Hà Nội

Khoảng 3000 học sinh và giáo viên của một huyện nghỉ học vì đau mắt đỏ

13-09-2023 12:40 | Y tế
google news

SKĐS - Tính từ đầu tháng 9/2023 đến nay, trên địa bàn huyện Hương Khê (Hà Tĩnh) có hơn 5.600 người dân đau mắt đỏ, trong đó có khoảng 3.000 bệnh nhân là học sinh và giáo viên.

Theo lãnh đạo Trung tâm Y tế huyện Hương Khê, gần 2 tuần qua trên địa bàn xuất hiện hơn 5.600 ca bệnh đau mắt đỏ ở 21/21 xã, thị trấn; trong đó có khoảng 3.000 ca bệnh là học sinh và giáo viên ở các bậc học THCS, tiểu học và mầm non. Hiện nay, có gần 1.200 ca đã khỏi bệnh.

Trước tình trạng dịch bệnh đau mắt đỏ trên địa bàn, Trung tâm Y tế huyện Hương Khê đề nghị trạm y tế các xã, thị trấn, ngành GD&ĐT huyện xuống tận cơ sở thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh theo yêu cầu chuyên môn của ngành y tế.

Hơn 5.600 người dân huyện miền núi Hà Tĩnh mắc bệnh đau mắt đỏ - Ảnh 1.

Cán bộ y tế phổ biến kiến thức, tuyên truyền về bệnh đau mắt đỏ để phụ huynh, học sinh nắm và có các phương án phòng tránh.

Để chủ động phòng tránh bệnh đau mắt đỉ lây lan, ngành Giáo dục huyện Hương Khê đã cho các học sinh bị đau mắt đỏ tạm thời nghỉ học.

Đặc biệt, tổ chức tuyên truyền, hướng dẫn và theo dõi việc chấp hành các biện pháp phòng, chống dịch của cán bộ, giáo viên và học sinh; lập danh sách các trường hợp nhiễm bệnh để theo dõi, hướng dẫn phụ huynh đưa trẻ đến các cơ sở y tế khám và điều trị.

Đau mắt đỏ là tình trạng nhiễm trùng mắt, thường do vi khuẩn hoặc vi rút gây ra hoặc do phản ứng dị ứng, với triệu chứng đặc trưng là đỏ mắt. Bệnh thường khởi phát đột ngột, lúc đầu ở một mắt sau lan sang mắt bên kia. 

Bệnh đau mắt đỏ rất dễ mắc, dễ lây lan trong cộng đồng và gây thành dịch. Cho đến nay chưa có vaccine phòng bệnh, chưa có thuốc điều trị đặc hiệu và những người bị đau mắt đỏ rồi vẫn có thể bị nhiễm lại chỉ sau vài tháng khỏi bệnh.

Hơn 5.600 người dân huyện miền núi Hà Tĩnh mắc bệnh đau mắt đỏ - Ảnh 2.

Để chủ động phòng, chống bệnh đau mắt đỏ, Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế khuyến cáo người dân thực hiện tốt các biện pháp sau, thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, sử dụng nước sạch; không đưa tay lên dụi mắt, mũi, miệng;  không dùng chung vật dụng cá nhân như: lọ thuốc nhỏ mắt, khăn mặt, kính mắt, khẩu trang…

- Vệ sinh mắt, mũi, họng hàng ngày bằng nước muối sinh lý, các thuốc nhỏ mắt, nhỏ mũi thông thường.

- Sử dụng xà phòng hoặc các chất sát khuẩn thông thường sát trùng các đồ dùng, vật dụng của người bệnh.

- Hạn chế tiếp xúc với người bệnh hoặc nghi bị bệnh đau mắt đỏ.

- Người bệnh, người nghi bị bệnh đau mắt đỏ cần hạn chế tiếp xúc với người khác; cần được nghỉ học/nghỉ làm việc để tránh lây nhiễm cho người xung quanh và lây lan ra cộng đồng; đến cơ sở y tế để được khám, tư vấn, điều trị kịp thời, không tự ý điều trị khi chưa có hướng dẫn của cán bộ y tế để tránh biến chứng nặng.

Đà Nẵng "báo động" tình trạng đau mắt đỏĐà Nẵng 'báo động' tình trạng đau mắt đỏ

SKĐS - Chỉ trong mười ngày qua, các bệnh viện ở Đà Nẵng ghi nhận hơn 22.444 trường hợp đau mắt đỏ đến khám và điều trị, trong đó trẻ em chiếm hơn 50%.


Nguyễn Sơn
Ý kiến của bạn