Mỗi năm có gần 15.000 ca mắc mới và gần 8.000 trường hợp tử vong vì ung thư đại trực tràng
TS.BS Phạm Văn Bình, Trưởng khoa Ngoại bụng I, Bênh viện K cho biết, ung thư đường tiêu hóa là bệnh ung thư thường gặp và là nguyên nhân tử vong hang đầu tại nhiều quốc gia trên thế giới. Đặc biệt ung thư đại trực tràng là một trong những ung thư đường tiêu hoá hay gặp nhất và có xu hướng tăng nhanh qua từng năm.
Theo số liệu Tổ chức y tế thế giới năm 2018, trên toàn thế giới có thêm 1,8 triệu ca mắc mới và gần 900.000 ca tử vong. Còn tại Việt Nam, ung thư đại trực tràng đứng thứ 5 trong số 10 bệnh ung thư phổ biến nhất với gần 15.000 ca mắc mới và gần 8.000 trường hợp tử vong.
Bệnh nhân ung thư đại trực tràng được phẫu thuật bằng phương pháp mới tại Bệnh viện K
Thống kê của Tổ chức y tế thế giới cho biết, với nhóm bệnh nhân ung thư đại trực tràng phát hiện bệnh giai đoạn sớm có tỷ lệ sống sau 5 năm đạt 90%, bệnh nhân phát hiện ở giai đoạn muộn thì chỉ khoảng 10%.
Tuy nhiên, theo ghi nhận tại Bệnh viện K, hiện tại hơn 70% bệnh nhân ung thư đại trực tràng đến khám ở giai đoạn muộn (giai đoạn tiến triển 3-4). Việc bệnh nhân đến các cơ sở y tế khám bệnh ở giai đoạn muộn khiến hiệu quả của việc chữa bệnh bị giảm rất nhiều.
TS Phạm Văn Bình cho biết thêm, nếu như trước đây, người mắc ung thư đại trực tràng thường gặp ở độ tuổi trên 50 thì giờ đây căn bệnh này có xu hướng trẻ hóa rất nhanh, khoa từng phẫu thuật cho bệnh nhân mới 10, 12 tuổi.
Trường hợp bé trai 10 tuổi được phẫu thuật năm 2018, vào viện cấp cứu do đau bụng, tắc ruột. Khi xét nghiệm, bác sĩ phát hiện có khối ung thư biểu mô tuyến ở đại tràng sigma. Khi mổ, kích cỡ khối u đã lên tới 6 cm, xâm lấn vào thành đại tràng, ở giai đoạn muộn T4B.
Mới đây, cuối tháng 4/2019, Bệnh viện K tiếp nhận bệnh nhân Trần Thanh H. 12 tuổi, quê tại Thái Bình. Bệnh nhân nhập viện trong tình trạng đau tức bụng khó chịu, sau khi thăm khám và chỉ định chụp chiếu, thực hiện các xét nghiệm, kết quả cho thấy tổn thương u đại tràng trái, kích thước 4 x5cm, phá vỡ thanh mạc trên đại thể, u chít hẹp gần hoàn toàn lòng đại tràng. Bệnh nhân H. đã được bác sĩ khoa Ngoại bụng I, Bệnh viện K phẫu thuật cắt đại trực tràng, loại bỏ hoàn toàn khối u.
“Mỗi năm Bệnh viện K phẫu thuật cho khoảng 22.000 – 23.000 bệnh nhân ung thư, trong đó riêng ung thư đại trực tràng đã chiếm 4.000 – 5.000 ca, tương đương 11-13 bệnh nhân/ngày”- TS Phạm Văn Bình cho biết.
Dấu hiệu nhận biết ung thư đại trực tràng
Ở giai đoạn sớm, ung thư đại trực tràng thường không có biểu hiện rõ ràng khiến người bệnh chủ quan, lầm tưởng với những bệnh lý đường tiêu hóa khác như: chán ăn, cảm giác đầy bụng, khó tiêu, nôn, buồn nôn,táo bón, đi ngoài ra máu, cảm giác mệt mỏi, cân nặng sụt giảm...
Do vậy ngay khi thấy những biểu hiện bất thường trên, người bệnh cần đến thăm khám để được tư vấn, điều trị kịp thời.
Dấu hiệu nhận biết ung thư đại trực tràng
Phòng ngừa ung thư đại trực tràng thế nào?
Để phòng ngừa ung thư đại tràng, các chuyên gia Bệnh viện K đưa ra lời khuyên, người dân nên hạn chế ăn nhiều thịt, các món nhiều mỡ, thịt xông khói, chất béo có nguồn gốc từ đạm động vật; bổ sung đầy đủ chất xơ từ lúa mạch, trái cây, rau tươi, các vitamin E, C, và A …và duy trì chế độ sinh hoạt năng động, luyện tập thể dục thường xuyên; Không hút thuốc lá
Để phòng ngừa và chữa bệnh hiệu quả, chúng ta cần duy trì thói quen khám sức khỏe định kì.
Đồng thời các chuyên gia cũng khuyến cáo, những nguời có tiền sử viêm đại tràng mạn tính, trong gia đình có nguời than từng mắc ung thư đuờng tiêu hóa (thực quản, dạ dày, đại tràng), hoặc khi có triệu chứng sụt cân không rõ lý do, táo bón, đầy bụng, đi tiêu ra máu, ói ra máu … thì nên đi khám ngay để tầm soát, phát hiện và điều trị kịp thời.
Phẫu thuật ung thư đại trực tràng cũng có 2 phương pháp chính: mổ mở truyền thống và phẫu thuật nội soi.
Phẫu thuật nội soi ung thư đại trực tràng với các ưu điểm là mổ sang chấn tối thiểu, phẫu tích tỉ mỉ, giảm đau sau mổ tốt và bệnh nhân hồi phục nhanh hơn nhưng vẫn đảm bảo kết quả về mặt ung thư học.