Theo báo cáo tại Hội thảo do ThS. Cao Hưng Thái - Phó cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh, Bộ Y tế cho biết, về công tác Đào tạo và Chỉ đạo tuyến, hiện nay đã có 32/37 bệnh viện trực thuộc Bộ thành lập Trung tâm Đào tạo chỉ đạo tuyến, trong đó có 1 BVĐK tỉnh thành lập Trung tâm Đào tạo và Chỉ đạo tuyến là BVĐK tỉnh Phú Thọ… Theo đó, công tác Chỉ đạo tuyến trong giai đoạn 2010 - 2016 đã đạt được những kết quả bước đầu 3 mục tiêu cơ bản qua đó góp phần nâng cao chất lượng khám chữa bệnh cho tuyến dưới, nhất là đối với miền núi, vùng sâu, vùng xa với gần 9.000 lượt cán bộ đi hỗ trợ tuyến dưới. Trung ương hỗ trợ tuyến tỉnh gần 4.000, tỉnh hỗ trợ huyện 2.000, huyện hỗ trợ xã 3.000 lượt cán bộ. Chuyển giao hơn 4.200 kỹ thuật và hầu hết các kỹ thuật được đánh giá là thực hiện tốt. Bệnh viện tuyến dưới làm chủ được kỹ thuật. Trực tiếp khám chữa bệnh cho hơn 4.500.000 người bệnh, phẫu thuật hơn 1.600 ca, cứu sống hàng trăm người bệnh mắc bệnh hiểm nghèo nếu đưa lên tuyến trên thì nguy cơ tử vong cao. Đáng nói là hơn 2.000 lớp đào tạo, tập huấn cho hơn 52 nghìn lượt cán bộ được nâng cao trình độ chuyên môn, kỹ thuật qua đó làm chủ được kỹ thuật do tuyến trên chuyển giao. Thông qua hoạt động này đã góp phần giảm tải từ xa cho bệnh viện tuyến trên, nhất là các bệnh viện Trung ương trung bình khoảng 30% ở một số địa phương những loại bệnh này trước đây có tỷ lệ chuyển tuyến cao nay đã không còn người bệnh chuyển tuyến như ung bướu, chấn thương, tim mạch. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đáng khích lệ, công tác Đào tạo và Chỉ đạo tuyến vẫn còn những hạn chế như một số bệnh viện chưa làm tốt khâu khảo sát nhu cầu nên khi triển khai thiếu thực tế và bị động...