COVID kéo dài có thể gây hậu quả lâu dài
Cho đến nay, 236 triệu người trên toàn thế giới đã có chẩn đoán mắc COVID-19 và nhiều người đã gặp các vấn đề sức khỏe cả về thể chất và tâm thần kéo dài trong 6 tháng hoặc lâu hơn.
Tác giả nghiên cứu, Tiến sĩ Paddy Sentongo, Phó giáo sư thuộc Đại học Park (Mỹ), cho biết: "Gánh nặng về suy giảm sức khỏe ở những người sống sót sau mắc COVID-19 là rất lớn. Trong số này có những rối loạn về sức khỏe tâm thần. Cuộc chiến của một người với COVID-19 không kết thúc bằng việc hồi phục sau giai đoạn cấp tính".
Để hiểu rõ thêm, nhóm nghiên cứu đã phân tích tổng quan 57 nghiên cứu bao gồm hơn 250.000 người lớn và trẻ em chưa được tiêm chủng có chẩn đoán mắc COVID-19 từ tháng 12/2019 đến tháng 3/2021. Hầu hết (79%) bệnh nhân đang sống ở các nước có thu nhập cao.
Các bệnh nhân được đánh giá sau 1 tháng (ngắn hạn), 2-5 tháng (trung hạn) và 6 tháng trở lên (dài hạn) sau điều trị. Nhìn chung, 50% số ca có các triệu chứng COVID-19 kéo dài và tỷ lệ này duy trì từ 1 tháng đến 6 tháng hoặc kéo dài hơn kể từ khi bị mắc bệnh.
Kết quả cũng cho thấy, hơn một nửa số ca bị sụt cân, mệt mỏi, sốt hoặc đau nhức. Khoảng 1/5 số ca bị giảm khả năng vận động. Gần 1/4 số ca gặp khó khăn trong khả năng tập trung. Khoảng 1/3 có chẩn đoán mắc chứng rối loạn lo âu lan tỏa (GAD). Trung bình, cứ 10 người thì 6 người có bất thường về chẩn đoán hình ảnh lồng ngực. Hơn 1/4 số ca có vấn đề về hô hấp và gần 1/5 số ca bị rụng tóc hoặc phát ban.
Đau ngực và đánh trống ngực ở các bệnh nhân là các triệu chứng liên quan đến tim phổ biến nhất, và đau dạ dày, chán ăn, tiêu chảy và nôn là những tình trạng rối loạn tiêu hóa thường gặp nhất.
Can thiệp sớm và tiêm phòng là giải pháp quan trọng
Vernon Chinchilli, chuyên gia y tế công cộng thuộc Trường đại học y Penn State (Mỹ), đồng tác giả nghiên cứu, cho biết: "Kết quả nghiên cứu này đã xác nhận những gì mà các cán bộ y tế và những bệnh nhân sống sót sau mắc COVID-19 đã mô tả, đó là những tác động tiêu cực đến sức khỏe liên quan tới tình trạng "COVID kéo dài".
Theo nhóm nghiên cứu: "Trong khi các nghiên cứu trước đây tìm hiểu về mức độ phổ biến của các triệu chứng COVID-19 kéo dài, thì nghiên cứu này đã xem xét nhiều triệu chứng hơn với nhóm dân số lớn hơn, bao gồm những người ở các quốc gia có thu nhập cao, trung bình và thấp. Do đó, chúng tôi tin rằng những phát hiện của nghiên cứu là đáng tin cậy dựa trên dữ liệu sẵn có".
Các nhà khoa học cho rằng: "Can thiệp sớm đóng vai trò rất quan trọng để cải thiện chất lượng cuộc sống cho nhiều người sống sót sau mắc COVID-19.
Trong đó, tiêm phòng là cách tốt nhất để tránh nguy cơ nhiễm SARS-CoV-2 và giúp giảm tỷ lệ bị tình trạng "COVID kéo dài" ngay cả khi chẳng may bị tình trạng "lây nhiễm đột phá", đó là tình trạng bị nhiễm virus khi đã được chủng ngừa đầy đủ".
Mời xem video được quan tâm:
Bộ Y Tế Hướng Dẫn Phân Loại, Phạm Vi Và Tiêu Chí Đánh Giá Cấp Độ Dịch