Hà Nội

Hơn 900 người dân vùng cao Mường Nhé, Điện Biên được khám bệnh, tặng quà

27-04-2021 19:00 | Xã hội
google news

SKĐS - Đoàn từ thiện đi trên những đoạn đường chênh vênh đến huyện Mường Nhé, tỉnh Điện Biên với niềm tin: Những tấm áo mới, các thiết bị, dụng cụ học tập, nhu yếu phẩm từ sách, thuốc men và cả tiền mặt… sẽ mang lại nụ cười cho hơn 900 người lớn và trẻ em trên những vùng núi quanh co.

Những ngày cuối tuần ai cũng muốn nghỉ ngơi, dành thời gian cho gia đình nhưng đoàn thiện nguyện do ThS.BS Nguyễn Thế Lương (Phó Giám đốc Bệnh viện Thận Hà Nội) làm trưởng đoàn vẫn hăng hái đến với những vùng đất khó khăn, nơi có nhiều bệnh nhân nghèo đang chờ đợi.

Trong điểm dừng chân lần này, Lớp Sĩ quan Quân y Dự bị Khóa 5 phối hợp với Đoàn thiện nguyện “Người tôi cưu mang” cùng Phòng GD-ĐT huyện Mường Nhé và Trung tâm Y tế huyện đến với bà con nghèo ở vùng cực Tây của Tổ quốc

image001

7 thành viên của lớp Sĩ quan Quân y Dự bị Khóa 5 là những người khởi xướng cho chuyến khám bệnh từ thiện lần này

Hơn 20 bác sĩ, 10 dược sĩ đến từ Bệnh viện Xanh Pôn, Bệnh viện Thận Hà Nội, Bệnh viện Hữu Nghị Việt Nam - Cuba, Bệnh viện Phổi Trung ương, Bệnh viện Nhi Trung ương, Bệnh viện E, Bệnh viện đa khoa Hà Thành cùng Hệ thống nha khoa Meddental, Thu Anh Beauty & Academy với 30 tình nguyện viên cùng nhiều trang thiết bị như máy siêu âm, máy đo huyết áp… di chuyển xuyên đêm từ Hà Nội để đến với bà con.

Đoàn cũng chuẩn bị hơn 900 phần quà với tổng giá trị hàng và tiền lên tới hơn 500 triệu đồng do Công ty Impact Media, Công ty Cổ phần Dược Hậu Giang, Công ty Cổ phần Traphaco, Công ty cổ phần Uniben, Công ty TNHH Rohto-Mentholatum Việt Nam, Công ty TNHH MTV TM-SX - Trồng trọt Tân Tân và các Mạnh Thường Quân dấu tên quyên tặng.

Mỗi lần đến được với bà con vùng cao là một lần khó

Sáng 17/4, chương trình khám chữa bệnh bắt đầu được diễn ra tại 2 điểm Trung tâm Y tế Leng Su Sìn và Trường Phổ thông Dân tộc Bán trú Tiểu học Leng Su Sìn. Ngay từ khi đặt chân xuống xe, không khí làm việc vô cùng tất bật. Cả đoàn thiện nguyện phối hợp nhịp nhàng theo quy trình đo huyết áp, khám tổng thể, siêu âm, nhận thuốc, phát quà. Trước các bàn bác sĩ, danh sách bệnh chờ thật dài. Rào cản ngôn ngữ giữa y bác sĩ Hà Nội với bà con đồng bào người H’Mông, Hà Nhì nhờ có sự trợ giúp của cán bộ y tế địa phương đã nhanh chóng được xóa nhòa.

image003

Bà con xếp hàng lấy phiếu khám bệnh

image005

Khu vực khám sàng lọc

image007

Tất cả người già, trẻ em... đều được các bác sĩ khám rất kỹ càng

image009

Các bác sĩ răng hàm mặt nhận định: Người dân nơi đây, đặc biệt là trẻ nhỏ cần được nâng cao kiến thức về chăm sóc răng miệng.

Nơi đây được bố trí như phòng khám “dã chiến” với đầy đủ các bác sĩ chuyên khoa từ Nội khoa, Nhi khoa, Nhãn khoa, Tai mũi họng, Nha khoa… Đặc biệt, đoàn còn có bác sĩ chuyên ngành Phụ khoa thăm khám cho các chị em phụ nữ. Các bác sĩ vừa lo khám bệnh, ghi toa thuốc, vừa đưa mắt nhìn quanh xem để kịp thời hỗ trợ các đồng nghiệp.

Số lượng người bệnh đông, nhưng các bác sĩ ai cũng hỏi bệnh cặn kẽ, khám cẩn thận và hướng dẫn kỹ lưỡng từng người bệnh cách uống thuốc, ăn uống, sinh hoạt, giữ gìn sức khỏe. Các bác sĩ đều tâm niệm rằng, mỗi lần đến được với bà con vùng cao là mỗi lần khó, vì thế phải khám thật kỹ, dặn dò thật chi tiết. Bởi có những bệnh thông thường như lác, ghẻ ngứa chỉ cần biết cách vệ sinh là ổn, hoặc chị em thường bị bệnh phụ khoa do thiếu kiến thức giữ gìn thân thể. Chỉ cần hướng dẫn cho bà con hiểu và làm theo cũng phòng ngừa được rất nhiều bệnh tật.

