một ngày vui đúng nghĩa với những người bạn rất thân mà không phải vướng vào những thủ tục bắt buộc của gia đình nên ý tưởng về đám cưới trắng đã thành hình và không quá tốn kém như suy nghĩ của nhiều người.
Đám cưới Hồng Ánh - Thanh Sơn. |
Chị nhận thấy cuộc sống sau hôn nhân của mình như thế nào?
Nó cho mình mục đích sống và những ước mơ lớn hơn khi còn độc thân. Chúng tôi quan niệm sống, làm việc và kiếm tiền để phục vụ những ước mơ của mình, chứ không phải sống để làm nô lệ cho đồng tiền. Chúng tôi cảm thấy vui và hạnh phúc mỗi khi được cùng nhau dọn dẹp nhà cửa, cùng nhau chia sẻ một bộ phim, hoặc đọc được một quyển sách hay.
Anh chị thường đem lại cho nhau những bất ngờ như thế nào trong cuộc sống?
Tôi là người không khéo trong việc đem lại những bất ngờ thú vị trong cuộc sống và anh Sơn cũng vậy. Có thể anh Sơn đọc được một quyển sách hay, sẽ mua và viết vào trang đầu một vài câu đề tặng tưởng chừng như rất mang tính phê bình. Sau đó, anh cất chúng lên kệ sách của nhà. Một vài tháng sau, khi tôi có nhu cầu tìm một quyển nào đó để đọc thì vô tình sẽ thấy quyển sách mới mà có những lời đề tặng của chồng. Cho tới bây giờ tôi không nhớ chính xác từng lời đề tặng ấy nhưng tất cả đều rất ấn tượng với tôi, rất độc đáo và không giống ai.
Thời gian biểu trong ngày của chị có gì khác so với thời điểm chưa lấy chồng?
Ồ, hoàn toàn không có gì thay đổi. Có chăng trước đây, vì công việc tôi có thể ăn qua quýt ngoài đường nhưng bây giờ tôi ý thức được phải có trách nhiệm với một người nữa. Hết việc, tôi chỉ muốn về nhà để chăm chút cho tổ ấm của mình. Thỉnh thoảng, hai vợ chồng muốn thay đổi không khí thì có thể đi ăn ngoài tiệm.
Chị có phải hy sinh nhiều mối quan hệ và giảm bớt công việc để chăm lo cuộc sống gia đình hiện tại?
Chắc chắn là tôi bị mất đi quyền được nhiều người tán tỉnh (cười). Còn ngoài ra tôi thấy mình nhận được nhiều hơn vì bản thân anh Sơn là một người rất thoải mái. Anh ấy không hề ràng buộc tôi với bất kỳ một công việc gì và tôi cũng vậy. Có thể trước đây tôi được phép tự do gào thét và tập tành trong căn phòng của riêng mình bất kể giờ nào, nhưng bây giờ tôi chỉ có thể làm như vậy những lúc anh Sơn đi vắng.
Trần Linh (thực hiện)