Hà Nội

Hơn 5.000 người thương vong, y tế Lebanon lâm vào khủng hoảng kép

07-08-2020 09:26 | Quốc tế
google news

SKĐS - Vụ nổ hóa chất hôm 4/8 làm rung chuyển thế giới, hơn 5.000 người thương vong. Vụ nổ đã san phẳng một phần thành phố Beirut, khiến ngành y tế của Lebanon rơi vào cuộc khủng hoảng, trong bối cảnh nước này đang huy động mọi nguồn lực phòng chống dịch COVID-19...

Hàng trăm người mất tích

Chỉ trong 1 ngày, ngành y tế Lebanon phải  nhận thêm  hàng nghìn bệnh nhân, Chính phủ Lebanon ban bố tình trạng khẩn cấp kéo dài 2 tuần, đồng thời chi bổ sung 100 tỷ pound Lebanon (khoảng 66,3 triệu USD) để giải quyết khủng hoảng bất ngờ ập xuống quốc gia Tây Á này. Thống đốc của Beirut cho biết, thiệt hại do vụ nổ gây ra ước tính lên tới từ 10-15 tỷ USD. Theo Bộ Y tế Lebanon, số người chết trong vụ nổ này đã tăng lên 135 người, hơn 5.000 người bị thương, số người mất tích có thể lên tới hàng trăm người. Nhiều ngôi nhà bị vỡ vụn, thành phố cảng sầm uất của Lebanon bỗng chốc bị san phẳng một phần.

Phó Phát ngôn viên Liên hợp quốc Farhan Haq cho biết, Tổ chức Y tế Thế giới đang phối hợp với Bộ Y tế Lebanon đánh giá lại các cơ sở y tế, và nhu cầu để hỗ trợ bổ sung khẩn cấp cho quốc gia này. Các thành viên LHQ, chuyên gia tìm kiếm cứu nạn, chuyên gia y tế ứng phó trong trường hợp khẩn cấp từ nhiều quốc gia đang trên đường tới Thủ đô Beirut của Lebanon.

Y tế Lebanon gặp khủng hoảng kép

Báo cáo sơ bộ của cơ quan chức năng Lebanon cho thấy nguyên nhân ban đầu được xác định là do sự bất cẩn trong việc quản lý cảng Beirut. Vụ nổ được cho là tương đương với trận động đất mạnh 4,5 độ richter, nhiều người liên tưởng với vụ nổ bom hạt nhân. Các cựu quan chức Lebanon  kêu gọi một cuộc điều tra quốc tế về vụ nổ.

Hơn 5.000 người thương vong, y tế Lebanon lâm vào khủng hoảng képKhung cảnh hoang tàn sau vụ nổ.

Các bệnh viện ở Beirut hiện tràn ngập người thương vong, đến nay 4 bệnh viện ở đây không còn khả năng tiếp nhận thêm bệnh nhân, có bệnh viện quá tải người bệnh, có bệnh viện bị hư hỏng sau vụ nổ. Giám đốc BV ĐH Rafik Hariri cho biết, số người chết có khả năng vẫn tăng lên do nhiều người bị thương nặng. Lebanon cũng đã thành lập 6 bệnh viện dã chiến để tiếp nhận điều trị cho người bệnh.

Bộ trưởng Y tế Lebanon ông Hamad Hassan cho biết, cũng như nhiều quốc gia khác, Lebanon đang chống chọi với đại dịch COVID-19, một loại dịch bệnh có sức lây lan khủng khiếp chưa từng có từ trước đến nay với gần 5.500 người mắc bệnh, gần 70 người tử vong. Hiện mỗi ngày ở quốc gia Tây Á này ghi nhận thêm xấp xỉ 100 người nhiễm, dịch bệnh đang lan ra nhiều tỉnh thành phố trên cả nước. Người đứng đầu ngành y tế Lebanon nói: “Ngành y tế Lebanon đang phải gánh thêm một cuộc khủng hoảng về sức khỏe mới sau vụ nổ”.

Lebanon đang lâm vào một cuộc khủng hoảng y tế tồi tệ nhất từ trước đến nay. Tổng thư ký Hội chữ thập đỏ Lebanon Georges Kettaneh cho rằng đây là thảm họa lớn chưa từng có ở Lebanon. Hội chữ thập đỏ đã kêu gọi người dân khẩn cấp đến các cơ sở y tế  hiến máu cứu người bởi nhu cầu về máu đang tăng đột biến. Tổ chức này còn xây dựng nơi trú ẩn tạm thời  cho 1000 gia đình bởi rất nhiều ngôi nhà đã bị phá hủy sau vụ nổ.

Trước tình hình đó, nhiều quốc gia đã cử các đội cứu trợ khẩn cấp, đội ngũ y bác sĩ cùng trang thiết bị y tế tới hỗ trợ Lebanon. Bộ Tình trạng khẩn cấp Nga cho biết, Nga đã điều tới Lebanon 5 máy bay chở theo trang thiết bị y tế, các y bác sĩ phục vụ cho bệnh viện dã chiến mới ở Beirut cứu chữa các nạn nhân của vụ nổ. Ngoài ra Nga còn gửi tới các đội tìm kiếm cứu hộ và phòng thí nghiệm phát hiện các trường hợp nhiễm COVID-19. Bộ trưởng Ngoại giao Anh Dominic Raab cho biết, Anh sẽ hỗ trợ Lebanon hơn 6 triệu USD, cử các chuyên gia y tế, đội tìm kiếm cứu nạn để giúp đỡ người dân Lebanon sau vụ nổ. Nhiều nước vùng Vịnh cũng ngay lập tức cử đoàn cứu hộ tới Lebanon như Iran, Kuwait, Qatar, Saudi Arabia... Một hashtag lan truyền mạnh mẽ trên mạng xã hội (#staystrongLebanon) - “Mạnh mẽ lên nhé, Lebanon” như lời động viên của người dân trên khắp thế giới gửi tới quốc gia Tây Á xa xôi vững vàng vượt qua thời khắc khó khăn này.

 

 


Hải Yến
Ý kiến của bạn