Hồn thiêng xứ Mường

07-10-2011 14:08 | Văn hóa – Giải trí
google news

Theo trí nhớ truyền đời của nhiều mo làng ở Mường Bi - xứ Mường lớn nhất trong 4 Mường (huyện Tân Lạc, Hòa Bình) thì tiếng cồng chiêng là những âm thanh “thần bí”

Theo trí nhớ truyền đời của nhiều mo làng ở Mường Bi - xứ Mường lớn nhất trong 4 Mường (huyện Tân Lạc, Hòa Bình) thì tiếng cồng chiêng là những âm thanh “thần bí” phát ra khi vô tình chạm vào các nhũ đá trong hang động, lâu dần được con người chế tác và hoàn thiện thành nhạc cụ bằng kim loại như bây giờ.

Tích xưa kể lại, khởi nguồn của cồng chiêng là những âm thanh “thần bí” phát ra khi vô tình chạm vào các nhũ đá trong hang động, lâu dần được con người chế tác và hoàn thiện thành nhạc cụ bằng kim loại như bây giờ. Bí quyết để tạo nên sức hấp dẫn cho thứ âm thanh vừa vang, vừa ngọt, vừa trong, vừa ấm nằm ở đôi tay của người thợ. Từ khâu pha chế đồng đến khâu đúc thành một chiếc chiêng đồng có độ vang ngân đẹp là cả một nghệ thuật dân tộc độc đáo, đủ để mỗi người thợ được ca ngợi như một nghệ nhân.

Một dàn cồng chiêng đủ bộ của người Mường gồm mười hai chiếc, tượng trưng cho mười hai tháng trong năm và trọn một vòng quay xuân - hạ - thu - đông của đất trời. Người Mường đặt tên chiêng theo số thứ tự từ chiêng mốt đến chiêng mười hai (căn cứ theo kích thước, độ cao âm lượng) và chia thành ba nhóm: bốn chiêng dàm (theo thứ tự từ chiêng chín đến chiêng mười hai, kích thước lớn, âm phát ra thuộc khu trầm trong dàn chiêng, còn gọi là chiêng khầm), bốn chiêng bồng (từ chiêng năm đến chiêng tám, kích thước trung bình, âm phát ra thuộc khu giữa trong dàn chiêng, còn gọi là chiêng bôồng bêênh), bốn chiêng tlé (từ chiêng một đến chiêng bốn, kích thước nhỏ, âm phát ra thuộc khu vực âm cao nhất trong dàn, còn gọi là chiêng chót, chiêng poỏng hoặc chiêng lóng). Mười hai chiếc chiêng tạo ra mười hai âm sắc riêng biệt, đồng thời hợp thành một dàn cồng chiêng độc đáo với những bản hoà âm đã đi vào lịch sử của xứ Mường. Cồng chiêng theo phường bùa mang may mắn đầu năm đến tận cửa mọi nhà. Cồng chiêng chúc phúc cho đôi uyên ương trong ngày cưới. Cồng chiêng thành kính đưa người về cõi “Mường ma”. Cồng chiêng thúc giục nhà nhà đến chia vui lễ cơm mới... Gắn liền với sinh hoạt của người Mường từ xưa đến nay, cồng chiêng luôn được coi là linh hồn của vùng “đẻ đất, đẻ nước”.

Ngày xưa, người Mường phải khấn bái lễ nghi cẩn trọng rồi mới mang “chiêng thần” ra đánh. Tiếng chiêng là hồn phách của xứ Mường, vang khắp rừng, khắp núi ngân lên sức sống của người Mường, tiếng chiêng linh thiêng như lời sấm dậy, trở thành vật thiêng tượng trưng cho sự phồn thịnh của xã hội Mường...

 Cồng chiêng là nét văn hóa độc đáo của người Mường.

Trước đây, ở Mường Bi hầu như nhà nào cũng có cồng chiêng. Nó được giữ gìn và trở thành vật gia bảo truyền đời. Dẫu vậy, không gian văn hóa cồng chiêng ở Mường Bi đã có những lúc tưởng như mai một. Khi cuộc sống khó khăn, phần lớn số cồng chiêng quý giá đó đã trở thành vật mua bán, đổi chác. Vì thế, Mường Bi đã mất đi hàng nghìn, hàng vạn chiếc chiêng quý. Đáng mừng là khi cuộc sống đã qua thời kỳ khó khăn, nhiều nhà đã tìm mua lại những chiếc chiêng quý vốn trở thành món hàng hóa khi xưa.

Đến nay, theo thống kê, toàn huyện có khoảng hơn 500 chiếc cồng chiêng. Với số lượng ấy, Mường Bi đã dần khôi phục lại không gian văn hóa cồng chiêng đã từng bị mai một. Từ đây, có thể nói, một không gian âm nhạc, văn hóa lại tiếp tục thăng hoa. Một thứ âm thanh không chỉ đơn thuần phát ra từ một loại nhạc khí, mà đã trở thành thứ âm thanh mang hồn linh thiêng của núi rừng; là ngôn ngữ giao tiếp của con người với thế giới siêu nhiên, thứ âm thanh được thần thánh hóa để “nối” cõi thực với cõi vĩnh hằng của ngàn đời. Thứ âm thanh của xứ Mường vang vọng giữa đất trời.    

  Bài và ảnh:Trọng Hùng


Ý kiến của bạn