Hà Nội

Hơn 95% dân số thế giới đang phải hít thở bầu không khí độc hại

06-06-2019 06:00 | Thời sự
google news

SKĐS - Khoảng 6,5 triệu người tử vong sớm mỗi năm do ô nhiễm không khí, hơn 95% dân số thế giới đang phải hít thở bầu không khí độc hại, và nền kinh tế toàn cầu thiệt hại 5.000 tỷ USD mỗi năm do ô nhiễm không khí.

“Ô nhiễm không khí”  là chủ đề của Ngày Môi trường thế giới 5/6 năm nay nhằm kêu gọi tất cả các quốc gia, cộng đồng và xã hội cùng hành động để cải thiện chất lượng môi trường không khí ở tất cả các thành phố và khu vực trên toàn thế giới.

Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), ô nhiễm không khí là “thủ phạm giấu mặt” gây ra khoảng 6,5 triệu ca tử vong sớm trên thế giới, trong đó, 91% ở các nước nghèo và đông dân ở Đông Nam Á và Tây Thái Bình Dương. Trung Quốc và Ấn Độ là hai quốc gia đứng đầu danh sách ô nhiễm môi trường, chiếm 50% số ca tử vong do ô nhiễm không khí trên toàn cầu.

Ô nhiễm không khí là sự thay đổi trong thành phần của không khí. Chủ yếu do khói, bụi, hơi hoặc các khí độc gây ra tình trạng biến đổi khí hậu, ảnh hưởng xấu đến sức khỏe con người hay có thể phá hỏng môi trường tự nhiên của nhiều loài sinh vật khác. Ô nhiễm không khí là nguyên nhân gây nguy cơ đột quỵ, suy nhược thần kinh, bệnh tim mạch, ung thư, cùng hàng loạt các bệnh về đường hô hấp như hen suyễn, viêm phổi, thậm chí ung thư phổi ngày càng tăng cao.


Các đô thị lớn đang phải đối mặt với tình trạng ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.

Không chỉ các quốc gia đang phát triển, những quốc gia phát triển và quan tâm đến môi trường như châu Âu, Mỹ cũng đang chứng kiến hàng chục nghìn cái chết mỗi năm do ô nhiễm không khí. Các nạn nhân bị ảnh hưởng nhiều nhất do tình trạng ô nhiễm này là trẻ em, chủ nhân tương lai của Trái Đất. Ô nhiễm không khí có quan hệ trực tiếp với bệnh viêm phổi và các bệnh về hô hấp khác, gây ra 10% cái chết của những trẻ em dưới 5 tuổi trên toàn thế giới.

Ô nhiễm không khí được chia làm hai dạng, gồm ô nhiễm không khí ngoài trời và ô nhiễm không khí trong nhà. Trong đó, ô nhiễm không khí ngoài trời là tác nhân chính gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường và sức khỏe con người ở các nước phát triển và đang phát triển, cướp đi sinh mạng của 4,2 triệu người mỗi năm (theo WHO). Theo các tổ chức quốc tế, mặc cho nhận thức về môi trường sống và ô nhiễm không khí ngày càng được cải thiện tại các đô thị lớn, tình hình ngày càng trầm trọng. Nguyên nhân là do dân số những khu vực đô thị tăng quá nhanh, khiến các nỗ lực giảm thiểu ô nhiễm không khí chỉ như "muối bỏ bể".

Dữ liệu mới nhất được khảo sát từ 2.000 thành phố lớn cho thấy, tại các vùng tập trung đông dân cư, mức độ ô nhiễm tăng cao với sự xuất hiện những làn khói bụi độc hại cấu thành từ khói thải của các loại phương tiện giao thông, bụi bẩn từ các công trường, khói độc từ các nhà máy điện và việc đốt củi, than ở các hộ gia đình. 2/3 thế giới đang phải hứng chịu nạn ô nhiễm khủng khiếp với chỉ số hạt bụi PM2.5 cao trên mức 35 µg/m3 khí, chủ yếu tại châu Á, Trung Đông và châu Phi.