image011

image013

Đoàn thiện nguyện mang cả máy siêu âm đến với bà con vùng cao

image015

Dược sĩ cấp phát và tư vấn dùng thuốc

Hơn 900 người dân từ người già đến trẻ nhỏ ai cũng mong ngóng được bác sĩ hỏi han, thăm khám trực tiếp. Giá trị lớn nhất của chuyến khám bệnh từ thiện chính là tầm soát và phát hiện bệnh. Với bà con nơi đây, việc đi khám chữa bệnh là điều gì đó xa xỉ, phần vì vị trí địa lý không thuận lợi, phần vì điều kiện khó khăn. Cứ như thế lâu dần, những căn bệnh âm thầm tàn phá sức khỏe mà họ cố chịu đựng cho qua.

Qua thăm khám, các bác sĩ nhận thấy rằng, người dân nơi đây, đặc biệt là trẻ nhỏ cần được nâng cao kiến thức về chăm sóc răng miệng. Biết được điều này, đoàn đã tổ chức một hoạt động ý nghĩa, đó là hướng dẫn người dân chăm sóc răng miệng đúng cách với hướng dẫn trực quan của các bác sĩ.

image017

image019

Bài hát "Ghen Cô Vy" được nhiều người hưởng ứng và cùng nhau học rửa tay đúng cách

Với người ở miền xuôi, việc tiếp cận công nghệ thông tin là điều khá dễ dàng, xu hướng mới nào cũng được cập nhật liên tục. Khi đại dịch COVID-19 bùng phát, nhiều giai điệu bắt tai nhanh chóng được truyền tải nhằm nâng cao ý thức trước dịch bệnh. Song với người dân vùng cao dường như đây đều là những điều mới mẻ, khi hoạt động nhảy trên nền nhạc “Ghen Cô Vy” diễn ra, các động tác rửa tay nhanh chóng thu hút hàng trăm người thực hành theo. Ai nấy đều háo hức khi biết rằng, chỉ với vài bước rửa tay đúng cách như bài hát này sẽ giúp phòng ngừa lây lan các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm.

Không chỉ khám chữa bệnh, phát thuốc, nâng cao tinh thần phòng chống dịch bệnh, đoàn thiện nguyện còn trao 800 phần quà bao gồm các thiết bị, đồ dùng học tập, nhu yếu phẩm (tủ sách, chăn ấm, thuốc men, mì tôm, tiền mặt...).

“Tất cả những nơi chúng tôi có cơ hội đặt chân đến, cũng sẽ làm hết mình như vậy”

“Các bác sĩ rất thân thiện, nhiệt tình, chương trình vô cùng ý nghĩa, tôi rất vui. Chúc các bác sĩ luôn khỏe mạnh để thực hiện được nhiều chương trình ý nghĩa như này”; “Rất tự hào về các cô bác sĩ rất nhiệt tình với nhân dân, mình xúc động lắm”; “Các bác sĩ đến khám rất tốt rồi, rất cảm ơn các bác sĩ”… Lời chia sẻ này của những người dân đến khám chính là món quà trân quý và cũng là động lực để các y bác sĩ, đoàn thiện nguyện tiếp tục đến với vùng cao. Nhiệt huyết và tình người khiến cho những đoạn đường gian nan phía trước không còn là rào cản.

image021

Những món quà là bánh kẹo,...

image023

...là những chú gấu nhồi bông khiến các em nhỏ thích thú

image025

Cùng với nhu yếu phẩm thiết thực...và cả tiền mặt là tấm lòng của rất nhiều công ty, mạnh thường quân trao tặng người dân vùng cao Mường Nhé, Điện Biên

Kết thúc chuyến khám bệnh, ThS.BS Nguyễn Thế Lương - Phó Giám đốc Bệnh viện Thận Hà Nội vẫn còn nhiều trăn trở: “Từ hành trình tới cực Tây của tổ quốc vào tháng 4/2019, tôi nghĩ rằng nhất định phải quay trở lại để làm điều gì đó cho vùng đất này. Lời hứa khi ấy nay đã làm được. Nơi đây còn nhiều trường hợp đặc biệt cần thăm khám kỹ hơn để có sự hỗ trợ tốt nhất trong điều trị bệnh. Vì vậy, chúng tôi không chỉ dừng ở đây mà sẽ đi với người bệnh tới cùng trong hành trình này. Và tất cả những nơi chúng tôi có cơ hội đặt chân đến cũng sẽ làm hết mình như vậy”.

Ngược về miền xuôi, đoàn thiện nguyện ai nấy đều thấm mệt nhưng lâng lâng niềm hạnh phúc khi mường tượng về hình ảnh hàng trăm các em nhỏ ngồi trong lớp học, được viết những dòng chữ đầu đời trên cuốn sách, tập vở mới tinh tươm; có thêm khoản phí nho nhỏ để không còn cảnh bữa đói bữa no đến trường. Mùa đông năm nay, nhiều gia đình đã có thêm chiếc chăn ấm, không còn co ro trong giá lạnh.

image027
image029

image031

Các y bác sĩ cùng đoàn thiện nguyện chụp hình lưu niệm về một hành trình đáng nhớ tại huyện Mường Nhé, tỉnh Điện Biên.

image035


Ý kiến của bạn