Mỹ đứng đầu thế giới về số ca nhiễm SARS-CoV-2
Mỹ đã vượt Trung Quốc và trở thành nước có số ca nhiễm COVID-19 cao nhất thế giới với 83.206 ca. Bỏ xa Trung Quốc, Mỹ được coi là ổ dịch lớn nhất thế giới. Số ca tử vong tại Mỹ là 1.201 ca. Theo nghiên cứu của Đại học Y khoa Washington, số lượng bệnh nhân nhập viện dự kiến sẽ đạt đỉnh trên toàn nước Mỹ vào tuần thứ hai của tháng 4 , mặc dù đỉnh điểm của dịch bệnh ở một số bang có thể đến sau. Số người tử vong vì virus SARS-CoV-2 có thể vẫn tiếp tục vào cuối tháng 7, các nhà nghiên cứu cho biết.
Trong bối cảnh đó, theo hãng thông tấn AP, đã có gần 3,3 triệu người Mỹ nộp đơn xin trợ cấp thất nghiệp vào tuần trước - gấp gần 5 lần mức từng xảy ra ở Mỹ vào năm 1982.
Theo các chuyên gia kinh tế dự báo, tỷ lệ thất nghiệp của Mỹ có thể lên tới 13% vào tháng 5 , trong khi tỷ lệ thất nghiệp cao nhất trong cuộc Đại suy thoái năm 2008 và kết thúc vào năm 2009, là 10%.
Mỹ lo ngại số ca nhiễm COVID-19 tăng cao
Cơ quan y tế Trung Quốc tiếp tục lo ngại về các ca nhiễm bệnh mới từ nước ngoài
Theo Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc cho biết, đến cuối ngày 26/3 có ít nhất 54 trường hợp mắc bệnh COVID-19 mới từ nước ngoài , thấp hơn so với ngày 25/3 ghi nhận 67 trường hợp. Đáng chú ý, ở Vũ Hán, không có trường hợp mới mắc nào , số người tử vong là 5 trường hợp. Tính đến thời điểm này, Trung Quốc không còn là quốc gia đứng đầu thế giới chịu ảnh hưởng nặng của dịch COVID-19 với số tử vong tính đến nay chỉ 3.292 người .
Hiện nay Trung Quốc cũng đã ban hành lệnh cấm tạm thời đối với người nước ngoài đến nước này trừ một số đối tượng như nân viên ngoại giao.
Tử vong tại nhà dưỡng lão chiếm 1/3 số người mắc bệnh COVID-19 ở Tây Ban Nha
Theo tin từ mạng Cadena Ser , đến nay có tổng cộng 1.307 người cao tuổi ở các viện dưỡng lão của Tây Ban Nha đã chết vì COVID-19, chiếm khoảng 1/3 tổng số người tử vong trên toàn Tây Ban Nha.
Chỉ riêng ở khu vực Madrid, các ca tử vong tại nhà dưỡng lão đã lên tới 855 người kể từ khi dịch bệnh khởi phát. Nhà dưỡng lão tập trung rất đông những người cao tuổi, đây là đối tượng có nhiều căn bệnh nền, bệnh mãn tính, nguy cơ tử vong rất cao nếu nhiễm thêm COVID-19.
Chính phủ Tây Ban Nha cho biết họ vẫn đang thu thập dữ liệu từ tất cả các khu vực về các trường hợp tử vong ở viện dưỡng lão. Chính quyền khu vực Madrid cho biết đây vẫn chưa phải là báo cáo từ “dữ liệu chính thức”, cơ quan này sẽ cập nhật và thông báo chính thức tới người dân.
Lực lượng quân đội, cảnh sát đã được huy động để phòng chống dịch bệnh COVID-19
Ấn Độ công bố gói cứu trợ trị giá 23 tỷ USD để giúp đỡ người nghèo bị phong tỏa bởi COVID-19
Ấn Độ đã công bố kế hoạch kích thích kinh tế trị giá 22,6 tỷ USD, cung cấp dịch vụ chuyển tiền trực tiếp và đảm bảo các biện pháp an ninh lương thực, cứu trợ hàng triệu người nghèo bị phong tỏa trên toàn quốc để chống lại đại dịch COVID-19.
