Hơn 800 trường hợp rối loạn tiêu hóa, ngộ độc dịp Tết do rượu

03-02-2017 19:22 | Tin nóng y tế
google news

SKĐS - Theo Bộ Y tế, ttrong dịp Tết Nguyên đán Đinh Dậu, ngành Y tế đã ghi nhận tổng số ca khám rối loạn tiêu hoá, ngộ độc thức ăn và rượu là 3.199 trường hợp trong đó 808 trường hợp được xác định nguyên nhân do bia rượu.

Ngày 3/2, Cục Quản lý Khám chữa bệnh - Bộ Y tế đã có báo cáo tổng kết công tác bảo đảm khám chữa bệnh trong 7 ngày Tết Nguyên đán Đinh Dậu, (tính từ ngày 26/1/2017 - 2/2/2017) tức 29 tháng Chạp đến mùng 6 Tết

PGS.TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Khám chữa bệnh, Bộ Y tế cho biết, trong dịp Tết, ngành y tế đã đảm bảo công tác thường trực khám chữa bệnh, cấp cứu, không để người bệnh đến bệnh viện không có người khám chữa bệnh: Có kế hoạch đảm bảo công tác điều trị, phục vụ người bệnh và an ninh trật tự trong các cơ sở khám, chữa bệnh. Tất cả các cơ sở khám chữa bệnh đã tổ chức thường trực 4 cấp đầy đủ, thực hiện khám, cấp cứu cho 243,126  trường hợp, trong đó có 159,964 trường hợp phải nhập viện điều trị nội trú, 13,402 trường hợp phải chuyển viện. Thực hiện 16,939 ca phẫu thuật, trong đó 374 trường hợp phẫu thuật chấn thương sọ não.

Cũng trong dịp Tết Nguyên đán, hệ thống sản nhi đã đỡ đẻ/mổ đẻ thành công đón 22,516 cháu bé chào đời và điều trị khỏi cho xuất viện 109,420 người bệnh. Tổng số người bệnh còn lại tại các cơ sở khám chữa bệnh đến 7 giờ sáng ngày 02/02/2017 (mùng 6 Tết) là  125,663 người bệnh.

Các bệnh viện trong cả nước đã thực hiện tốt thường trực cấp cứu ngoại viện, có 4,984 lượt vận chuyển cấp cứu bằng xe cứu thương của bệnh viện.

PGS.TS Lương Ngọc Khuê cũng cho biết thêm, trong dịp Tết cả nước có 143 trường hợp đến khám, cấp cứu do pháo nổ (chưa loại trừ số trùng lặp do chuyển viện), không có trường hợp tử vong, có 44 trường hợp đến khám, cấp cứu do chất nổ khác (chưa loại trừ số trùng lặp do chuyển viện). Đặc biệt, tổng số ca đến khám, cấp cứu do đánh nhau là 5,675 trường hợp, trong đó có 619 trường hợp xác định nguyên nhân do rượu bia.

Vì ham uống rượu, trong dịp Tết Nguyên đán đã có hàng trăm trường hợp bị rối loạn tiêu hóa và ngộ độc

Tổng số khám, cấp cứu do tai nạn giao thông là  41,054 trường hợp (tăng nhẹ so với 7 ngày Tết Bính Thân 2016 là 40,456 trường hợp (Tổng hợp số liệu ghi nhận tại khoa khám bệnh các bệnh viện, theo lời khai của người bệnh và người nhà người bệnh, bao gồm nhiều mức độ nặng nhẹ khác nhau, chưa loại trừ số liệu trùng lặp do các trường hợp chuyển tuyến 1 trường hợp đến khám tại nhiều bệnh viện). Trong đó có  12,389 trường hợp phải nhập viện điều trị nội trú, và 3,038 trường hợp phải chuyển tuyến trên điều trị. Tổng số trường hợp tử vong do tai nạn giao thông (bao gồm cả tử vong trước khi đến bệnh viện) là  192  trường hợp.

Ghi nhận một vụ tai nạn nghiêm trọng do lật xe ô tô gần chùa Ba Vàng - Quảng Ninh vào hồi 8 giờ sáng ngày 3 Tết. Trên xe có 29 người: 2 người chết, 27 người bị thương được cấp cứu kịp thời tại Bệnh viện Việt Nam - Thuỵ điển ở Uông Bí, 4 bệnh nhân đã xuất viện, 22 bệnh nhân đang điều trị ổn định tại bệnh viện.

Cũng theo ông Khuê, trong dịp Tết, ngành Y tế đã ghi nhận tổng số ca khám rối loạn tiêu hoá, ngộ độc thức ăn và rượu là 3.199 trường hợp trong đó 808 trường hợp được xác định nguyên nhân do bia rượu. Không có trường hợp tử vong (ngoại trừ 1 ca ngộ độc thuốc diệt cỏ). Cũng trong dịp Tết này không có báo cáo về vụ ngộ độc thực phẩm.

Liên quan đến ngộ độc rượu dịp Tết, ngày 3/2, BS Nguyễn Trung Nguyên – Phụ trách Trung tâm Chống độc (Bệnh viện Bạch Mai) cho biết, riêng trong đợt nghỉ Tết Nguyên đán vừa rồi, Trung tâm Chống độc đã tiếp nhập 13 ca ngộ độc rượu, trong đó có 3 ca rất nặng (1 ca ở Vĩnh Phúc, 1 ca ở Hưng Yên, 1 ca ở Hà Nội). Trong số 3 ca ngộ độc nặng trên, có 2 ca người nhà xin về tử vong, còn 1 ca đã cứu sống được nhưng bị tổn thương mắt, hiện vẫn đang điều trị. Đáng chú ý, nhiều ca ngộ độc rượu nặng năm nay có liên quan đến rượu chứa methanol.

Qua các ca ngộ độc rượu này, BS Nguyễn Trung Nguyên khuyến cáo, người dân tuyệt đối không nên uống các loại rượu không rõ nguồn gốc xuất xứ. Đặc biệt là những những ngày tới đây khi mùa lễ hội cũng như việc gặp mặt đầu năm triền miên. Hơn nữa, cơ quan quản lý nhà nước đặc biệt là chính quyền các địa phương cần phải quản lý chặt các nguồn rượu, đặc biệt là các loại rượu cồn công nghiệp, rượu không rõ nguồn gốc xuất xứ


Thái Bình
Ý kiến của bạn