Hơn trăm tuổi cầu Long Biên

23-02-2010 14:17 | Văn hóa – Giải trí
google news

Cầu Long Biên là loại đồng hoá, mục đích khoa trương trình độ kỹ thuật của văn minh Pháp, xây dựng từ những năm 1898-1903. Đó là chiếc cầu dài nhất châu Á thời đó, mang tên Toàn quyền Doumer.

Từ ngày Hà Nội có nhiều cầu hiện đại qua sông Hồng (còn gọi sông Cái) thì cầu Long Biên (trước là Doumer) do Pháp xây dựng chỉ dành cho người đi bộ, xe thô sơ.

 

Một buổi sáng mùa xuân, tôi cùng giáo sư Mỹ D.Jardine đi bộ qua cầu. Trong màn sương nhẹ, ít người và xe cộ qua lại, một khoảng thời gian thư giãn, tránh cái náo nhiệt thành phố, chúng tôi lẳng lặng đi bên nhau. Anh Jardine đột nhiên hỏi tôi:

- Anh đã từng sống qua nhiều giai đoạn lịch sử, anh đã qua cầu nhiều lần, anh có cảm tưởng gì đáng ghi nhận về một lần nào đó?

Tôi tần ngần một lúc rồi nói:

- Tôi có hai cảm tưởng trái ngược. Không hiểu sao, khi anh hỏi, tôi chợt nhớ đến mấy câu thơ của Lý Bạch: Quân bất kiến Hoàng Hà chi thuỷ thiên thượng lai... (Bạn có thấy nước sông Hoàng Hà từ trời đổ xuống.)/Bôn lưu đáo hải bất phục hồi (Chảy ra khơi cuồn cuộn chẳng quay về?)... Có lẽ vì tuổi cao nên ngậm ngùi thế sự, khi nhìn xuống chân cầu, nước cuồn cuộn chảy về xuôi. Nhưng khi nhìn lên xa tít thượng lưu phía nguồn, thì cảm thấy dâng lên trong lòng một niềm tự hào và biết ơn tổ tiên, ở thiên kỷ trước Công nguyên, đã xây dựng nền văn hoá sông Hồng, văn hoá Đông Sơn, văn hoá lúa nước khu vực sông Hồng, sông Mã. Rồi từ khi Lý Thái Tổ dời đô về Thăng Long, biết bao sự kiện lịch sử xảy ra...

Chúng tôi im lặng đi một quãng dài. Tôi hỏi:

- Còn anh? Tại sao anh đặc biệt chú ý đến cầu Long Biên?

- Tôi đi nhiều, hay tìm hiểu các thành phố. Mỗi đô thị thường có mẫu số chung, nhưng mỗi đô thị lại có một tính cách riêng, một câu chuyện riêng để kể, qua một vật biểu trưng nào đó. Đối với tôi, cầu Long Biên và bối cảnh của nó có thể coi là hình ảnh của thủ đô thu gọn qua ba thời kỳ của lịch sử Việt Nam hiện đại.

- Lớp đầu, hẳn là thời kỳ thuộc Pháp?

- Dĩ nhiên rồi! - Jardine cười - Đô thị hoá Hà Nội là một thể nghiệm của chủ nghĩa thực dân Pháp muốn tạo ra một thành thị thuộc địa lý tuởng về kiến trúc và tổ chức xã hội. Thể nghiệm có hai chính sách: đồng hoá để biến Việt Nam thành một mảnh của lãnh thổ Pháp, y như Pháp. Hai là: liên hiệp hai nước trên cơ sở hợp tác, vẫn bảo tồn văn hóa Việt Nam, dĩ nhiên hai chính sách đều phục vụ "mẫu quốc". Hai chính sách này thể hiện rõ nét trong kiến trúc thuộc địa Hà Nội: Nhà hát lớn và Phủ Toàn quyền thể hiện chính sách đồng hóa, tạo một góc Paris trong Hà Nội. Bảo tàng L. Finot, nay là Bảo tàng lịch sử, (kiến trúc sư Hébrard) là một mẫu liên hiệp, kết hợp phong cách Đông - Tây. Cầu Long Biên là loại đồng hoá, mục đích khoa trương trình độ kỹ thuật của văn minh Pháp, xây dựng từ những năm 1898-1903. Đó là chiếc cầu dài nhất châu Á thời đó, mang tên Toàn quyền Doumer.

- Thực ra - tôi nói - chính sách thuộc địa Pháp ở Việt Nam không nhất quán. Vì vậy, đồng hoá hay liên hiệp thay đổi từng giai đoạn do chính sách đối nội hay đối ngoại của "mẫu quốc"... Thôi, ta sang giai đoạn II của cầu Long Biên?

- Theo tôi, Jardine giải thích, giai đoạn II là từ khi Việt Nam độc lập 1945, cây cầu khẳng định thủ đô một nước độc lập nên mang tên Long Biên. Các sự kiện Giải phóng quân từ chiến khu Việt Bắc về Hà Nội, rồi giải phóng Thủ đô 10/10/1954, tên lính Pháp cuối cùng rút ra khỏi cầu, đến cuộc chiến tranh phá hoại, Mỹ ném 860.000 tấn bom, ý nghĩa chính trị của cây cầu được khẳng định mạnh hơn nữa...

Qua giữa cầu, chúng tôi ngừng lại ở nơi bom đã ném trúng, Jardine nói:

- Mãi đến 11/8/1967, cầu mới bị thiệt hại đáng kể khi bị 100 tấn bom ném xuống. Lập tức cầu được chữa bằng ván và tre. Rồi làm cầu treo, cầu phao đi tạm cho tới tháng 4/1968 mới chữa xong. Mỹ cứ ném bom, Việt Nam cứ chữa cầu. Sự việc có ý nghĩa thông điệp về ý chí sắt đá chống ngoại xâm và thống nhất đất nước. Năm 1972, báo Mỹ Time Magazine đã dẫn lời tướng Giáp "Chúng tôi sẽ là những người duy nhất ngăn người Mỹ ở thế kỷ XX!".

Tôi hỏi: "Theo anh, cái gì là đặc trưng cho giai đoạn thứ III của cây cầu?"

- Cầu vẫn còn ảnh hưởng lớn đến môi trường xã hội và kinh tế một vùng quanh cây cầu và sinh hoạt thủ đô. Nhưng Long Biên đâu còn uy thế như xưa, nay chỉ dành cho khách bộ hành, xe máy, xe đạp. Theo tôi biết, còn là nơi bọn nghiện hút trú ẩn và một số dân sống ngoài lề (marginal) ban ngày hoạt động ở ngay  dưới gầm cầu trên đê. Cũng thuộc tầng lớp ấy, còn phải kể đến những vạn chài và những người buôn bán hai bờ sông, hàng ngày đưa hoa quả rau thịt vào chợ Long Biên. Cầu cũng là nơi thanh niên hò hẹn, họ mệnh danh là Bến Thượng Hải, còn Hồ Tây là Bến Hàn Quốc - Zardine cười.

Tôi thật sự ngạc nhiên:

- Anh quả đã thành thổ công Hà Nội!

- Nghe nói đang có dự án tôn tạo lại cầu, có thể làm cầu mới song song cầu cũ. Phí tổn nghe nói lên đến 80 triệu euro, chính phủ Pháp góp một nửa. Theo tôi, nó chỉ phục hồi nguyên vẹn như cầu Doumer thời Pháp mà không thể hiện được ba giai đoạn lịch sử, thật đáng tiếc!         

Hữu Ngọc


Ý kiến của bạn