Hơn 50 tấn cá chết ở biển Nghi Sơn, Thanh Hóa: Công ty lọc hóa dầu Nghi Sơn súc rửa đường ống, xả thải ra môi trường có liên quan hay không?

16-09-2016 10:28 | Xã hội

SKĐS - Ngày 14/9, Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) tỉnh Thanh Hóa đã tổ chức buổi thông tin báo chí liên quan đến việc gần 50 tấn cá chết bất thường tại huyện Tĩnh Gia và hoạt động súc rửa đường ống

Ngày 14/9, Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) tỉnh Thanh Hóa đã tổ chức buổi thông tin báo chí liên quan đến việc gần 50 tấn cá chết bất thường tại huyện Tĩnh Gia và hoạt động súc rửa đường ống, xả thải của Nhà máy hóa lọc dầu Nghi Sơn. Ông Lê Văn Bình - Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường tỉnh Thanh Hóa khẳng định: Việc Công ty lọc hóa dầu Nghi Sơn súc rửa đường ống, xả thải ra môi trường là trái phép.

Cá chết có thể do Công ty lọc hóa dầu Nghi Sơn súc rửa đường ống, xả thải ra môi trường?

Tại buổi thông tin báo chí, ông Lê Văn Bình cho biết: Việc Công ty lọc hóa dầu Nghi Sơn súc rửa đường ống, xả thải ra môi trường khi chưa được cơ quan nhà nước có thẩm quyền đồng ý là trái phép. Tại nhà máy lọc hóa này có hai đường ống dẫn dầu đặt dưới biển, có chiều dài 33,5km, đặt song song và cách nhau 43m, đường kính mỗi ống là 1m, xả thải ngầm nối từ nhà máy ra biển dài 2km và cách mặt nước biển 11m. Hiện nay, nhà thầu Hàn Quốc đã thi công xong, trước khi bàn giao công trình, họ đã thực hiện việc súc rửa đường ống. Tuy nhiên, trong khi cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp phép chưa đồng ý, đơn vị này vẫn ngang nhiên xả thải 40.000m3/90.000m3 nước ra môi trường. Việc này, Sở TN&MT đã có báo cáo Tổng cục Môi trường vào kiểm tra. Chúng tôi yêu cầu họ dừng ngay việc xả thải. Khối lượng nước thải còn lại đã được bơm ngược trở lại nhà máy”, ông Bình cho biết.

Lãnh đạo UBND tỉnh Thanh Hóa cùng đoàn kiểm tra của tỉnh trực tiếp kiểm tra, chỉ đạo  tìm nguyên nhân và khắc phục hậu quả vụ cá chết.

Trả lời câu hỏi về việc xây dựng đường ống xả thải ngầm này đã được cấp phép hay chưa, ông Bình phát biểu: Đường ống này đã nằm trong lộ trình đánh giá tác động môi trường được Bộ TN&MT phê duyệt. Hiện nay, họ chưa xả thải. Rút kinh nghiệm từ vụ Formosa, Tổng cục Môi trường đã yêu cầu Công ty lọc hóa dầu Nghi Sơn xây dựng một hồ điều hòa trong nhà máy, tất cả nước thải của nhà máy phải qua hồ này rồi mới được xả ra môi trường.

Trước đó, tại Thanh Hóa, từ ngày 6 - 9/9/2016, các lồng cá của người dân địa phương tại khu vực đảo Ngọc, xã Nghi Sơn, huyện Tĩnh Gia (Thanh Hóa) bị chết hàng loạt, chủ yếu là các loại cá nuôi lồng như: vược, vú, giò, hồng đỏ… Hiện tượng này sau đó cũng xuất hiện tại xã Tĩnh Hải (Tĩnh Gia). Ngay sau khi cá chết, ngày 10/9, UBND tỉnh Thanh Hóa đã có báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ về tình hình cá chết bất thường tại vùng ven biển 2 xã này.

