Bộ trưởng Y tế Philippines Francisco Duque cho biết, tính từ ngày 1-1 đến 20-7 năm nay, nước này đã ghi nhận 146.062 ca nhiễm sốt xuất huyết, tăng 98% so với cùng kỳ năm ngoái.
Năm 2016, Philippines đã trở thành quốc gia đầu tiên trên thế giới sử dụng vắc xin phòng chống sốt xuất huyết Dengvaxia trong chương trình tiêm chủng mở rộng. Tuy nhiên, những tranh cãi nổi lên sau khi hãng dược phẩm Sanofi công bố cuối năm ngoái rằng vắc xin này có thể gây ra các triệu chứng xấu hơn đối với những người chưa bị nhiễm virus sốt xuất huyết.
Thêm vào đó, hàng chục ca tử vong ở trẻ nhỏ trong số hơn 700.000 người được tiêm vaccin này trong các năm 2016 và 2017 đã khiến chính phủ Philippines quyết định ngừng sử dụng loại vaccin này.
Hiện chính phủ Philippines vẫn giữ quyết định cấm sử dụng vaccin phòng chống sốt xuất huyết Dengvaxia.
Nhiều trẻ em cũng bị ảnh hưởng bởi dịch sốt xuất huyết
Bộ trưởng y tế Duque cho biết, chính phủ nước này đang xem xét lời kêu gọi cho phép hãng dược phẩm Sanofi đưa loại vắc xin này quay lại thị trường Philippines, song loại bỏ khả năng sử dụng loại vắc xin này trong cuộc chiến chống đại dịch sốt xuất huyết đang diễn ra.
“Loại vắc xin này không giải quyết được triệt để nhóm đối tượng dễ bị tổn thương nhất là trẻ em trong độ tuổi từ 5-9”.
Người đứng đầu ngành y tế Philippines đã kêu gọi các cơ quan chính phủ, trường học và các nhóm cộng đồng rời khỏi văn phòng, nhà ở và trường học mỗi buổi chiều để tham gia vào nỗ lực “tìm và diệt các khu vực sinh sôi muỗi”.
Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), hiện vaccin Dengvaxia đã được cấp phép sử dụng ở 20 quốc gia trên thế giới cho đối tượng từ 9 tuổi trở lên.
Số ca sốt xuất huyết tại Philippines tăng gấp đôi so với năm ngoái
WHO cho biết, virus sốt xuất huyết là virus ký sinh trên loài muỗi phổ biến nhất và mỗi năm, virus này ảnh hưởng tới cuộc sống của khoảng 390 triệu người ở hơn 120 quốc gia, và cướp đi mạng sống của hơn 25 nghìn người trên thế giới.
Sốt xuất huyết là căn bệnh truyền qua muỗi nhanh nhất trên thế giới - đã tăng gấp 30 lần trong 50 năm qua.
Bệnh có thể gây đau khớp, đau đầu, đau cơ, đặc biệt cơn đau đầu kèm theo sốt, nhất là đau ở vị trí sau hốc mắt. Ngoài ra người bệnh có thể kèm theo các triệu chứng như buồn nôn, nôn, phát ban, có thể gây khó thở, xuất huyết và suy nội tạng trong trường hợp nặng.
Theo các chuyên gia bệnh truyền nhiễm cho biết, khi bị muỗi đốt, các triệu chứng trên sẽ xuất hiện trong vòng 5-6 ngày và không muộn hơn 14 ngày.
Chính phủ Philippines tổ chức chiến dịch diệt muỗi và các nơi làm tổ của muỗi để phòng chống dịch
Theo WHO, một số quốc gia khác ở khu vực Tây Thái Bình Dương như Campuchia, Lào, Malaysia, Singapore và Việt Nam đã phải đối phó với sự gia tăng các ca sốt xuất huyết và tử vong trong năm nay. Cụ thể Malaysia ghi nhận 62.421 trường hợp mắc( cho đến ngày 29-6) trong đó 93 trường hợp tử vong, tại Thái Lan có 54.000 trường hợp mắc và 65 người đã tử vong (báo cáo ngày 23-7). Tại Sri Lanka chứng kiến tới 234.000 trường hợp mắc sốt xuất huyết với 47 người tử vong. Tại quốc gia Nam Á là Bangladesh đang phải đối mặt với dịch sốt xuất huyết tồi tệ nhất từ trước đến nay, riêng trong tháng 7 có tới gần 17.000 người mắ, khiến hệ thống y tế của nước này đang chịu áp lực rất lớn.
Cũng theo WHO, biến đổi khí hậu đang làm tăng nguy cơ của dịch sốt xuất huyết. Do lượng mưa nhiều hơn, nhiệt độ môi trường nóng hơn làm gia tăng bệnh sốt xuất huyết. Ngoài ra những yếu tố môi trường khác tạo điều kiện cho muỗi mang mầm bệnh sốt xuất huyết sinh sôi.