Lần đầu tiên khi học sinh lớp 9 ngồi làm bài thi học sinh giỏi thì hơn 70 giáo viên dạy lớp 9 ở thị xã Hồng Lĩnh (Hà Tĩnh) cũng ngồi ở địa điểm khác nhưng cũng đề thi học sinh giỏi đó. Việc giáo viên "thi sát hạch" chung đề với học sinh đang xôn xao.
Giáo viên môn địa lý lớp 9 và học sinh lớp 9 cùng làm đề thi học sinh giỏi lớp 9 thị xã Hồng Lĩnh |
Theo các giáo viên phản ánh, chiều 16-12, Phòng GD&ĐT thị xã Hồng Lĩnh tổ chức thi học sinh giỏi lớp 9 với các môn lịch sử, sinh học, hóa học, địa lý... tại địa điểm thi Trường THCS Bắc Hồng. Cũng trong chiều 16-12, Phòng GD&ĐT thị xã Hồng Lĩnh tổ chức cho các giáo viên tham gia "thi" khảo sát ở điểm Trường THCS Nam Hồng (thị xã Hồng Lĩnh).
Trước đó, Phòng GD&ĐT thị xã Hồng Lĩnh cũng đã tổ chức thành công ở ba môn toán, văn và tin học.
Điều đáng nói, học sinh và phụ huynh ngồi khác phòng "thi" nhưng lại thi cùng đề thi giống nhau và được "ưu tiên" thời dài làm bài... có thể dài hơn.
Được biết nhiều giáo viên cũng căng thẳng... "đổ mồ hôi", "ngồi ngậm bút" khi làm bài đề thi học sinh giỏi. Có người cho rằng "thì" như vậy là xúc phạm giáo viên, nên có hai đề thi khác nhau giữa học sinh và phụ huynh. Có giáo viên cho rằng đây là cơ hội để "sát hạch" biết được trình độ thực chất của giáo viên. Một giáo viên ở Hà Tĩnh cho rằng nếu như trưởng, phó phòng và các chuyên viên của Phòng GT&ĐT thị xã cùng ngồi làm chung đề mới... sòng phẳng, thuyết phục giáo viên hơn.
Theo lãnh đạo Sở GD&ĐT tỉnh Hà Tĩnh việc tổ chức kỳ thi này cho học sinh và giáo viên cùng làm chung một đề thi không nằm trong chỉ đạo bắt buộc của Sở.
Tối 20-12, ông Lê Bá Thiềm, Trưởng phòng GD&ĐT thị xã Hồng Lĩnh, cho biết: "Năm nay là lần đầu tiên chúng tôi cho các giáo viên dạy lớp 9 cùng làm chung đề thi học sinh giỏi với học sinh lớp 9, các giáo viên tự giác ngồi làm bài chứ không có giám thị.
Từ đầu năm học, chúng tôi đã phổ biến cho giáo viên về việc này và trước ngày diễn ra tôi có nói với các giáo viên nếu ai thấy yêu cầu làm bài như vậy là xúc phạm nhà giáo thì không đi làm bài thi đó cũng được. Không có giáo viên nào phản ứng hay không đi làm bài mà có hơn 70 giáo viên cùng đến ngồi giải bài thi. Học sinh thi thời gian làm bài 120 phút nhưng giáo viên cho làm bài thoải mái khi nào xong thì hộp lại bài.
Đây không phải là kỳ thi giáo viên và không bắt buộc giáo viên phải đi làm bài. Tất cả bài làm của giáo viên chúng tôi đều chấm cẩn thận. Kết quả thi đó chúng tôi không công bố rộng rãi và không lấy đó làm căn cứ đánh giá, xếp loại, thi đua giáo viên.
Ai làm bài tốt thì sẽ được lựa chọn đi chấm bài thi học sinh giỏi và việc này nhằm để đánh giá, lựa chọn ra giáo viên giỏi để bồi dưỡng các trò giỏi tham gia kỳ thi học sinh giỏi tỉnh...".
Theo ông Thiềm: "Điều rất mừng là hầu hết các giáo viên làm bài rất tốt, một số người đạt điểm tuyệt đối 20/20 điểm. Trong số khoảng 70 giáo viên đó, chỉ có hai giáo viên đạt điểm dưới trung bình (9 điểm và 9,5 điểm trong tổng số 20 điểm".
- Theo Pháp luật TPHCM