Hơn 70% người mắc ung thư ở Việt Nam phát hiện bệnh ở giai đoạn muộn

02-08-2024 16:27 | Y tế

SKĐS - Thống kê của GLOBOCAN năm 2022 tại Việt Nam có khoảng 180.480 ca mắc mới và 120.184 ca tử vong do ung thư. Trong đó, ung thư vú, gan, phổi... là những bệnh có số mắc và tử vong tăng hàng năm.

Với tiến bộ của khoa học, sự quan tâm của Chính phủ, và nỗ lực hợp tác của Bộ Y tế với các doanh nghiệp, tổ chức y tế, nhiều thuốc điều trị ung thư đã được đưa vào danh mục thuốc được chi trả của BHYT, giúp bệnh nhân ung thư ngày càng được tiếp cận tốt hơn với các phác đồ điều trị hiệu quả cũng như các phương thuốc tiên tiến.

Hơn 70% người mắc ung thư ở Việt Nam phát hiện bệnh ở giai đoạn muộn- Ảnh 1.

PGS.TS Nguyễn Thị Xuyên, Chủ tịch Tổng hội Y học Việt Nam, Chủ tịch Quỹ Hỗ trợ bệnh nhân ung thư - Ngày mai tươi sáng và ông Atul Tandon – Tổng giám đốc AstraZeneca Việt Nam ký kết hợp tác.

Tuy nhiên, hiện vẫn có tới hơn 70% bệnh nhân ung thư ở nước ta phát hiện bệnh ở giai đoạn muộn, khiến tỷ lệ chữa khỏi ung thư của Việt Nam thấp hơn các nước phát triển. Bên cạnh đó, bệnh nhân ung thư cũng cần sự chăm sóc toàn diện về chế độ dinh dưỡng, tâm lý, hoạt động thể dục thể chất, quản lý tác dụng không mong muốn,… để có thể nâng cao chất lượng điều trị và kéo dài thời gian sống cho bệnh nhân.

Những thông tin trên được các chuyên gia y tế nhấn mạnh tại buổi lễ ký kết hợp tác hướng tới mục tiêu chăm sóc sức khỏe toàn diện cho người mắc bệnh ung thư và y tế công bằng tại Việt Nam giữa Quỹ Hỗ trợ bệnh nhân ung thư - Ngày Mai Tươi Sáng và AstraZeneca Việt Nam diễn ra hôm nay - 2/8 tại Hà Nội.

Việc ký kết này nhằm giúp nâng cao nhận thức về sàng lọc phát hiện sớm để góp phần tăng cường tiếp cận, nâng cao hiệu quả điều trị và cải thiện chất lượng cuộc sống cho bệnh nhân ung thư. Từ đó, giúp thúc đẩy công bằng trong y tế và biến ung thư không còn là một trong những nguyên nhân gây tử vong hàng đầu tại Việt Nam.

Theo bản ghi nhớ, hai bên sẽ triển khai các hoạt động như cung cấp các chương trình chăm sóc sức khỏe toàn diện từ dinh dưỡng, tâm lý đến quản lý tác dụng phụ; Giải pháp hỗ trợ tài chính phù hợp cho bệnh nhân nhằm giảm gánh nặng tài chính, tăng cường tiếp cận và duy trì điều trị cho bệnh nhân;

Nâng cao nhận thức cộng đồng về sàng lọc phát hiện sớm ung thư phổi, nâng cao tỉ lệ được chẩn đoán ung thư phổi giai đoạn sớm;

Đồng thời xây dựng và phát triển mạng lưới/trung tâm đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, nghiên cứu và ứng dụng các công nghệ tiên tiến và trí tuệ nhân tạo trong y tế;

Xây dựng, tổ chức, triển khai các câu lạc bộ bệnh nhân ung thư tại khoa/trung tâm ung bướu của các bệnh viện.

Phát biểu tại sự kiện, PGS.TS Nguyễn Thị Xuyên, Chủ tịch Tổng hội Y học Việt Nam, Chủ tịch Quỹ Hỗ trợ bệnh nhân ung thư - Ngày mai tươi sáng cho rằng, với sự hợp tác này, hy vọng các hoạt động sẽ được mở rộng quy mô và được thực hiện chuyên sâu hơn để chăm sóc sức khỏe toàn diện, nâng cao chất lượng sống, cung cấp giải pháp tài chính cho người bệnh, cũng như đẩy mạnh truyền thông và giáo dục về bệnh ung thư.

"Tôi tin rằng với mục tiêu "lấy người bệnh làm trung tâm," sự hợp tác này sẽ mang lại nhiều lợi ích thiết thực và lâu dài cho người bệnh, đồng thời đóng góp vào sự phát triển của lĩnh vực ung bướu nói riêng và ngành y tế Việt Nam nói chung"- PGS.TS Nguyễn Thị Xuyên nhấn mạnh.

Hơn 70% người mắc ung thư ở Việt Nam phát hiện bệnh ở giai đoạn muộn- Ảnh 2.

PGS.TS Nguyễn Thị Xuyên, Chủ tịch Tổng hội Y học Việt Nam, Chủ tịch Quỹ Hỗ trợ bệnh nhân ung thư - Ngày mai tươi sáng phát biểu.

Thông qua nhiều hoạt động được triển khai bởi 2 đơn vị như chương trình "Thương Phổi" (2023), chương trình chẩn đoán, phát hiện sớm ung thư vú (năm 2019 – 2023), chiến dịch truyền thông nâng cao nhận thức cộng đồng về ung thư phổi (2023), đã góp phần nâng cao nhận thức cộng đồng về việc tầm soát phát hiện sớm bệnh ung thư; Nâng cao tỷ lệ người bệnh được chẩn đoán ở giai đoạn sớm với các phương pháp tiên tiến đồng thời triển khai chương trình sàng lọc bệnh đối với những đối tượng có nguy cơ cao.

Đặc biệt, trang thông tin điện tử Thương phổi tại www.thuongphoi.vn và trang facebook/nhóm zalo "Thương phổi" đã được ra mắt nhằm cung cấp nhằm cung cấp những thông tin chính thống về chẩn đoán, điều trị bệnh ung thư phổi. Hiện các nền tảng này đã thu hút được hàng ngàn thành viên và người theo dõi.

Bản ký kết hợp tác giữa 2 bên cũng chính là những hành động nhằm cụ thể hóa những cam kết đẩy mạnh các chương trình liên kết trong việc nâng cao công tác chăm sóc sức khỏe một cách toàn diện cho người dân Việt Nam mà AstraZeneca Việt Nam đã đưa ra trong bản ký kết hợp tác toàn diện với Bộ Y tế từ năm 2023 như Sức khỏe và Đời sống đã đã đưa tin.

Nhiều thuốc đích chữa ung thư, vật tư thay thế đắt tiền được BHYT chi trả  Nhiều thuốc đích chữa ung thư, vật tư thay thế đắt tiền được BHYT chi trả

SKĐS - BHXH Việt Nam cho biết nhiều loại thuốc đắt tiền, thuốc điều trị đích để chữa trị bệnh ung thư được đưa vào danh mục chi trả của BHYT. Các loại vật tư thay thế đắt tiền như khớp háng nhân tạo, stent động mạch… đã được quỹ BHYT chi trả hàng nghìn tỷ đồng mỗi năm.




Bài và ảnh Thái Bình
Ý kiến của bạn