Hơn 90.000 trẻ trên toàn quốc đã tiêm vắc-xin ComBE Five

07-01-2019 12:03 | Tin nóng y tế
google news

SKĐS - Ngày 3/1, PGS.TS. Dương Thị Hồng - Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương - Trưởng Văn phòng Tiêm chủng mở rộng Quốc gia cho biết, đã có hơn 90.700 trẻ trên toàn quốc tiêm vắc-xin ComBE Five.

Hiện nay, đã có 15 tỉnh đã triển khai tiêm vắc-xin ComBE Five cho trẻ nhỏ. Vắc-xin được đưa vào hệ thống tiêm chủng mở rộng trên toàn quốc từ tháng 12 và trong tháng 1/2019, vắc-xin sẽ được sử dụng ở tất cả các địa phương trên toàn quốc.

Sốt là phản ứng tốt sau tiêm vắc-xin 5 trong 1 ComBE Five

Trước thông tin nhiều phụ huynh bày tỏ lo lắng về việc vắc-xin ComBE Five có nhiều phản ứng cho trẻ nhỏ, đặc biệt là tình trạng sốt trên 38OC, PGS.TS. Dương Thị Hồng cho biết trẻ sau khi tiêm vắc-xin bất kỳ hay có những phản ứng thông thường như sốt, quấy khóc. Với vắc-xin 5 trong 1 có thành phần ho gà toàn tế bào, tỷ lệ sốt trên 38OC lên tới 50% và đây là một phản ứng tốt sau tiêm vắc-xin. “Nhất là với phản ứng đau tại chỗ, sốt trên 38OC, các triệu chứng toàn thân thì các vắc-xin có thành phần ho gà toàn tế bào đều chiếm trên 50% tỷ lệ tiêm. Với vắc-xin ComBE Five, chúng ta mới tiêm hơn 90 ngàn liều, nếu so sánh nôm na tỉ lệ mà Tổ chức Y tế Thế giới cảnh báo về các biểu hiện sốt, phản ứng tại chỗ sau tiêm tới 50%, thì với hơn 90 ngàn mũi tiêm phải có một nửa trẻ có quấy khóc, sốt nhẹ đến sốt trên 38OC, xuất hiện các triệu chứng toàn thân...”, PGS. Hồng giải thích thêm.

Trước thông tin cho rằng tỷ lệ trẻ phản ứng sau tiêm với vắc-xin ComBE Five nhiều hơn so với Quinvaxem, bà Hồng cho rằng so sánh chưa hợp lý. “Bởi thực tế, Quinvaxem được dùng trong Chương trình TCMR được 8 năm, với hơn 30 triệu liều được tiêm cho hơn 10 triệu trẻ. Phản ứng sau khi tiêm chủng chiếm tỷ lệ 50%. Còn đối với vắc-xin ComBE Five trong thời gian qua tỷ lệ phản ứng như sốt thông thường sau khi tiêm chỉ chiếm tỷ lệ 5% trong tổng số trẻ đã tiêm vắc-xin này”, bà Hồng nói.

Tiêm vắc- xin ComBE Five cho trẻ tại Hà Nội. Ảnh: TTXVN

Tiêm vắc- xin ComBE Five cho trẻ tại Hà Nội. Ảnh: TTXVN

Không có vắc- xin nào an toàn tuyệt đối

PGS. Hồng cũng khuyến cáo, không có vắc-xin nào an toàn tuyệt đối vì vắc-xin cũng như thuốc, thực phẩm có thể gây phản ứng dị ứng trên những cơ địa nhất định. Càng tiêm vắc-xin với số lượng lớn, tỷ lệ phản ứng sẽ càng nhiều (chứ không phải ít đi) nhưng tỷ lệ bệnh tật sẽ giảm. Tiêm vắc-xin là biện pháp hữu hiệu nhất dự phòng các bệnh truyền nhiễm. Nếu trẻ không tiêm vắc-xin sẽ để lại những hậu quả hết sức nặng nề. “Năm 2013 chúng ta có 5 tháng tạm dừng Quinvaxem về những lo ngại phản ứng sau tiêm chủng. Điều đó đã gây nên tâm lý sợ tiêm chủng. Đến năm 2014, số bệnh nhân ho gà tăng khủng khiếp, hơn 100 trường hợp tử vong do tiêm chủng. Vai trò của vắc-xin với các bệnh truyền nhiễm là vô cùng quan trọng, các bậc cha mẹ không nên vì những tin đồn thất thiệt mà không cho trẻ đi tiêm”, TS. Hồng cảnh báo.

Xử trí thế nào khi trẻ gặp phản ứng sau tiêm vắc-xin ComBE Five

Sau mũi tiêm, bà mẹ hãy đồng hành theo dõi con mình từ lúc tiêm tới 1-2 ngày sau đó để phát hiện triệu chứng bất thường như: khó thở, tím tái, khóc thét, sốt cao, co giật, phát ban, li bì, chân tay lạnh; nôn trớ nhiều lần, bỏ bữa ăn, bú kém, bỏ bú... để đưa ngay đến cơ sở y tế gần nhất. Còn với các phản ứng thông thường như sưng đau tại chỗ, sốt trên 38OC, các triệu chứng toàn thân có thể gặp tới 50% và là phản ứng thông thường của vắc-xin.

Đừng nghĩ đến chuyện đưa con đến bệnh viện xa. Xử trí ban đầu là vô cùng quan trọng và phác đồ đó đã được tập huấn kỹ càng cho các cán bộ y tế tại các trạm y tế. Lưu ý dùng thuốc theo chỉ dẫn của cán bộ y tế (không được tự ý dùng thuốc).  Nếu trẻ sốt cần cặp nhiệt độ, theo dõi sát, chườm nước ấm, nới rộng quần áo. Không nên dùng các loại thuốc lá cây... khi chưa có chỉ định của nhân viên y tế. Dùng thuốc hạ sốt theo hướng dẫn của cán bộ y tế và tư vấn nhân viên y tế trước và sau khi xử lý.


Linh San
Ý kiến của bạn