Tại Việt Nam thường có tỷ lệ bệnh nhân mắc bệnh trĩ nhiều hơn những nước Âu Mỹ. Các bác sĩ cho biết: Nguyên nhân chính xác gây nên bệnh trĩ hiện nay chưa được xác định rõ. Bệnh trĩ thường được phát triển ở những bệnh nhân có các yếu tố thuận lợi mà làm tăng áp lực trong trực tràng gây chèn ép vào hệ thống tĩnh mạch vùng hậu môn, làm cản trở máu tĩnh mạch trở về và do đó máu tĩnh mạch đọng lại và tĩnh mạch giãn ra tạo thành búi trĩ.
"Búi trĩ này sẽ to dần lên và thòi ra ngoài nếu những yếu tố này tiếp diễn. Hầu hết tất cả những bệnh nhân mắc bệnh trĩ đều chịu đựng một thời gian rất lâu trước khi tìm kiếm sự hỗ trợ của bác sĩ chuyên khoa"- BS. Khánh cho hay.
Ngày nay có nhiều phương pháp điều trị bệnh trĩ hiệu quả và ít đau. Những bệnh nhân bị bệnh trĩ nặng thường phải điều trị bằng thủ thuật hoặc phẫu thuật. Phẫu thuật cắt trĩ – cắt bỏ những phần mô, búi trĩ gây chảy máu, và thòi ra ngoài. Tùy vào điều kiện của từng cơ sở y tế mà có thể dùng những loại dụng cụ khác nhau để thực hiện phẫu thuật. Phẫu thuật thường được thực hiện khi bệnh nhân được gây tê (tê tại chỗ, tê tuỷ sống) hoặc gây mê.
Trĩ là bệnh khá phổ biến ở người dân. Ảnh minh hoạ.
Theo các chuyên gia hậu môn - trực tràng, các phương pháp phổ biến để điều trị bệnh trĩ hiện nay có:
– Thắt trĩ bằng vòng cao su – phương pháp này có hiệu quả đối với búi trĩ nội nhỏ và sa ra ngoài khi đại tiện (độ I,II). Một cái vòng cao su nhỏ được đặt vào gốc búi trĩ, ngăn cản máu vào búi trĩ và cắt đứt búi trĩ. Búi trĩ và vòng cao su sẽ rụng và rời ra ngoài trong khoảng vài ngày. Vết thương thường sẽ liền sau đó 1-2 tuần. Thủ thuật này thỉnh thoảng gây cho bệnh nhân khó chịu, hoặc chảy ít máu, và thường phải thực hiện nhiều lần để đạt được kết quả điều trị tốt.
– Tiêm xơ búi trĩ – có thể được sử dụng ở những búi trĩ chảy máu và thường không thòi ra ngoài khi đại tiện (trĩ nội độ 1). Phương pháp này thường không đau và nó làm cho búi trĩ xơ cứng lại.
– Mổ trĩ bằng máy cắt nối (phương pháp LONGO) – kỹ thuật mổ này sử dụng máy cắt nối đặc biệt cắt và nối niêm mạc vùng hậu môn trực tràng. Phương pháp này giúp búi trĩ được kéo lên vào trong hậu môn, và teo dần đi, nó không thể cắt bỏ những búi trĩ ngoại. Phương pháp này thường đau hơn là thắt vòng cao su hay tiêm xơ, nhưng lại ít đau hơn nhiều so với phương pháp cắt trĩ cổ điển.
– Cắt trĩ – phẫu thuật cắt bỏ những búi trĩ – là phương pháp có thể cắt bỏ triệt để cả trĩ nội và trĩ ngoại. Phương pháp này được chỉ định khi các cục máu đông hình hành liên tục trong búi trĩ ngoại (tắc mạch). Bệnh nhân thất bại điều trị bằng phương pháp thắt vòng cao su. Trĩ sa ra ngoài nhiều gây cản trở sinh hoạt, không đẩy lại vào trong được (trĩ độ III,IV). Trĩ chảy máu nhiều, mà điều trị nội khoa và thủ thuật thất bại
BS. Khánh khuyến cáo: Khi người bệnh xuất hiện những dấu hiệu như chảy máu khi đại tiện; Xuất hiện các khối thòi ra ngoài khi đại tiện; ngứa vùng hậu môn; đau; Xuất hiện những khối cứng nhỏ ở rìa hậu môn, hãy gặp bác sĩ chuyên khoa hậu môn trực tràng để được tư vấn, khám và điều trị bệnh hiệu quả.
Theo PGS.TS Nguyễn Thị Lâm - Nguyên Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia, chế độ dinh dưỡng đóng góp nhiều đến vấn đề phát sinh bệnh trĩ. Chế độ ăn không hợp lý, mất cân đối trong thời gian kéo dài là nguyên nhân gây ra bệnh trĩ.
Để dự phòng căn bệnh này, chuyên gia dinh dưỡng khuyến cáo người dân nên quan tâm lựa chọn những thực phẩm tự nhiên có nhiều chất xơ bình thường và chất xơ hòa tan. Một số thực phẩm cần ưu tiên như các loại rau nhiều chất nhớt (như mồng tơi, rau đay, đậu bắp...); các loại quả chín có tác dụng nhuận tràng (như đu đủ chín, chuối chín...); ngũ cốc nguyên hạt (như gạo lứt, gạo nảy mầm nhiều chất xơ hòa tan...) giúp hấp thụ nước trong đường ruột, giúp nhuận tràng, đẩy phân ra ngoài, ngăn ngừa táo bón và hạn chế bệnh trĩ.
Và đặc biệt, uống đủ nước cũng là vấn đề cần lưu tâm, nhất là các cháu học sinh vận động nhiều cần phải bổ sung thêm nước, trung bình cần 1,5-2 lít nước mỗi ngày - bác sĩ tư vấn.