Diễn ra từ ngày 28/3-1/4, sự kiện này thu hút sự tham gia của hơn 160 đoàn khách quốc tế, trong đó có hơn 700 nghị sĩ đến từ 127 nước là Nghị viện thành viên Liên minh Nghị viện Thế giới, thành viên liên kết, các tổ chức và khách mời quốc tế.
Điều đặc biệt ấn tượng, đây là lần đầu tiên sau 3 kỳ họp, sự kiện này mới lại được tổ chức tại một quốc gia khác ngoài Thụy Sĩ.
Việc Quốc hội nước ta đăng cai tổ chức kỳ họp Đại hội đồng IPU lần thứ 132 tại Hà Nội là một sự kiện chính trị-ngoại giao có ý nghĩa hết sức to lớn, thể hiện tinh thần chủ động của một thành viên tích cực và có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế, góp phần thực hiện thắng lợi đường lối đối ngoại của Đảng và Nhà nước Việt Nam, không ngừng nâng cao vị thế của nước ta trên trường quốc tế.
Theo chương trình, Đại hội đồng IPU lần thứ 132 và các hội nghị liên quan sẽ diễn ra với hơn 30 phiên họp, trong đó có 20 phiên họp toàn thể và khoảng 10 hoạt động bên lề.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng gặp các đại biểu tham dự IPU 132
Tại Đại hội đồng, nghị sỹ từ các nơi trên thế giới, trong đó có gần 50 vị chủ tịch quốc hội, sẽ tham gia thảo luận về chủ đề “Các mục tiêu phát triển bền vững, biến lời nói thành hành động”. Đây là chủ đề lớn mang tính trọng tâm, vừa đánh giá kết quả thực hiện các Mục tiêu Thiên niên kỷ (MDGs) mà các thành viên Liên hợp quốc đã cam kết mạnh mẽ từ năm 2000, vừa đề ra những khuôn khổ cho sự phát triển tiếp theo.
Đại hội đồng cũng sẽ thông qua các Dự thảo Nghị quyết tại 4 Ủy ban về hòa bình và an ninh quốc tế, phát triển bền vững, tài chính và thương mại, dân chủ và nhân quyền, và về các vấn đề liên hợp quốc.
Trong phát biểu chào mừng các nghị sĩ toàn cầu được đăng tải trên trang web của IPU Việt Nam, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nhấn mạnh, hơn 125 năm qua, trong suốt chiều dài lịch sử của mình, khởi đầu từ ý tưởng của các nghị sỹ yêu chuộng hòa bình mong muốn xây dựng một thể chế hợp tác liên nghị viện quốc tế, Liên minh Nghị viện Thế giới (IPU) đã không ngừng lớn mạnh, trở thành tổ chức hợp tác liên nghị viện toàn cầu lớn nhất, là diễn đàn đối thoại quan trọng của nghị sỹ toàn cầu để trao đổi và đề xuất các giải pháp về hòa bình, an ninh, hợp tác, phát triển giữa nghị viện các nước. Từ đó, thúc đẩy và làm sâu sắc hơn nền ngoại giao nghị viện, các thể chế dân chủ đại diện, tạo lập và gìn giữ các mối quan hệ song phương và đa phương giữa các nước, và ngày càng có vai trò và những ảnh hưởng quan trọng trong đời sống chính trị, kinh tế quốc tế.
Kể từ khi gia nhập IPU (ngày 21-4-1979) đến nay, hơn 35 năm qua, Quốc hội Việt Nam luôn thể hiện tinh thần chủ động của một thành viên tích cực, có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế. Với việc gia nhập IPU, Việt Nam có thêm cơ hội để giao lưu, hợp tác và chia sẻ kinh nghiệm với các nước trên toàn thế giới, cùng phấn đấu vì hòa bình, hợp tác và phát triển giữa các dân tộc. Đồng thời, nhân dân và bạn bè quốc tế cũng thông qua diễn đàn này hiểu biết hơn về đất nước, con người và nền văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc của Việt Nam.
“Chúng tôi đã sẵn sàng chuẩn bị cho sự kiện ngoại giao nghị viện lớn nhất hành tinh này và rất hân hạnh chào đón các nhà Lãnh đạo, các nghị sỹ và các vị khách quý đến tham dự IPU -132. Là đất nước có nền văn hóa truyền thống lâu đời, đất nước hòa bình, người dân thân thiện và giàu lòng mến khách, chúng ta có đầy đủ cơ sở để tin tưởng rằng, Đại hội đồng IPU lần thứ 132 sẽ thành công tốt đẹp, là dấu mốc trên con đường phát triển của IPU cũng như tiến trình hội nhập quốc tế của Việt Nam”, Chủ tịch nói.
