Bệnh nhân HIV nhiễm đậu mùa khỉ có nguy hiểm không
Theo TS. BS. Vũ Quốc Đạt - Phó Trưởng Khoa Bệnh nhiệt đới và Can thiệp giảm hại (Bệnh viện Đại học Y Hà Nội), tỷ lệ mắc đậu mùa khỉ có nguy cơ tăng lên ở một số nhóm đối tượng như người nhiễm HIV – một phần liên quan tới tình trạng suy giảm miễn dịch của người bệnh. Với những người bị tình trạng suy giảm miễn dịch như người nhiễm HIV khi miễn dịch giảm xuống các virus, vi khuẩn và các tác nhân gây bệnh khác như nấm và ký sinh trùng có thể nhân cơ hội đó tiến triển.
Ở những người nhiễm HIV, ngoài tình trạng suy giảm miễn dịch do virus HIV thì nay lại mắc thêm bệnh đậu mùa khỉ và cùng với đó người bệnh có thể bị các bệnh lý nhiễm trùng cơ hội khác làm nặng thêm tình trạng bệnh và khiến cho người bệnh có nguy cơ tử vong cao.
Thực tế, có những bệnh nhân HIV nhiễm đậu mùa khỉ đã tử vong. Do vậy, với các bệnh nhân có các bệnh lý gây suy giảm miễn dịch và có nguy cơ mắc đậu mùa khỉ cần lưu ý đến các cơ sở y tế thật sớm khi có biểu hiện nghi ngờ. Từ đó được chẩn đoán và điều trị bệnh sớm.
Ngoài đậu mùa khỉ, một số bệnh lý nhiễm trùng ở trên các đối tượng nguy cơ suy giảm miễn dịch như: lao, nhiễm vi khuẩn nặng, sốc nhiễm khuẩn, viêm phổi… có thể xảy ra và có thể làm tăng nguy cơ tử vong ở các đối tượng này.
Phòng ngừa đậu mùa khỉ ở các đối tượng có nguy cơ cao
Những người mắc HIV là những đối tượng có nguy cơ cao mắc đậu mùa khỉ. Tuy nhiên, trong các ca mắc đậu mùa khỉ đầu tiên tại Việt Nam lại không phải những người nhiễm HIV. Điều này có nghĩa rằng tất cả mọi người đều có nguy cơ mắc đậu mùa khi thông qua việc tiếp xúc với người bệnh.
Bệnh đậu mùa khỉ là bệnh có nguy cơ lây nhiễm rất cao trong một số nhóm đối tượng đặc biệt là thông qua quan hệ tình dục. Với các đối tượng nguy cơ cao như MSM (quan hệ đồng giới nam), người nhiễm HIV, người suy giảm miễn dịch… việc quan hệ tình dục an toàn (sử dụng bao cao su) là một trong những cách hữu hiệu hạn chế nguy cơ lây nhiễm.
Mặc dù đậu mùa khỉ lây nhiễm qua đường tiếp xúc, do vậy việc dùng bao cao su khi quan hệ tình dục chỉ giúp giảm một phần nguy cơ do vẫn có những tiếp xúc khác. Tuy nhiên, nếu sử dụng đồng bộ các biện pháp bao gồm:
- Khai báo y tế, thông tin với những người tiếp xúc có nguy cơ mắc bệnh,
- Cách ly nguồn mắc
- Vệ sinh tay chân
- Tthực hiện các biện pháp phòng bệnh qua đường hô hấp khác …
Có thể giảm đi phần nào nguy cơ nhiễm bệnh.