Hơn hai thập niên nỗ lực 'giải cứu' bờ biển Hội An khỏi sạt lở

28-08-2023 21:17 | Xã hội

SKĐS - Sau khi xây dựng nhiều tuyến đê ngầm để bảo vệ, bờ biển Cửa Đại đã dần hồi sinh nhưng sạt lở lại “chạy” về phía bãi An Bàng, Thịnh Mỹ… khiến chính quyền địa phương phải tiếp tục đầu tư nối dài tuyến đê này.

Suốt gần hai thập niên qua, chính quyền và người dân TP Hội An (Quảng Nam) đã dành nhiều công sức, tiền bạc để giải cứu cho bờ biển khỏi bị xâm thực, sạt lở. Hàng trăm tỷ đồng được đầu tư để xây dựng hệ thống kè, đê bao nhưng "cuộc chiến" với tự nhiên vẫn diễn ra khốc liệt khi "bịt ở đàng này thì sạt lở lại xảy ra ở đàng kia".

Mới đây, UBND tỉnh Quảng Nam đã ban hành quyết định phê duyệt dự án đầu tư xây dựng công trình chống xói lở và bảo vệ bền vững bờ biển Hội An (Quảng Nam) với tổng mức đầu tư 982 tỷ đồng.

Mục tiêu của dự án là đầu tư xây dựng giải pháp công trình tổng thể nhằm chống xói lở và bảo vệ bền vững bờ biển Hội An, đáp ứng nhu cầu cấp thiết về ổn định chỗ ở và phát triển kinh tế của cộng đồng dân cư khu vực dự án.

Đây là công trình đầu tư có số vốn lớn nhất từ trước đến nay để bảo vệ bờ biển Hội An trước tình trạng xâm thực, sạt lở.

Trước đó, địa phương này cũng đã chi ra hàng trăm tỷ đồng để xây dựng các tuyến đê ngầm dài hơn 2 km và hút 600.000 m3 cát đổ vào để "hồi sinh" bãi biển Cửa Đại. Nhưng khi khu vực này có đê ngầm bảo vệ thì sạt lở lại "di chuyển" về phía bắc đến bờ biển Thịnh Mỹ, An Bàng.

Hơn hai thập niên nổ lực “giải cứu” Cửa Đại khỏi sạt lở - Ảnh 1.

Những năm qua, bờ biển Hội An đối diện với tình trạng sạt lở nghiêm trọng. Nhiều nhà hàng, khách sạn dọc biển thuộc phường Cửa Đại và khu vực lân cận đã bị sóng đánh sập. Ảnh chụp năm 2022.

Hơn hai thập niên nổ lực “giải cứu” Cửa Đại khỏi sạt lở - Ảnh 2.

Để "giải cứu" Cửa Đại, chính quyền Quảng Nam đã thực hiện dự án xây dựng đê ngầm dài hơn 1.500 m, hút 600.000 m3 cát đổ vào, tạo bờ biển. Ảnh chụp ngày 27/8/2023

Hơn hai thập niên nổ lực “giải cứu” Cửa Đại khỏi sạt lở - Ảnh 3.

Sau khi được đầu tư xây dựng tuyến đê ngầm, bờ biển khu vực Cửa Đại dần hồi sinh nhưng tình trạng sạt lở lại lan ra phía Bắc, hướng biển An Bàng lại bị sạt lở, xâm thực mạnh hơn.

Hơn hai thập niên nổ lực “giải cứu” Cửa Đại khỏi sạt lở - Ảnh 4.

Bờ biển Hội An dài 7,5 km với nhiều bãi tắm như Cửa Đại, Thịnh Mỹ, An Bàng. Thời gian gần đây, tình trạng xâm thực ở bãi tắm Thịnh Mỹ, An Bàng diễn ra nghiêm trọng, nhiều khu vực bị nước biển lấn sâu hơn 30m.

Hơn hai thập niên nổ lực “giải cứu” Cửa Đại khỏi sạt lở - Ảnh 5.

Để giữ bờ biển không bị nước biển "ngoạm", nhiều doanh nghiệp đã tổ chức đóng cọc, dừng hàng rào để ngăn sạt lở.

Hơn hai thập niên nổ lực “giải cứu” Cửa Đại khỏi sạt lở - Ảnh 6.

Mỗi khu vực lại chọn một phương án chống xâm thực riêng, nhưng biện pháp rẻ nhất và được lựa chọn nhiều nhất là đóng cọc tre, dựng hàng rào để ngăn cát bị cuốn trôi.

Hơn hai thập niên nổ lực “giải cứu” Cửa Đại khỏi sạt lở - Ảnh 7.

Việc đầu tư bờ kè dạng đóng cọc, rào tre cũng chỉ mang tính chất tạm thời, bởi chỉ cần qua 2-3 mùa mưa bão, sóng biển sẽ đánh tan những hệ thống bảo vệ đơn sơ này.

Hơn hai thập niên nổ lực “giải cứu” Cửa Đại khỏi sạt lở - Ảnh 8.

Những tường rào bằng tre và bao cát không thể ngăn cản sự xâm lấn của sóng biển.

Hơn hai thập niên nổ lực “giải cứu” Cửa Đại khỏi sạt lở - Ảnh 9.

Từ năm 2010 đến 2020, Quảng Nam đã chi ra hàng trăm tỷ đồng để thực hiện các dự án xây dựng, bao kè, chống sạt lở bờ biển nhưng chưa thực sự mang lại hiệu quả. Trong đó có nhiều dự án phải "đứng bánh" giữa chừng vì thiếu vốn.

Hơn hai thập niên nổ lực “giải cứu” Cửa Đại khỏi sạt lở - Ảnh 10.

Từ tháng 6/2020, Quảng Nam bắt đầu xây dựng các tuyến đê ngầm bằng bê-tông cốt thép chạy song song với mặt biển với mục tiêu cứu các bờ biển bị xói lở.

Hơn hai thập niên nổ lực “giải cứu” Cửa Đại khỏi sạt lở - Ảnh 11.

Những tuyến đê ngầm chắc chắn này đã phát huy vai trò của mình trong việc ngăn chặn sự xâm thực nhưng đòi hỏi sự đầu tư lớn.

Hơn hai thập niên nổ lực “giải cứu” Cửa Đại khỏi sạt lở - Ảnh 12.

Theo quyết định của Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam ngày 4/8 thì địa phương này sẽ triển khai xây dựng tuyến đê ngầm giảm sóng dài khoảng 2.090m, mỏ hàn dài khoảng 1.490m, bãi tắm rộng 60m, đổ cát nuôi bãi ở cuối dự án phía bắc (khu vực bờ biển Thịnh Mỹ, An Bàng).

Bờ biển khu vực Cửa Đại bị sạt lở nặng nề sau cơn bão số 4 tháng 9/2022.



Tấn Tài
Ý kiến của bạn