Trong ngày hôm nay, 27/3, IPU lần thứ 132 bắt đầu với các phiên họp kín của Ban chấp hành, Nhóm đối tác về giới, Ủy ban về nhân quyền của nghị sĩ, Tiểu ban về Thỏa thuận tương kai giữa IPU và Liên hợp quốc.
Tối nay, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng sẽ tiếp lãnh đạo, Ban chấp hành và khách mời của IPU. Tiếp đó, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng sẽ chiêu đãi Ban chấp hành IPU.
Năm 1889, tại Pa-ri, thủ đô nước Pháp, IPU đã được thành lập theo sáng kiến của hai nghị sĩ, đồng thời cũng là hai chiến sĩ đấu tranh cho hòa bình là Frederic Passy, người Pháp, và William Randal Cremer, người Anh. Ý tưởng ban đầu của hai nghị sĩ này là mong muốn biến IPU thành một phong trào tiên phong đấu tranh vì hòa bình.
Ngay từ khi thành lập, mục tiêu của IPU là tạo nên một cơ chế như là “trọng tài quốc tế”. Nhưng cùng với thời gian và diễn biến của tình hình thế giới, phạm vi hoạt động của IPU đã được mở rộng vì các vấn đề liên quan đến hòa bình đã trở thành yêu cầu cấp thiết và rõ nét. Phấn đấu cho nền hòa bình thế giới, IPU hướng tới việc củng cố cơ sở pháp lý tạo nền tảng cho các mối quan hệ quốc tế. Xuất phát từ sự nhìn nhận các yếu tố kinh tế, xã hội, tư tưởng trong nhiều trường hợp là nguyên nhân tạo nên sự căng thẳng giữa các quốc gia, tổ chức thế giới của các nghị viện dần dần đã tiếp cận và dành sự quan tâm ngày càng nhiều hơn đối với các vấn đề mang tính toàn cầu.
Trong suốt 126 năm hình thành và phát triển, IPU không ngừng được hoàn thiện, phát triển và trở thành tổ chức quốc tế của các nghị viện quốc gia có chủ quyền, là diễn đàn thường trực đầu tiên về đàm phán chính trị đa phương và là trung tâm đối thoại ngoại giao nghị viện toàn cầu để các nhà lập pháp bày tỏ quan điểm và chính kiến của mình về các vấn đề quốc tế cùng quan tâm, góp phần gìn giữ hòa bình, tăng cường quan hệ hữu nghị, hợp tác giữa các dân tộc và thiết lập các thể chế dân chủ đại diện bền vững.
Từ khi Quốc hội nước ta đặt vấn đề gia nhập IPU (năm 1957) tới nay cũng đã gần 60 năm, trong đó có một chặng đường hơn 20 năm kiên trì, bền bỉ theo đuổi mục tiêu hội nhập quốc tế. 35 năm qua, từ khi gia nhập IPU đến nay, Đoàn đại biểu Quốc hội nước ta luôn chủ động và có trách nhiệm tham gia đầy đủ các kỳ họp Đại hội đồng IPU và tích cực đóng góp hiệu quả trên diễn đàn liên nghị viện toàn cầu này. Chủ tịch Quốc hội nước ta đã đi dự Hội nghị cấp cao các vị đứng đầu Cơ quan lập pháp các nước trên thế giới lần thứ nhất (năm 2000), lần thứ hai (năm 2005) do IPU tổ chức tại Trụ sở Đại hội đồng Liên hợp quốc ở New York và Phó Chủ tịch Quốc hội nước ta đã đi dự Hội nghị cấp cao nghị viện toàn cầu lần thứ ba do IPU tổ chức tại Geneva, Thụy Sĩ (năm 2010).
Với uy tín và vị thế của Việt Nam, Nghị viện các nước đã bầu đại diện của Quốc hội nước ta làm Phó Chủ tịch IPU - đại diện cho Nhóm nước châu Á - Thái Bình Dương (nhiệm kỳ 2010-2011) và Ủy viên Ban chấp hành IPU (nhiệm kỳ 2007-2011). Điều đó đã khẳng định những thành tựu quan trọng trong hoạt động đối ngoại của Quốc hội nước ta trong quá trình hội nhập quốc tế và mở rộng quan hệ đối ngoại.