Ngày 20/9, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức tổ chức “Lễ kỷ niệm 10 năm thành lập và đón nhận huân chương Lao động hạng Nhì khoa Phẫu thuật Cột sống – Viện chấn thương chỉnh hình”.
Phát biểu tại buổi lễ, GS.TS Trần Bình Giang – Giám đốc Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức nhấn mạnh: Trải qua 10 năm hình thành và phát triển, Khoa Phẫu thuật Cột sống đã trở thành một trung tâm phẫu thuật cột sống hàng đầu cả nước, cơ sở nghiên cứu ứng dụng khoa học hiện đại, địa chỉ khám chữa bệnh tin cậy của nhân dân.
Khoa Phẫu thuật Cột sống vinh dự đón nhận huân chương Lao động hạng Nhì
Báo cáo hoạt động trong suốt 10 năm qua của Khoa, TS.BS Đinh Ngọc Sơn – Trưởng Khoa Phẫu thuật Cột sống cho biết, trải qua 10 năm xây dựng và phát triển, Khoa Phẫu thuật cột sống không ngừng phát triển các kỹ thuật mới, chuyên sâu góp phần điều trị hiệu quả cho nguòi bệnh.
Năm 2003, PGS.VS Tôn Thất Bách - nguyên giám đốc Bệnh viện Việt Đức đã thành lập đội phẫu thuật cột sống đây chính là tiền thân của Khoa Phẫu thuật cột sống hiện nay. Kể từ khi thành lập đến nay, Khoa Phẫu thuật cột sống đã thực hiện nhiều ca mổ bệnh lý cột sống phức tạp và chấn thương cột sống, triển khai các kỹ thuật mới như: cột sống có sử dụng robot định vị, phẫu thuật nội soi lấy nhân thoát vị, sóng cao tần thế hệ mới, máy thăm dò phản xạ tự động tủy, các phẫu thuật thay khớp hiện đại...
"Khoa Phẫu thuật cột sống - Bệnh viện Việt Đức ứng dụng kỹ thuật cố định cột sống có sử dụng hệ thống robot định vị từ năm 2012 và là đơn vị đầu tiên triển khai tại Đông Nam Á triển khai kỹ thuật này Đến nay đã có hơn 500 người bệnh được phẫu thuật bằng phương pháp này. Hiện phẫu thuật cột sống bằng Robot đã được bảo hiểm y tế chi trả"- TS.BS Đinh Ngọc Sơn cho biết.
Để thực hiện kỹ thuật cố định cột sống có sử dụng hệ thống robot định vị , nhân viên y tế đã có những dữ liệu của người bệnh trong máy tính và sẽ tính toán để tạo ra kích thước của vít, độ dài của vít phù hợp với từng đốt sống của người bệnh và sau đó sẽ đưa chuyển cho Robot tiến hành kỹ thuật mổ.
Phẫu thuật bằng Robot sẽ tránh được tình trạng mất nhiều máu trong mổ. Khi tiến hành mổ bằng Robot, khoảng rạch da rất nhỏ, ít xâm lấn, nên vết thương không phải tiếp xúc nhiều với môi trường vì vậy mà khả năng nhiễm trùng rất nhỏ so với mổ thông thường.
Trước đây, phẫu thuật cột sống theo phương pháp mổ thông thường phải mất hơn 10h đồng hồ, trang thiết bị, dụng cụ thiếu thốn vì vậy, khả năng rủi ro, tai biến cao nhất là phẫu thuật cột sống là một nơi dễ bị tổn thương.
Sử dụng robot bắt vít trong phẫu thuật cột sống tại Khoa Phẫu thuật cột sống
Hiện nay, mỗi ca phẫu thuật cột sống bằng Robot chỉ còn trung bình một tiếng rưỡi với bệnh nhân chấn thương cột sống và 3 tiếng với bệnh nhân trượt đốt sống, bao gồm cả ghép xương liên thân đốt. Hiện nay, mỗi tuần tại Khoa Phẫu thuật cột sống tiến hành đến 5, 6 ca phẫu thuật bằng kỹ thuật này.
Ngoài ra, các thầy thuốc của Khoa Phẫu thuật cột sống cũng đã thực hiện thành công kỹ thuật phẫu thuật nội soi lấy nhân thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng là kỹ thuật tiên tiến trước đây chỉ được thực hiện ở các nước có nền y học phát triển như Đức, Anh, Mỹ nhưng các bác sĩ của Khoa Phẫu thuật cột sống đã học hỏi và áp dụng rất thành công tại Việt Nam.
Tại lễ kỷ niệm 10 nâm thành lập, Khoa Phẫu thuật cột sống đã vinh dự được đón nhận Huân chương Lao động Hạng Nhì.