Gói kích thích này được công bố 2 ngày sau khi Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi ra lệnh phong tỏa toàn quốc trong 21 ngày để bảo vệ 1,3 tỷ dân Ấn Độ khỏi dịch bệnh COVID-19. Lệnh phong tỏa trên ở đất nước có dân số lớn hàng đầu thế giới này đã gây ra những hạn chế về nguồn cung đối với các mặt hàng thiết yếu và khiến người dân đổ xô đi mua bán tích lũy lương thực, giá cả các mặt hàng thiết yếu bị đội lên rất cao . Tình trạng này ảnh hưởng nhiều tới người nghèo và người lao động chân tay.
Iran vừa đối phó dịch bệnh, vừa nhận “đòn” trừng phạt từ Mỹ
Trong khi Iran (quốc gia bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 nặng nhất ở Trung Đông) đang phải vật lộn với sự lây lan của đại dịch COVID-19, Mỹ đã gây thêm áp lực kinh tế quốc gia này khi công bố một lệnh trừng phạt mới đối với hơn chục cá nhân Iran và 5 công ty.
Các biện pháp trừng phạt đã được Bộ Tài chính Mỹ công bố sau thông tin cựu đặc vụ FBI Robert Levinson, đã tử vong khi đang bị giam trong nhà tù ở Iran, mặc dù Iran đã bác bỏ hoàn toàn thông tin này. Phía Tehran khẳng định ông Robert Levinson đã biến mất khỏi nước Cộng hòa Hồi giáo này từ tháng 3/2007.
Putin của Nga đề xuất dỡ bỏ lệnh trừng phạt đối với hàng hóa thiết yếu
Tại Hội nghị thượng đỉnh G20 được tổ chức bằng hình thức trực tuyến (video), đây là hội nghị thượng đỉnh trực tuyến đầu tiên trong lịch sử.
Hội nghị thượng đỉnh trực tuyến của Nhóm Các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) đã khai mạc tối 26/3 (theo giờ Việt Nam), nhằm thảo luận về cách ứng phó dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 đang hoành hành trên toàn cầu, đẩy thế giới vào nguy cơ suy thoái. Saudi Arabia - nước hiện đang giữ chức Chủ tịch G20 - cho biết các nhà lãnh đạo thuộc khối này sẽ "thúc đẩy sự hợp tác của toàn cầu trong các nỗ lực đẩy lùi đại dịch COVID-19 cũng như những tác động của dịch bệnh này đối với nhân loại và nền kinh tế."
Tại hội nghị, Tổng thống Nga Vladimir Putin cho biết, các nước cần có kế hoạch chung để hỗ trợ nền kinh tế trong bối cảnh dịch COVID-19 và ông đã đề xuất một lệnh cấm đối với các biện pháp trừng phạt liên quan đến hàng hóa thiết yếu.
Tổng thống Putin cũng đề xuất tạo ra một quỹ đặc biệt dưới sự kiểm soát của Quỹ Tiền tệ Quốc tế để chống lại sự lây lan của virus nguy hiểm này.
Trước đó, Nội các Nga đã trình lên Duma Quốc gia (Hạ viện) một dự luật để chính phủ có quyền áp đặt tình huống cảnh giác cao và tình trạng khẩn cấp ở Nga, kể cả trong trường hợp dịch bệnh.
Nga cũng đưa ra mức phạt nếu vi phạm các quy định vệ sinh dịch tễ gây lây lan SARS-CoV-2 trong sửa đổi Luật vi phạm hành chính của LB Nga, theo đó, nếu công dân khỏe mạnh vi phạm chế độ cách ly và gây tổn hại cho sức khỏe người khác, mức phạt sẽ từ 15.000-300.000 rúp. Chức sắc phải đối mặt với mức phạt từ 50.000-300.000 rúp. Đối với các pháp nhân, số tiền phạt sẽ từ 200.000-1 triệu rúp trong trường hợp vi phạm nhiều lần. Với người Nga nhiễm virus vi phạm cách ly có thể phải chịu trách nhiệm hình sự.
9 bác sĩ tử vong vì nhiễm COVID-19 ở Philippines
Theo Hiệp hội y khoa của Philippines, 9 bác sĩ ở Philippines đã qua đời sau khi bị nhiễm COVID-19. Philippines là một trong những quốc gia ảnh hưởng nặng bởi dịch COVID-19, đứng sau Malaysia, Thái Lan, Indonesia với 707 trường hợp mắc bệnh, đã có 45 người tử vong.
Hiệp hội Y khoa Philippines cho biết, do nước này thiếu trang thiết bị bảo hộ cho nhân viên y tế, và các y bác sĩ phải làm việc trong môi trường có nguy cơ cao nhiễm bệnh. Họ chính là lực lượng ở tuyến đầu ngăn chặn dịch bệnh.