Kỳ thi đánh giá năng lực Đại học Quốc gia TPHCM đợt 1 năm 2024 có hơn 94.000 thí sinh tham dự.
Kỳ thi được tổ chức tại 24 tỉnh/thành phố, gồm 21 địa phương như năm trước là: Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Bình Thuận, Đắk Lắk, Lâm Đồng, Thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, Tiền Giang, Bến Tre, Đồng Tháp, Vĩnh Long, An Giang, Cần Thơ, Kiên Giang, Bạc Liêu; và mở rộng thêm 3 địa phương: Thừa Thiên Huế, Bình Phước và Tây Ninh.
TP.HCM là địa phương có số thí sinh đăng ký dự thi nhiều nhất với 39,4 nghìn học sinh tham dự. Số thí sinh dự thi được phân bổ ở 17 điểm thi là các trường đại học trên địa bàn.
Tiếp theo là Bình Định có hơn 5.000 học sinh tham dự. Các tỉnh thành Khánh Hoà, Đà Nẵng, Đồng Nai, Đắk Lắk, Bình Dương mỗi tỉnh có từ khoảng từ 3000- 4.000 học sinh tham dự. Gần 20 tỉnh, thành còn lại mỗi nơi có khoảng một vài nghìn học sinh tham dự. Thí sinh dự thi được phân bổ ở một vài trường đại học đóng trên địa bàn.
Được biết, đây là năm thứ 7 kỳ thi đánh giá năng lực được tổ chức dành cho học sinh đang học lớp 12 và thí sinh tự do muốn xét tuyển vào 105 trường ĐH-CĐ, trong đó có 97 trường ĐH có sử dụng kết quả kỳ thi này.
Đây là đợt có số lượng thí sinh dự thi cao nhất trong lịch sử kỳ thi đánh giá năng lực này, tính từ năm 2018. Và đây cũng là năm thi của lứa học sinh học theo chương trình giáo dục phổ thông cũ, bởi từ năm 2025 tới, kỳ thi sẽ có một số điều chỉnh cho phù hợp với chương trình mới.
Tham gia thi, thí sinh sẽ làm một bài thi đánh giá năng lực trên phiếu trả lời gồm 120 câu hỏi trắc nghiệm khách quan với thời gian làm bài 150 phút.
Cấu trúc bài thi đánh giá năng lực gồm 3 phần: Sử dụng ngôn ngữ; Toán học, tư duy logic, phân tích số liệu và Giải quyết vấn đề. Bài thi chú trọng đánh giá khả năng suy luận và giải quyết vấn đề, không đánh giá khả năng học thuộc lòng của thí sinh. Từ đó nhằm đánh giá các năng lực cơ bản để học ĐH của thí sinh.
Nhiều năm tổ chức thi đánh giá năng lực nhưng ĐH Quốc gia TP.HCM không công bố đề thi. Trong quá khứ từng có một vài sự cố như thất thoát đề thi dù chưa đầy đủ. Lý do vì sao không công bố, từng chia sẻ với VietNamNet, TS Nguyễn Quốc Chính, Giám đốc Trung tâm Khảo thí và đánh giá chất lượng đào tạo, ĐH Quốc gia TP.HCM nói rằng: Quan điểm của ĐH Quốc gia TP.HCM rất rõ ràng, thi để đánh giá quá trình học của thí sinh, do vậy học quan trọng, thi không phải quan trọng.
“Đề thi đánh giá năng lực hỏi tổng quát rộng, đánh giá những năng lực cơ bản của thí sinh, nếu chúng ta công bố đề thi cuối giờ thi là đang cổ súy cho việc thi, chứ không phải cổ súy cho việc học. Xã hội sẽ quan tâm đến việc luyện đề hay những thủ thuật để giải đề tốt - đây không phải là chủ trương của ĐH Quốc gia TP.HCM. Chủ trương là coi kỳ thi rất nhẹ nhàng, thí sinh học là quan trọng nhất”.
Kết quả của đợt 1 sẽ được công bố vào 1 tuần sau khi thi, tức ngày 15/ 4.