Trên cơ sở kết quả phân tích của Sở TN&MT, UBND tỉnh Thanh Hóa kết luận: “Bước đầu có thể xác định nguyên nhân gây nên tình trạng cá tự nhiên và cá nuôi lồng bị chết là do tác động của loài tảo Hairoi - Creratium furca trong nước biển bùng phát với mật độ cao, ở quy mô rộng hay còn gọi là tảo nở hoa”.

Sau khi báo cáo này được công bố, một số chuyên gia và những người nguyên là cán bộ cấp cao trong lĩnh vực quản lý môi trường đều cho rằng, việc UBND tỉnh Thanh Hóa đưa ra kết luận nguyên nhân cá chết do “tảo nở hoa” là quá vội vàng.

Cơ quan chức năng đã vào cuộc

Trước sự hoài nghi của dư luận và các nhà khoa học, ngày 13/9, hai đoàn công tác hoạt động độc lập là Viện Nghiên cứu Hải sản thuộc Bộ NN&PTNT) và Trung tâm Quan trắc môi trường thuộc Bộ TN&MT đã đến Thanh Hóa lấy mẫu nước biển để tìm nguyên nhân.

TS. Nguyễn Văn Nguyên - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Hải sản cho biết, từ chiều 13/9 đến sáng 14/9, đoàn công tác sẽ lấy mẫu nước 1 giờ/lần tại 3 địa điểm có cá chết là xã Nghi Sơn, Tĩnh Hải và Hải Tiến thuộc huyện Tĩnh Gia để đưa về kiểm nghiệm. Cũng trong ngày 13/9, Trung tâm Quan trắc môi trường thuộc Bộ TN&MT cùng với Sở TN&MT Thanh Hóa đã vào Nghi Sơn để lấy mẫu nước ở tầng mặt, giữa và đáy tại các khu vực quanh đường ống ngầm dưới biển của Nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn. Bên cạnh đó, Đoàn cũng lấy mẫu tại một số khu biển có cá chết ở xã đảo Nghi Sơn để làm rõ nguyên nhân.

Liên quan đến cá chết nghi ngờ do tảo, trao đổi với Sức khỏe&Đời sống, PGS.TS. Vũ Thanh Ca - Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế và Khoa học, Công nghệ, Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam, thông thường, bùng phát tảo độc chỉ chủ yếu gây ra hiện tượng cá tầng mặt chết. Hiện tượng cá tự nhiên tại tầng đáy chết cần được giải thích một cách thấu đáo hơn. Không loại trừ khả năng cá chết tại Tĩnh Gia, Thanh Hóa là do nước thải công nghiệp. Vì vậy, để xác định đúng nguyên nhân cá chết, cần phải điều tra hiện trường và có những phân tích, đánh giá một cách khoa học. Chính các kết quả điều tra, đánh giá này sẽ là cơ sở để xây dựng các giải pháp quản lý chất thải nguồn lục địa, phòng tránh những sự cố môi trường biển tương tự trong tương lai. Nếu chỉ dựa vào mẫu nước có tảo đỏ mà kết luận nguyên nhân cá chết do tảo đỏ là vội vàng, nhất là khi chưa có kết quả phân tích mẫu cá. Cần phải có nhiều phân tích, đánh giá mới có thể kết luận được.

Vụ việc cá chết bất thường tại Thanh Hóa lại nóng lên về sự cố môi trường biển ở các tỉnh miền Trung, các nhà chuyên môn đang tiếp tục tiến hành xác định nguyên nhân cá chết. Tuy nhiên, qua đây để cho thấy môi trường biển của Việt Nam đang bị đe dọa khủng khiếp và có xu hướng ngày càng lan rộng, việc này đòi hỏi các cơ quan chức năng quyết liệt vào cuộc trả lại sự sống cho môi trường cũng như các hoạt động đánh bắt của ngư dân. Theo báo cáo của UBND xã Nghi Sơn, hơn 200 lồng với gần 48 tấn cá nuôi của 21 hộ dân bị chết, thiệt hại khoảng 8 tỉ đồng. Ai sẽ đền bù cho họ thiệt hại này?


Trần Hòa – Thạch Mai
Ý kiến của bạn