Không chỉ tồn tại ở ngoài trời, nhân loại còn phải đối mặt với ô nhiễm không khí trong nhà, nguyên nhân tử vong của khoảng 3,8 triệu người trên toàn thế giới mỗi năm, tương đương 7,7% cái chết trên toàn cầu. Các nguồn gây ô nhiễm này bao gồm khói thuốc lá, khói than, củi, các hóa chất có trong sơn hoặc các sản phẩm làm sạch, khí máy lạnh và một số chất có trong vật liệu xây dựng.

Nhiều nghiên cứu gần đây chỉ ra rằng ô nhiễm không khí trong nhà nghiêm trọng hơn ngoài trời. Do cấu trúc khép kín của ngôi nhà hoặc những tòa nhà, dòng không khí trong lành sẽ bị hạn chế làm chất lượng không khí kém đi. Trong khi đó, có tới 80% hoạt động của con người diễn ra trong nhà. Theo các báo cáo, khoảng 800.000 trẻ em dưới 5 tuổi nằm trong số 2 triệu người chết bởi mắc các bệnh về hô hấp do ô nhiễm không khí trong nhà.

Ô nhiễm không khí đã và đang là một thách thức lớn đối với cộng đồng và toàn thế giới. Quyền được hưởng một môi trường trong lành là quyền con người được ít nhất 155 quốc gia thống nhất thông qua các văn kiện, hiệp ước toàn cầu. Đảm bảo môi trường trong nhà luôn sạch sẽ và giảm thiểu gây ô nhiễm không khí ngoài trời với những lựa chọn sống xanh là cách để mỗi người có thể thực hiện để tự bảo vệ sức khỏe cho bản thân, gia đình cũng như Trái Đất này.

 

Theo nhiều chuyên gia môi trường, bụi trong không khí có nhiều loại, có thể là bụi vô cơ hoặc bụi hữu cơ; ở những môi trường đô thị, mật độ giao thông đông nên bụi hữu cơ rất nhiều.

Đây là kết quả của việc đốt cháy nhiên liệu động cơ của các phương tiện giao thông, sản sinh ra nhiều tạp chất cacbon, sunphua, nitơ, lưu huỳnh và các hợp chất kim loại như chì… phát tán vào môi trường nên vô cùng độc hại.

Bụi PM 2.5 là những hạt bụi li ti lơ lửng trong không khí có kích thước 2,5 micron trở xuống (nhỏ hơn khoảng 30 lần so với sợi tóc người) được hình thành từ các chất như cacbon, sunphua, nitơ và các hợp chất kim loại; bụi có khả năng luồn lách vào phổi và tĩnh mạch phổi, gây nên nhiều căn bệnh chết người.
Bác sĩ Nguyễn Ngọc Hồng, Trưởng khoa Bệnh Phổi nghề nghiệp - Bệnh viện Phổi trung ương, cho biết cơ chế tác động của những chất ô nhiễm trong không khí tới sức khỏe chủ yếu qua tiếp xúc với bụi hay môi trường ô nhiễm, lúc đó cơ thể sẽ có phản ứng ho kích ứng, hắt hơi giống triệu chứng cảm cúm.

Những chất này khi vào cơ thể, nhẹ thì gây kích ứng như hắt hơi, sổ mũi, còn trong trường hợp nặng có thể khiến con người có phản ứng ho, khạc đờm kéo dài, thậm chí khó thở như ở những người có bệnh hô hấp, viêm phế quản mạn tính, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính và làm nặng thêm vấn đề tim mạch. Lâu dài có thể gây rối loạn đường thở và khi bụi ô nhiễm đi vào sâu trong hệ hô hấp tới các phế nang sẽ ảnh hưởng tới chức năng phổi.
Hơn thế nữa ô nhiễm không khí còn tăng nguy cơ vô sinh ở nam giới. Ô nhiễm không khí ảnh hưởng xấu đến chất lượng tinh trùng. Những người thường xuyên hít không khí ô nhiễm dễ bị biến dạng tinh trùng, chất lượng kém.

Lê Hà
Ý kiến của bạn