Hôn nhân cùng huyết thống: Một nguyên nhân hủy hoại các triều đại phong kiến

25-04-2009 08:37 | Thời sự
google news

Ở một số triều đại phong kiến, phong tục kết hôn cùng huyết thống được xem là một cách để gìn giữ sự trong sạch cho dòng máu hoàng tộc và là một trong những nguyên tắc nhằm duy trì quyền lực hoàng gia trong tay những người cùng huyết thống.

Ở một số triều đại phong kiến, phong tục kết hôn cùng huyết thống được xem là một cách để gìn giữ sự trong sạch cho dòng máu hoàng tộc và là một trong những nguyên tắc nhằm duy trì quyền lực hoàng gia trong tay những người cùng huyết thống. Tuy nhiên, người ta không ngờ rằng: chính phong tục cổ hủ này lại là nguyên nhân dẫn tới sự hủy diệt.

 Phả hệ triều đại Hapsburg.

Hapsburg là một triều đại phong kiến từng thống trị hàng trăm năm tại châu Âu. Trong suốt hơn 500 năm, triều đại Hapsburg từng cai trị khắp vùng lãnh thổ, các quốc gia lớn như: Áo, Hungary, Bỉ, Hà Lan, Đức ngày nay. Song điều gì đã khiến cho cả một triều đại lớn như vậy bị sụp đổ và các thế hệ kế thừa quyền lực bị hủy hoại một cách bí ẩn như vậy? Đi tìm nguyên nhân sự sụp đổ của triều đại phong kiến lớn nhất này, các nhà khoa học đã phát hiện ra rằng: những thế hệ thừa kế ngai vàng của triều đại Hapsburg đã lần lượt mắc phải những căn bệnh kỳ lạ có liên quan đến hiện tượng đột biến gen xuất hiện do quan hệ hôn nhân cùng huyết thống.

Những quan hệ hôn nhân cùng huyết thống kể trên ngày nay được biết đến là những quan hệ mang tính "loạn luân" giữa anh chị em ruột, hoặc giữa cha mẹ và con cái. Nghiên cứu gia phả dòng họ hoàng tộc Hapsburg, các nhà khoa học nhận thấy những quan hệ này đã kéo dài hàng trăm năm trong gia đình vua Charles II và đã để lại một hệ quả đau lòng là sự suy giảm thể chất dần dần diễn ra ở những thế hệ sau.

Vua Charles II còn có tên gọi khác là El Hechizado là người nối dõi cuối cùng của triều đại Hapsburg. được biết ông mắc phải ít nhất là hai căn bệnh lạ liên quan đến yếu tố gen. Thực chất là kết quả của hiện tượng bị lỗi gen trong quá trình diễn ra sự thụ thai của các cá thể cùng huyết thống của các thế hệ trước. Mặc dù vậy, theo đúng nguyên tắc của hoàng tộc, vua Charles vẫn phải cưới vợ là chị em ruột trong gia đình hoàng tộc. Kết quả là những đứa con của ông đều bị chết khi còn rất trẻ bởi cùng một căn bệnh di truyền kỳ lạ.

Trong suốt thời gian tồn tại của triều đại Hapsburg, đã có hơn 3.000 thành viên trong gia đình, với hơn 16 thế hệ đều được sinh ra từ quan hệ hôn nhân cùng huyết thống. Hệ số giao hợp cùng huyết thống (inbreeding coefficient) được dùng để xác định tỷ lệ giữa số lượng gen di truyền mà thế hệ sau "kế thừa" được so với số lượng gen ở các cặp bố mẹ kết hôn cùng huyết thống. Theo giáo sư Gonzalo Alvarez - người đứng đầu nhóm nghiên cứu tại trường đại học Santiago de Compostela - Tây Ban Nha, thì việc hệ số quan hệ cùng huyết thống cao chính là nguyên nhân gây ra tỷ lệ tử vong cao cho những đứa trẻ được sinh ra trong hoàng tộc. Ngoài ra, đây cũng là nguyên nhân khiến cho những đứa trẻ được sinh ra có tỷ lệ bị dị hình, dị dạng khá cao. Một trong những biến dạng mà các thành viên trong gia đình Hapsburg bị mắc phải có tính chất di truyền đó là chứng biến dạng mà các nhà khoa học đặt tên là "Hapsburg lip" (một chứng biến dạng khiến cho hàm dưới của miệng bị nhô ra và phát triển nhanh hơn hàm trên).

Theo gia phả dòng họ Hapsburg, thì cha của vua Charles - vua Philip IV cũng đồng thời là chú của mẹ Charles. Còn ông nội của Charles - vua Philip II - lại đồng thời là chú của bà nội Charles. Chính quan hệ hôn nhân cùng huyết thống này đã khiến cho chứng bệnh Hapsburg lip di truyền từ đời này sang đời khác trong hoàng tộc và ngày càng trở nên nghiêm trọng.

Vua Charles II không chỉ bị mắc chứng Hapsburg lip, mà lưỡi của ông cũng bị biến dạng và to hơn rất nhiều so với kích cỡ bình thường của miệng. Sự biến dạng này khiến cho Charles gặp khó khăn trong việc nói, ăn uống...

Nó khiến cho nhà vua đồng thời mắc phải tật bị chảy nước dãi liên tục không thể kiểm soát. Ngoài ra, theo nghiên cứu của giới khoa học, kích thước hộp sọ của nhà vua cũng bị biến dạng thành quá cỡ, chân tay bị phù nề. Ông cũng thường xuyên có những biểu hiện bất thường về thể chất ngay từ khi mới được sinh ra, chẳng hạn như khi lên 8 tuổi, nhà vua mới bắt đầu biết đi và trong suốt cuộc đời mình, ông luôn bị ám ảnh bởi chứng ảo giác.

Một kết quả khác do giáo sư Alvarez và các đồng nghiệp của ông đưa ra cho thấy: vua Charles II đã nhận được hai gen bị lỗi và gây bệnh di truyền, bao gồm gen kiểm soát sự cân bằng hormon và gen khác gây bệnh về thận khiến cho cơ thể bị suy yếu, các cơ quan và bộ phận trong cơ thể bị suy giảm các chức năng thông thường.

 Tính từ đời của vua Philip I, hệ số giao hợp cùng huyết thống (inbreeding coefficient) đã đạt mức 0,025. Điều này có nghĩa là 2,5% gen của vua Phillip I sẽ được di truyền cho đời sau. Sau 200 năm và qua 7 thế hệ, hệ số này đã tăng gấp 10 lần. Hệ số cùng chung huyết thống ở đời vua Phillip II đã  đạt đến mức 0,25. Và kết quả là trong số 4 gen di truyền ở Phillip II thì lại có 1 gen được truyền lại cho đời tiếp theo. Trong đó không ngoại trừ cả gen bị lỗi và gen gây bệnh. Như vậy, nguy cơ mắc các căn bệnh nguy hiểm liên quan đến gen càng gia tăng ở những đời sau.

Ngọc Minh (Theo The Times, 15/4/2009)


Ý kiến của bạn