Hơn 70.000 ca mắc sốt xuất huyết, cần tích cực diệt bọ gậy và muỗi truyền bệnh

02-07-2019 07:25 | Tin nóng y tế
google news

SKĐS - Theo các chuyên gia, thời tiết mùa hè hiện nay là điều kiện thuận lợi cho muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết phát triển. Để chủ động phòng chống dịch bệnh SXH cần tích cực vệ sinh môi trường diệt bọ gậy và diệt muỗi truyền bệnh, thực hiện các biện pháp phòng tránh muỗi đốt...

Xem thêmLoại bỏ nơi sinh sản của muỗi bằng 5 cách đơn giản để phòng bệnh sốt xuất huyết

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê công bố, tính chung 6 tháng, cả nước có gần 18,9 nghìn trường hợp mắc bệnh tay chân miệng; 70,8 nghìn trường hợp mắc bệnh sốt xuất huyết (3 trường hợp tử vong); 255 trường hợp mắc bệnh viêm màng não do vi rút (10 trường hợp tử vong); 11 trường hợp mắc bệnh viêm màng não do não mô cầu (1 trường hợp tử vong); 27,4 nghìn trường hợp sốt phát ban nghi sởi, trong đó có 4,7 nghìn trường hợp mắc sởi dương tính.

Trong 6 tháng đầu năm cũng đã xảy ra 36 vụ ngộ độc thực phẩm, làm 866 người bị ngộ độc, trong đó 5 trường hợp tử vong.

 

Tại Hà Nội, báo cáo tình hình dịch bệnh trong tuần qua (từ ngày 24/6/2019 đến 30/6/2019) cho thấy, Sốt xuất huyết Dengue ghi nhận 162 trường hợp, các ca mắc rải rác tại 85 xã, phường, thị trấn của 23 quận, huyện, thị xã.

Lũy tích năm 2019 ghi nhận 820 trường hợp, hiện 725 trường hợp đã khỏi, còn 95 trường hợp đang điều trị và chưa có trường hợp tử vong. Một số đơn vị có số mắc cao như Hà Đông (150), Bắc Từ Liêm (88), Cầu Giấy (73), Đống Đa (69), Nam Từ Liêm (65).

Theo Sở Y tế Hà Nội, số ca mắc sốt xuất huyết trên địa bàn Thành phố giảm so với cùng kỳ 5 năm giai đoạn 2014 – 2018 (trung bình 6 tháng đầu năm của giai đoạn từ 2014 - 2018 ghi nhận 1.042 trường hợp). Tuy nhiên, trong các tuần gần đây số ca mắc sốt xuất huyết lại đang có xu hướng gia tăng, thời tiết mùa hè hiện nay là điều kiện thuận lợi cho muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết phát triển.

Để chủ động phòng chống dịch bệnh sốt xuất huyết, các quận, huyện, thị xã cần chủ động, tích cực tập trung các biện pháp vệ sinh môi trường diệt bọ gậy và diệt muỗi truyền bệnh, đồng thời tuyên truyền nâng cao ý thức của người dân trong việc vệ sinh môi trường và thực hiện các biện pháp phòng tránh muỗi đốt...

Người dân cần tích cực diệt bọ gậy, vệ sinh môi trường, không có bọ gậy - không có sốt xuất huyết. Ảnh minh họa.

Trong tuần vừa qua, số ca mắc sởi và tay chân miệng trên địa bàn Thành phố Hà Nội tiếp tục có xu hướng giảm so với các tuần trước đó. Bệnh sởi ghi nhận 31 trường hợp, các ca mắc rải rác tại 29 xã, phường, thị trấn của 19 quận, huyện, thị xã. Lũy tích năm 2019 ghi nhận 1.544 trường hợp, hiện 1.532 trường hợp đã khỏi, chỉ còn 12 trường hợp đang điều trị và chưa có trường hợp tử vong.

Bệnh tay chân miệng trong tuần ghi nhận 05 trường hợp. Lũy tích năm 2019 ghi nhận 321 trường hợp, chưa có trường hợp tử vong. Bệnh ho gà ghi nhận 03 trường hợp. Lũy tích năm 2019 ghi nhận 84 trường hợp, chưa có trường hợp tử vong. Trong tuần không ghi nhận các dịch bệnh như não mô cầu, viêm não Nhật Bản, liên cầu lợn... và các dịch bệnh xâm nhập nguy hiểm.

Để chủ động phòng chống dịch bệnh này, ngành Y tế khuyến cáo người dân cần chủ động trong việc vệ sinh môi trường khử khuẩn, nâng cao sức đề kháng của cơ thể và đi tiêm chủng đầy đủ vắc xin phòng sởi theo quy định.

Tăng cường phòng chống dịch bệnh mùa hè

Theo Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Nguyễn Khắc Hiền, thực hiện công tác phòng chống dịch, Sở Y tế tiếp tục chỉ đạo các đơn vị tăng cường công tác phòng chống dịch bệnh mùa Hè theo chỉ đạo của Bộ Y tế và UBND Thành phố, đặc biệt là dịch bệnh sốt xuất huyết và sởi. Hàng tuần Sở Y tế có văn bản gửi các quận, huyện có nguy cơ về dịch bệnh sốt xuất huyết để cảnh báo và khuyến nghị tăng cường các biện pháp phòng chống dịch.


Sở Y tế cũng đã tổ chức vòng sơ khảo Hội thi đội chống dịch cơ động giỏi góp phần nâng cao kiến thức, kỹ năng điều tra, xử lý dịch cho các đội chống dịch cơ động, sẵn sàng đáp ứng khẩn cấp khi có dịch bệnh xảy ra trên địa bàn.

Các đơn vị tăng cường công tác tiêm chủng phòng các bệnh có vắc xin dự phòng như sởi, ho gà, viêm não Nhật Bản, đồng thời tổ chức giám sát côn trùng và giám sát véc tơ truyền bệnh và tiến hành vệ sinh môi trường để chủ động phòng chống sốt xuất huyết. Tiến hành điều tra xử lý tại cộng đồng các ca bệnh ghi nhận trong tuần như sốt xuất huyết, tay chân miệng, ho gà và sởi.

Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Thành phố tiếp tục thực hiện tốt việc đo thân nhiệt hành khách nhập cảnh qua sân bay quốc tế Nội Bài để chủ động kiểm soát các dịch bệnh nguy hiểm có nguy cơ xâm nhập.

Các đơn vị tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền GDSK cho cộng đồng về các biện pháp chủ động phòng chống dịch bệnh, đặc biệt là tuyên truyền để người dân tích cực đưa con em đi tiêm chủng phòng bệnh theo quy định.


D.Hải
Ý kiến của bạn